Từ 'công chúa' nhà Shinawatra đến nữ thủ tướng trẻ nhất Thái Lan

Từng được gọi là "công chúa" của gia tộc Shinawatra, bà Paetongtarn, con gái ông Thaksin, đã trỗi dậy trên chính trường để trở thành thủ tướng trẻ nhất Thái Lan.

Hạ viện Thái Lan ngày 16/8 bỏ phiếu bầu bà Paetongtarn Shinawatra làm tân Thủ tướng, kế nhiệm ông Srettha Thavisin vừa bị Tòa án Hiến pháp phế truất.

Ở tuổi 37, bà Paetongtarn là thủ tướng trẻ nhất lịch sử của quốc gia Đông Nam Á này. Bà là người thứ ba trong gia tộc Shinawatra làm thủ tướng, sau cha ruột Thaksin Shinawatra và cô ruột Yingluck Shinawatra.

Bà Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan ngày 15/8. Ảnh: AP
Bà Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan ngày 15/8. Ảnh: AP

Paetongtarn sinh năm 1986, là con út của cựu thủ tướng Thaksin, lớn lên tại Bangkok và có biệt danh Ung Ing. Bà có anh trai Oak-Panthongtae hơn 6 tuổi và chị gái Aim-Pintongta hơn 4 tuổi.

Bà lớn lên trong giai đoạn chính trường Thái Lan nhiều biến động. Từ doanh nhân thành đạt, ông Thaksin dấn thân vào chính trị năm 1994, thành lập đảng Thai Rak Thai năm 1998, tiền thân của Pheu Thai.

"Khi tôi 8 tuổi, cha tôi tham gia chính trường. Kể từ ngày đó, cuộc sống của tôi cũng gắn liền với chính trị", bà Paetongtarn cho biết hồi tháng 3.

Ông Thaksin đắc cử thủ tướng năm 2001, rồi được bầu tiếp năm 2005 nhờ làn sóng ủng hộ lớn từ cử tri vùng nông thôn, nhưng bị quân đội đảo chính năm 2006, khi đang trong nhiệm kỳ hai. Ông sau đó phải sống lưu vong nhiều năm ở nước ngoài để tránh bị bắt theo các cáo buộc về tham nhũng do chính quyền quân sự đưa ra.

Bố bị lật đổ khi Paetongtarn đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Chulalongkorn. Bà mô tả thời gian này là một trong những giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, giảng viên Đại học Chulalongkorn, kể lại rằng Paetongtarn lúc đó luôn có cận vệ đi kèm mỗi khi đến trường vì lo ngại người biểu tình quá khích.

"Tôi thường nhìn thấy ảnh cha bị gắn lên tường, gạch chéo và vẽ bậy", bà cho hay. "Rất khó vượt qua khi bị sự thù ghét bủa vây ở tuổi 20".

Paetongtarn tốt nghiệp cử nhân Khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, sau đó theo học ngành quản trị khách sạn tại Anh. Bà trở về nước và điều hành hoạt động kinh doanh của gia đình, trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty bất động sản SC Asset và thành viên hội đồng quản trị Thaicom Foundation.

Tính đến năm 2022, Paetongtarn nắm cổ phần tại 21 công ty, với tổng tài sản có giá trị khoảng 68 tỷ baht (1,93 tỷ USD), theo Khaosod.

Năm 2019, bà kết hôn với phi công Pidok Sooksawas và có hai con. Bà gia nhập chính trường năm 2021, và nhanh chóng thu hút sự ủng hộ của nhóm cử tri trẻ tuổi, những người ngưỡng mộ sự năng động của cô, giúp Paetongtarn củng cố uy tín và vị thế trong nền chính trị Thái Lan.

Trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan năm 2023, Paetongtarn trở thành một trong ba ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai, cùng với cựu bộ trưởng tư pháp Chaikasem Nitisiri và trùm bất động sản Srettha. Bà khi đó đang mang thai sắp sinh, nhưng vẫn xông xáo hoạt động tranh cử, khiến cử tri càng thêm ngưỡng mộ và gọi bà là "công chúa nhà Shinawatra".

"Bố của Paetongtarn là một trong những thủ tướng được mến mộ nhiều nhất trong lịch sử Thái Lan, nhưng cô ấy hiểu rằng không thể chỉ dựa vào nhóm cử tri trung thành với ông Thaksin, mà phải đề ra những chính sách cấp tiến hơn", Aim Sinpeng, chuyên gia về khoa học chính trị thuộc Đại học Sydney ở Australia, nói.

Bà sinh con thứ hai đầu tháng 5/2023, ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử diễn ra cùng tháng. Sau khi sinh con, Paetongtarn thường chia sẻ thông tin về phong cách sống của mình trên Instagram. Tài khoản của bà có hơn một triệu lượt đăng ký theo dõi.

Pheu Thai về nhì trong cuộc tổng tuyển cử, nhưng được phép thành lập chính phủ sau khi ứng viên thủ tướng Pita Limjaroenrat của đảng Move Forward bị quốc hội Thái Lan tước tư cách. Pheu Thai sau đó cùng 10 đảng khác lập liên minh, ông Srettha được bầu làm thủ tướng trong khi bà Paetongtarn lãnh đạo đảng.

"Pheu Thai sẽ tiếp tục sứ mệnh quan trọng của mình là cải thiện sinh kế cho người dân", bà Paetongtarn tuyên bố trước hàng trăm thành viên đảng này.

Sau gần một năm lãnh đạo đất nước, ông Srettha, 62 tuổi, bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan bãi nhiệm ngày 14/8 vì bổ nhiệm Pichit Chuenban, cựu luật sư từng ngồi tù làm bộ trưởng. Ông Srettha chấp nhận phán quyết của tòa và rời chức vụ ngay lập tức.

Ứng viên kế nhiệm ông Srettha phải là người được đăng ký với ủy ban bầu cử từ trước cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2023. Điều này đồng nghĩa Pheu Thai còn hai lựa chọn là bà Paetongtarn và ông Chaikasem, 75 tuổi.

Nguồn tin từ đảng Pheu Thai cho biết bà Paetongtarn được chọn bởi có lợi thế sức trẻ, trong khi ông Chaikasem được cho là có vấn đề về sức khỏe. Giới quan sát cho rằng các nghị sĩ Pheu Thai lo ngại Chaikasem có thể bị Tòa án Hiến pháp nhắm đến, do khi đương nhiệm, ông đã chỉ đạo công tố viên từ bỏ cáo buộc hối lộ nhằm vào Pichit.

Lựa chọn của Pheu Thai khiến một số nhà phân tích chính trị bất ngờ. Họ từng cho rằng ông Thaksin, với sức ảnh hưởng của cá nhân, sẽ bảo vệ con gái út khỏi chính trường khốc liệt Thái Lan thêm một thời gian nữa, để bà có thêm kinh nghiệm đối phó với sóng gió trên chính trường.

Bà Paetongtarn Shinawatra (thứ ba từ trái sang) tại lễ tốt nghiệp Đại học Chulalongkorn tháng 7/2008. Ảnh: Khaosod
Bà Paetongtarn Shinawatra (thứ ba từ trái sang) tại lễ tốt nghiệp Đại học Chulalongkorn tháng 7/2008. Ảnh: Khaosod

Paetongtarn là nữ thủ tướng thứ hai của Thái Lan, sau cô ruột Yingluck. Bà sẽ phải đối mặt hàng loạt khó khăn trước mắt.

Vực dậy nền kinh tế sẽ là nhiệm vụ đầy thách thức với Paetongtarn, khi Thái Lan đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, bất ổn chính trị liên quan các cuộc đảo chính càng khiến tình trạng trì trệ kéo dài. Cựu thủ tướng Thaksin từng nhận xét rằng kinh tế Thái Lan hiện tại khó khăn hơn nhiều so với khi ông còn là lãnh đạo.

Trên mạng xã hội, những clip vận động tranh cử của bà Paetongtarn, trong đó có cam kết cải thiện sinh kế người dân, được dùng để chế giễu, thậm chí công kích bà. Họ cho rằng chính phủ Thái Lan không thể đạt được những mục tiêu như vậy.

Ngoài ra, giới quan sát còn đặt câu hỏi liệu bà Paetongtarn có tránh được số phận chính trị như ông Thaksin và bà Yingluck hay không. Hai cựu thủ tướng nhà Shinawatra bị quân đội đảo chính vào năm 2006 và 2014, và phải sống lưu vong. Ông Thaksin đã trở về Thái Lan tháng 8/2023, sau 15 năm sống ở nước ngoài.

"Bà ấy sẽ bị công kích", Titipol Phakdeewanich, nhà khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani nhận định. "Paetongtarn đối mặt nhiều rủi ro hơn. Nếu Pheu Thai không thể nhanh chóng thay đổi tình hình, gia tộc Shinawatra sẽ đối mặt nhiều khó khăn hơn trên chính trường".

vnexpress.net

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.