Tuổi "xế chiều" vẫn nặng gánh mưu sinh

(Baohatinh.vn) - Tuổi xế chiều là lúc những “cây cao bóng cả” tận hưởng cuộc sống an nhàn, hạnh phúc bên con, cháu. Nhưng vì nhiều lý do, không ít cụ ông, cụ bà dù lưng chùng, gối mỏi vẫn phải đánh vật với chiếc “cần câu cơm”. Và ước mong của họ, đơn giản chỉ là có một chỗ dựa để cuộc sống tuổi già bớt bấp bênh.

tuoi xe chieu van nang ganh muu sinh

Rất nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn vẫn phải mưu sinh.

Xế chiều vẫn nặng gánh mưu sinh

Hơn 70 tuổi, cái tuổi lẽ ra được sống an nhàn, hạnh phúc bên con cháu nhưng với vợ chồng ông Nguyễn Đình Sửu (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh), đó lại là giấc mơ xa vời. Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa nắng, hàng nước của ông bà vẫn đều đặn đón khách. Tờ mờ sáng, khi những “cây cao bóng cả” đang chậm rãi, khoan thai trong bài tập thể dục buổi sáng, 2 ông bà lại lụi cụi chuẩn bị nào nuớc, bàn, ghế, rồi cả chiếc điếu cày, bao thuốc lá.

Từ từ rót nước cho khách, ông Sửu tiếp chuyện: “Ngày nào đắt khách, tôi tranh thủ về sớm nấu thêm nước đưa ra phụ bà nhà. Hàng nước vừa là “cần câu cơm”, vừa là nơi chúng tôi tìm kiếm niềm vui mỗi ngày. Mỗi vị khách đến đây là mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh. Tâm sự, chuyện trò với họ cũng là cách giúp chúng tôi khuây khỏa, vơi bớt những âu lo”.

Cùng chung cảnh mưu sinh tuổi xế chiều, ông Đặng Xuân Vinh (xã Cẩm Hà, Cẩm Xuyên) nay đã 65 tuổi nhưng vẫn kiên trì bám trụ tại từng góc ngã tư, bến xe buýt để chở khách. “Con cái đã có gia đình, ở riêng nhưng đứa nào cũng vất vả. Chứng kiến các con đầu tắt mặt tối lo hết việc đồng áng, nội trợ rồi chăm lo cho các cháu còn nheo nhóc, đau ốm, tôi nghĩ, tuổi này đang có sức khỏe thì nên cố sức, như vậy cũng đỡ gánh nặng cho con cháu” - người đàn ông nở nụ cười hiền chia sẻ.

Mỗi ngày, sức già chỉ ăn lưng 2 chén cơm, nhưng ngồi ròng rã từ sáng đến tối. Ngày nhiều cũng được 3-5 “cuốc”, có khi chẳng có khách nào nhưng ông Vinh vẫn luôn lạc quan. Song, tác phong chậm rãi nói lên rằng, đã đến lúc, ông cần được nghỉ ngơi.

tuoi xe chieu van nang ganh muu sinh

Cần sự chung tay, góp sức của địa phương và toàn xã hội nhằm giúp người cao tuổi ổn định cuộc sống, tận hưởng niềm vui tuổi già

Mong ước tuổi già

Mưu sinh với những người đang dồi dào sức lao động chẳng phải là điều dễ dàng, với người cao tuổi lại càng vất vả gấp bội. Thực tế cho thấy, nhiều người chỉ cho phép bản thân được nghỉ ngơi khi thực sự đã “chân chậm, mắt mờ”. Tuy nhiên, người già mưu sinh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Tai nạn giao thông do khả năng quan sát, phản xạ kém; dễ ngã bệnh bởi sức khỏe yếu. Chưa kể năng suất, hiệu quả lao động thấp, các sản phẩm làm ra chỉ đơn giản, thuần túy và ít ỏi…

Tại địa bàn nông thôn, bãi ngang, người cao tuổi (trên 55 đối với nữ và 60 đối với nam) chủ yếu mưu sinh nơi đồng ruộng, mảnh vườn, số ít buôn bán nhỏ. Trong khi đó, nghề nghiệp chính của những người không có lương hưu, chưa đủ điều kiện hưởng các loại trợ cấp đối với người cao tuổi ở thành phố là đạp xích lô, xe thồ, bán vé số, hàng rong... cuộc sống hết sức khó khăn.

“Về phía địa phương, chúng tôi cũng chỉ có những hỗ trợ mang tính chất tình thế đối với các trường hợp đặc biệt khó khăn. Những giải pháp lâu dài về chế độ, chính sách đối với người cao tuổi cần được quan tâm nhiều hơn. Chẳng hạn, có thể hạ mức tuổi (từ 80 xuống 70), nới rộng đối tượng người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, tăng các khoản trợ cấp...” - Chủ tịch UBND xã Thạch Tiến (Thạch Hà) Nguyễn Hữu Thắng bày tỏ.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Hà Tĩnh Trần Thị Kim Hoa cho biết: “Thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ người cao tuổi như bảo trợ xã hội: Đối với người trên 80 tuổi thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng, hoặc có người phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, được hưởng mức trợ cấp 270 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, người cao tuổi còn được hưởng ưu đãi như giảm giá vé khi sử dụng một số dịch vụ; chính sách chúc thọ, mừng thọ. Về phía hội cũng tích cực phối hợp với các đoàn thể, địa phương và doanh nghiệp bố trí việc làm phù hợp; vận động cộng đồng thôn xóm quan tâm, giúp đỡ người cao tuổi trong địa bàn dân cư; kêu gọi xây nhà cho những hộ có gia cảnh khó khăn nhằm giúp các cụ có cuộc sống ổn định hơn”.

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.