Tuyển sinh ở Hà Tĩnh: Rộng cửa trường nghề!

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, các trường đại học trên toàn quốc đã công bố ngưỡng điểm xét tuyển năm 2016 và tổ chức xét tuyển nguyện vọng 1. Các trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề trên địa bàn Hà Tĩnh cũng bước vào mùa tuyển sinh với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp để “hút” học sinh (HS)...

tuyen sinh o ha tinh rong cua truong nghe

Hướng dẫn làm hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ. Ảnh minh họa từ internet

Tín hiệu vui

Có mặt tại buổi tập trung hướng dẫn hồ sơ và làm thủ tục nhập học Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh năm học 2016 - 2017, em Hoàng Vũ Linh (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) cho biết, với lực học của mình, em có thể thi đậu các trường đại học thuộc top 2. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, hơn nữa thấy rất nhiều anh chị tốt nghiệp đại học mà vẫn thất nghiệp nên em quyết định đăng ký chọn học ngành cao đẳng cơ điện tử. Đó là niềm đam mê của em.

“Mục tiêu phấn đấu của em là được theo học lớp cao đẳng nghề cơ điện tử cấp độ quốc tế, đào tạo theo chương trình của Australia và sẽ có cơ hội làm việc tại Australia cũng như các nước phát triển” - Linh bộc bạch.

tuyen sinh o ha tinh rong cua truong nghe

Giờ thực hành hàn tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức.

Em Phạm Văn Hưng (xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh) thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 với kết quả 21,25 điểm. Với số điểm đạt được, em có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường đại học khác. Thế nhưng, Hưng đã lựa chọn học nghề. “Em có nguyện vọng thi vào Trường Đại học An ninh nhưng không đạt được mục tiêu. Vì vậy, em quyết định nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh học ngành cơ điện tử. Thực tế hiện nay cũng cho thấy nhiều người tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm trong khi các bạn học trường nghề ra phần lớn có việc làm ngay với mức lương ổn định. Quyết định của em cũng được bố mẹ đồng tình, ủng hộ” - Hưng chia sẻ.

Nguyễn Văn Phúc (xã Thường Nga, Can Lộc) thi đậu Trường Đại học Giao thông vận tải năm 2014 và đã học 1 năm, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên không thể theo học ở ngôi trường này. Thay vào đó, Phúc đã chọn Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh với ngành vận hành máy thi công nền.

Phúc cho biết, sau khi nghỉ ở trường đại học, em đã làm nhiều nghề để kiếm tiền. Nhưng do không được đào tạo nghề nên được một thời gian em lại bị sa thải. Vì vậy, để khởi nghiệp, em quyết định theo học nghề, sớm tìm được việc làm, có điều kiện tích lũy kinh nghiệm, lại có thu nhập.

“Với nhiều bạn thì đại học là ước mơ, là mục đích phải đạt được, nhưng với em thì không quan trọng là cao đẳng, đại học hay trung cấp mà mục tiêu quan trọng là nghề của mình sẽ tìm được việc làm” - Phúc cho biết.

Nhiều cơ hội

Thực tế cho thấy, nhu cầu của thị trường lao động đối với lao động kỹ thuật, lao động qua đào tạo nghề hiện nay rất lớn. Với mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, những năm qua, tỉnh và trung ương đã ưu tiên cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ HS, sinh viên các trường nghề như miễn, giảm học phí; hỗ trợ hộ nghèo, người khuyết tật…

Ngay từ thời điểm diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh bằng các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh. Cơ hội vào các trường nghề không chỉ rộng mở đối với HS tốt nghiệp THPT mà ngay cả khi các em không vượt qua kỳ thi tốt nghiệp vẫn có thể vào học.

Năm học 2016-2017, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh xét tuyển 695 chỉ tiêu, trong đó, hệ cao đẳng 125 chỉ tiêu, yêu cầu HS có bằng tốt nghiệp THPT. Hệ trung cấp tuyển sinh 570 chỉ tiêu, yêu cầu HS có bằng tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp THCS. Đối với HS tốt nghiệp THCS đăng ký học hệ trung cấp nghề, sau khi ra trường sẽ có bằng tốt nghiệp trung cấp và THPT.

“HS sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng của trường, nếu có nhu cầu có thể liên thông lên cấp học cao hơn, được giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước… Hầu hết sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề năm 2016 đều đã có việc làm và thu nhập ổn định” - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh - kết nối doanh nghiệp - Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh Nguyễn Văn Đàn cho biết: Theo quy mô đào tạo, hàng năm trường được giao 400 chỉ tiêu hệ trung cấp nghề, trong đó, khối trung cấp nghề cho HS tốt nghiệp THPT từ 300-350 em, khối bổ túc văn hóa dành cho HS tốt nghiệp THCS 150 chỉ tiêu. Ngoài ra, trường tuyển sinh liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học cho các ngành nghề như: quản trị khách sạn; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; kế toán doanh nghiệp; giáo dục mầm non; kỹ thuật chế biến món ăn; công tác xã hội; thú y. Bên cạnh đó, trường còn đào tạo hệ sơ cấp nghề theo nhu cầu doanh nghiệp và nhu cầu người học mỗi năm khoảng 1.000 học viên.

Thời điểm này, các trường: Cao đẳng nghề Việt - Đức Hà Tĩnh, Trung cấp Nghề Lý Tự Trọng cũng đang công bố các chỉ tiêu tuyển sinh và ngành nghề đào tạo với số lượng tuyển khá đông, các ngành nghề phong phú và hình thức học khá linh hoạt.

Ông Lê Xuân Ý - Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB&XH cho biết: Năm học 2016-2017 này, các trường, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tuyển mới 14.500 chỉ tiêu; trong đó, cao đẳng 750 chỉ tiêu, trung cấp nghề 2.500 chỉ tiêu, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 11.250 chỉ tiêu.

Chủ đề Tuyển dụng

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.