Tỷ lệ giới tính khi sinh ở Hà Tĩnh 111,5 bé trai/100 bé gái

(Baohatinh.vn) - Với tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái, Hà Tĩnh đã hoàn thành chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh trong mục tiêu thực hiện bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Thị xã Hồng Lĩnh biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi (Ảnh tư liệu)

Mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe gồm 4 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu đặt ra cho ngành dân số là tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2020.

Tại Hà Tĩnh, với sự nỗ lực vượt bậc của ngành trong việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền song song với duy trì, triển khai nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp, đến nay, tỷ lệ giới tính khi sinh ở Hà Tĩnh đã đảm bảo mức 111,5 bé trai/100 bé gái.

Được biết, sau những hoạt động tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình..., ngành Dân số Hà Tĩnh đã thường xuyên duy trì hoạt động hàng trăm câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, câu lạc bộ sức khỏe tiền hôn nhân, câu lạc bộ không sinh con thứ 3… Qua đó, đã góp phần tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức về giới cũng như tăng tỷ lệ phụ nữ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Các chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ hầu như chưa có sự tham gia của nam giới ( Trong ảnh: Phụ nữ xã Sơn Châu (Hương Sơn) tham gia chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ)

Việc tăng tỷ lệ phụ nữ tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế cũng được hệ thống y tế cơ sở tăng cường qua hoạt động trợ giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, vận động phụ nữ có thai tiêm đầy đủ vắc xin uốn ván...

Đến nay, 100% trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã có dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản; 100% số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Phụ nữ được bảo đảm thực hiện tốt chức năng sinh con, nuôi dạy con và tham gia hoạt động xã hội.

Thực tế hiện nay, phần lớn các các biện pháp KHHGĐ như: đặt vòng, uống, tiêm, đặt thuốc tránh thai, triệt sản.. vẫn đang hướng đến đối tượng nữ giới. (Ảnh: cán bộ dân số tư vấn cho người dân thực hiện các biện pháp tránh thai trong chiến dịch chăm sóc sức khỏa sinh sản tại Đức Thọ).

Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng tỷ lệ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhưng thực tế, để tạo sự bình đẳng trong thực hiện các biện pháp KHHGĐ vẫn hết sức khó khăn. Ở Hà Tĩnh hiện nay, nhiều người dân, nhất là nam giới vẫn cho rằng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản là chuyện chỉ dành riêng cho phụ nữ.

Chị Hoàng Thị Thùy Dương, cán bộ Phòng Truyền thông Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cho biết: “Từ nhiều năm nay, các chương trình, đề án, chiến dịch chăm CSSKSS/KHHGĐ vẫn được triển khai thực hiện theo định kỳ tại các địa phương. Tuy nhiên, những hoạt động này mới chỉ thu hút chủ yếu phụ nữ tham gia. Chị em phụ nữ hiện đang là lực lượng chủ chốt trong việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình”.

Bên cạnh đó, việc tạo sự bình đẳng trong thực hiện các biện pháp KHHGĐ còn gặp phải khó khăn khi phần lớn các dịch vụ vẫn đang hướng về nữ giới thông qua các biện pháp như: đặt vòng, uống, tiêm, đặt thuốc tránh thai, triệt sản…. Cụ thể, trong năm 2020, toàn tỉnh có hơn 42.000 người thực hiện các gói dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và hầu hết trong số đó là phụ nữ.

Trước thực tế Hà Tĩnh vẫn là tỉnh có mức sinh thay thế cao, thì việc tạo bình đẳng trong thực hiện chăm sóc SKSS/KHHGĐ giữa nam và nữ được xem là giải pháp quan trọng giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, hướng tới ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.

Để thực hiện mục tiêu này, cùng với công tác truyền thông, huy động sự tham gia của nam giới vào các hoạt động CSSKSS/KHHGĐ, chúng tôi cũng đã kiến nghị, việc xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới cho giai đoạn tiếp theo, các ngành chức năng cần chú trọng đưa những chỉ tiêu liên quan đến cả nam giới. Cùng với đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản cần tiếp tục mở rộng theo hướng đa dạng, bình đẳng, linh hoạt và dễ tiếp cận cho phụ nữ và nam giới.

Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Tĩnh Bùi Quốc Hùng

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói