Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Tĩnh cao hơn năm trước

(Baohatinh.vn) - Theo danh sách công bố của Bộ Y tế ngày 2/8/2021, Hà Tĩnh là một trong 21 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước với tỷ lệ 115,54 bé trai/100 bé gái. Tỷ số này cao hơn năm 2020 và cả 2019.

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Tĩnh cao hơn năm trước

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thể hiện trong nhiều lớp học (trong ảnh: nhóm trẻ măng non phường Hà Huy Tập có 20 bé, trong số đó chỉ có 4 bé gái). Ảnh tư liệu

Tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) được xem là cân bằng khi ở mức 103-105 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh, tình trạng mất cân bằng GTKS đã diễn ra từ nhiều năm nay và đang có xu hướng ngày một gia tăng. Năm 2019, tỷ số GTKS ở Hà Tĩnh là 115,2 bé trai/100 bé gái; năm 2020 là 112,19 bé trai/100 bé gái, và đến thời điểm hiện tại là 115,54 bé trai/100 bé gái (tăng 1,15 điểm % so với cùng kỳ).

Trong đó, nhiều địa phương đang ở mức đáng báo động như: Thị xã Hồng Lĩnh có tỷ lệ 150 bé trai/100 bé gái; thành phố Hà Tĩnh có tỷ lệ 127,27 bé trai/100 bé gái; Nghi Xuân có tỷ lệ 127,72 bé trai/100 bé gái; Đức Thọ có tỷ lệ 123,95 bé trai/100 bé gái… Mục tiêu của ngành dân số Hà Tĩnh trong việc giảm tỷ số GTKS đạt dưới mức 112,35 bé trai/100 bé gái vào cuối năm 2021 trở nên khó thực hiện.

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Tĩnh cao hơn năm trước

Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách về công tác DS/KHHGĐ được cộng tác viên dân số xã Xuân Yên (Nghi Xuân) thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Anh Lê Nguyên Hiếu - Trưởng phòng DS/KHHGĐ Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng GTKS là do người dân chưa thực sự quan tâm đến hệ lụy của vấn đề này. Nhiều gia đình vẫn còn nặng tư tưởng đông con hơn nhiều của, trọng nam khinh nữ, sinh con trai để nối dõi tông đường, để có thêm nguồn nhân lực lao động…”.

Cũng từ quan niệm cũ của các gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã thực hiện can thiệp để lựa chọn giới tính khi sinh. Chị N.T.A ở thị trấn Nghi Xuân chia sẻ: “Chồng là tộc trưởng của dòng họ nên dù đã có 2 con gái, tôi cũng cố gắng sinh thêm với hy vọng có con trai để nối dõi tông đường. Sau nhiều chuyến thăm khám ở các bệnh viện lớn và nhờ can thiệp của y học, tôi đã có bầu và đang chờ đón đứa con thứ 3”.

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Tĩnh cao hơn năm trước

Cán bộ, cộng tác viên dân số phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) tuyên truyền cho người dân về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tại thị xã Hồng Lĩnh, từ đầu năm đến nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đặc biệt cao. “Từ đầu năm đến nay, ngành dân số hầu như chưa có kinh phí hoạt động, bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến việc triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác dân số bị ngừng trệ. Thêm vào đó, từ trước tới nay, việc kiểm soát tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi còn gặp nhiều khó khăn”, chị Hà Thị Yến - Trưởng phòng DS/KHHGĐ thị xã Hồng Lĩnh cho biết.

Mong muốn sinh thêm để có con trai của người dân là vấn đề cốt lõi dẫn đến mất cân bằng GTKS. Thực trạng này đang là thách thức lớn, đe dọa đến cấu trúc dân số trong tương lai cũng như đời sống hạnh phúc của mỗi gia đình.

Trước thực tế trên, thời gian qua, ngành dân số đã tăng cường nhiều biện pháp để giảm tình trạng mất cân bằng GTKS như: đẩy mạnh tuyên truyền bằng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương, các khối đoàn thể; đặc biệt là triển khai đề án kiểm soát mất cân bằng GTKS đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng GTKS vẫn tăng.

Mất cân bằng GTKS sẽ khiến nam giới trẻ tuổi dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần nên phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lại không xa.

Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS, thời gian tới, ngành dân số tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời tiếp tục duy trì, nhân rộng có hiệu quả các câu lạc bộ về giới, bình đẳng giới, không sinh con thứ 3 trở lên; lập góc sinh hoạt, tổ chức các điểm truyền thông vận động tại cộng đồng. Hiện tại, chúng tôi đang tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ Bùi Quốc Hùng

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm