"Đây là dạng ngập úng cục bộ do mưa to thời đoạn ngắn nhưng hệ thống thoát nước chưa đảm bảo tiêu thoát kịp nên gây ngập, mưa giảm nước sẽ thoát nhanh nên việc đi lại ở những vùng ngập úng này cần chú ý an toàn, nếu chưa thật sự cần thiết nên chờ nước rút mới nên đi lại. Ngày hôm nay, nhiều nơi tiếp tục có mưa lớn nhưng vùng mưa có xu thế dịch dần về phía Nam; khu vực Cẩm Xuyên, Kỳ Anh trưa, chiều nay sẽ tăng mưa; khu vực các huyện phía Bắc của tỉnh như: Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ... mưa giảm nhiều", ông Trần Đức Bá thông tin thêm.
Mưa lớn từ hôm qua đến sáng nay (13/11) đã gây ngập cục bộ QL1 qua thị trấn Nghèn (Can Lộc).
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, đêm qua và sáng sớm nay (13/11), khu vực Hà Tĩnh mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 12/11 đến 7 giờ ngày 13/11 các khu vực như: Hòa Duyệt, Cẩm Nhượng, huyện Kỳ Anh, thị trấn Hương Khê 15 - 33mm; các khu vực khác phổ biến 55 -100mm có cao cao hơn như Linh Cảm 120mm; Thạch Đồng 123mm. Tại các điểm đo mưa tự động khu vực Hương Sơn, Can Lộc, Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Lộc Hà, lượng mưa đạt từ 100 - 200mm.
Thực hiện Văn bản số 417/PCTT ngày 11/11/2023 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai; để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động úng phó, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng ứng phó với lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra.
Đối với khu vực ven biển, theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán nguời dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông nếu không bảo đảm an toàn; chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt quan tâm an toàn các công trình đang thi công, công trình xung yếu hoặc đã xảy ra sự cố do các đợt mưa lũ vừa qua, hồ chứa nhỏ và các hồ chứa đang có mức trữ cao; lưu ý việc vận hành xả lũ (nếu có) phải bảo đảm, đồng thời yêu cầu an toàn công trình đầu mối, vùng hạ du và giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh.
Theo dõi chặt chẽ mực nước và lưu lượng nước đến hồ chứa nước để có phương án vận hành phù hợp. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật, dự báo, cảnh báo thông tin diễn biến của thiên tai và phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh kịp thời đưa tin để các cấp, các ngành và Nhân dân biết để chủ động phòng tránh có hiệu quả.
Các đơn vị, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh (qua Văn phòng Thường trực) để theo dõi, chỉ đạo.