Ưu tiên giải quyết việc làm với người bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19

(Baohatinh.vn) - Năm 2021, Hà Tĩnh đã đón 2.791 công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê an toàn, đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chiều 12/1, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị Trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung và các Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh có Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc.

Ưu tiên giải quyết việc làm với người bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ LĐ-TTB&XH.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Ưu tiên giải quyết việc làm với người bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khai mạc hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ LĐ-TTB&XH.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP trên toàn quốc là trên 35,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng.

Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến nay, đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với số tiền hỗ trợ trên 30,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ còn cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.

Ưu tiên giải quyết việc làm với người bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn năm 2020 đã khiến hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ; cả nước đưa trên 45 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 50% kế hoạch; tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 1.896 nghìn người, đạt khoảng 80% kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%.

Ưu tiên giải quyết việc làm với người bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu địa phương. Ảnh: chụp màn hình trực tuyến

Ngành LĐ-TB&XH tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng được cải thiện, nâng cao hơn.

Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,52% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%.

Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; 86% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.

Ưu tiên giải quyết việc làm với người bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ LĐ-TTB&XH

Năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH tập trung nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ cho phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các chính sách giảm nghèo; tập trung hỗ trợ các nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều đổi mới trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; có nhiều chuyển biến trong chuyển đổi số và cải cách hành chính.

Ưu tiên giải quyết việc làm với người bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP News

Phó Thủ tướng đề nghị ngành LĐ-TB&XH cần có giải pháp để phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm đảm bảo an sinh xã hội; phối hợp với chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để triển khai hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững;

Đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển toàn diện trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là triển khai việc ứng phó, giảm thiểu tác động đại dịch COVID-19 đến trẻ em; tiếp tục quan tâm chăm lo đến gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, Bộ LĐ-TB&XH cần phối hợp với các bộ, ban, ngành chăm lo cho người dân, đặc biệt là gia đình chính sách, người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội đón Tết đầm ấm, sum vầy.

Dịp này, Bộ LĐ-TB&XH đã tặng cờ thi đua xuất sắc cho 31 đơn vị và bằng khen cho 55 đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

Năm 2021, Hà Tĩnh triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội của Chính phủ, đồng thời ban hành chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương nhằm góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong năm, Hà Tĩnh đã đón 2.791 công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê an toàn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; giải quyết các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho 53.680 lượt đối tượng với tổng kinh phí 27,666 tỷ đồng, theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 95.702 lượt đối tượng, kinh phí hỗ trợ 154,558 tỷ đồng.

Năm 2021, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề được 18.877 người, đạt 102% kế hoạch năm 2021, bằng 99% so với năm 2020; giải quyết việc làm 22.568 người, đạt 102,9% so với kế hoạch, tăng 107,1% so với cùng kỳ năm 2020. Rà soát nhu cầu học nghề, việc làm cho 23.623 lao động hồi hương bị mất việc làm do đại dịch COVID-19.

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã tặng 227.304 suất quà cho người có công với tổng kinh phí trên 52 tỷ đồng; tổ chức tặng 185.108 suất quà cho hộ nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội công lập, tổng kinh phí hơn 67,15 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Hà Tĩnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,51% năm 2020 xuống còn 3,03% (giảm 0,48%); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 4,31% năm 2020 xuống còn 4,07% năm 2021 (giảm 0,24%).

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.