“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”

(Baohatinh.vn) - Nghĩ về đất nước Việt Nam yêu quý, hẳn là không ai không tự hào về truyền thống hào hùng, bất khuất chống ngoại xâm cùng với truyền thống “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” của đất nước. Trong nền văn hiến ấy có văn chương với những tên tuổi thăng hoa tới độ diệu kỳ, đặc biệt như Nguyễn Du đã trở thành đại thi hào.

“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”

Truyện Kiều với những giá trị phong phú còn toả bóng đến mai sau. Ảnh Internet

Theo quan niệm rất nghiêm ngặt của Đại văn hào Đức là Gớt (Gaeth), không phải nước nào cũng có thiên tài, chỉ một số nước nào đó mới có. Mà nước có thiên tài thì không phải ai cũng có thể thành thiên tài, chỉ một vài người đặc biệt nào đó mới thành thiên tài. Mà với người đặc biệt đó thì không phải lúc nào cũng thành thiên tài, phải ở một tình huống đặc biệt nào đó mới thành thiên tài.

Dựa theo quan niệm đó của Gớt, tôi cho rằng, Việt Nam ta, ở văn chương trung đại là có thiên tài. Không ai khác là Nguyễn Du, mà văn nghiệp gồm thơ chữ Hán, Văn tế thập loại chúng sinh..., đặc biệt là Truyện Kiều đã kết tinh ở độ tinh hoa. Với lịch sử văn chương Việt Nam xưa nay là vô tiền khoáng hậu; với văn chương nhân loại cổ kim Đông Tây cũng là hiếm.

Truyện Kiều đã kết tinh từ một tình thương yêu con người mênh mông, thăm thẳm. Nói như Mộng Liên Đường chủ nhân là bởi “có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới muôn đời”. Gắn với đó là một thiên tài về nghệ thuật văn chương, đặc biệt là về ngôn ngữ - yếu tố đầu tiên của văn chương.

Cuối cùng là một sức sống phi thường ít thấy, ngay với các kiệt tác thiên tài của thế giới, dù trên thế giới, thanh danh của Truyện Kiều còn phải đứng sau tên tuổi của kiệt tác này nọ do vị trí của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế không phải là số 1.

Tôi nói điều này là sau khi đã nhờ một số chuyên gia văn học nước ngoài kiểm chứng. Cứ nhìn vào thành tựu của khoa học nghiên cứu về Truyện Kiều học từ 200 năm nay, đặc biệt là vào đầu thế kỷ XXI này, một khi có sự trỗi dậy về ý thức tự hào của quê hương Hà Tĩnh về Nguyễn Du cùng với sự ra đời của Hội Kiều học Việt Nam thì rõ.

“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”

Theo quan điểm của Gớt thì Nguyễn Du là một thiên tài xuất hiện trong nền văn chương trung đại Việt Nam.

Quả thật, chưa thấy đâu trên thế giới có một hiện tượng văn hóa về một kiệt tác văn chương nào như hiện tượng văn hóa Kiều ở Việt Nam ta. Nào là lẩy Kiều, tập Kiều, đố Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, khoa học Kiều, chèo Kiều, tuồng Kiều, cải lương Kiều, kịch nói Kiều, múa rối Kiều, âm nhạc Kiều, hội họa Kiều, quảng cáo Kiều, ngoại giao Kiều. Gần đây nhất là balê Kiều…

Bề thế, phong phú, đa dạng về thể loại như thế mọi người đã biết. Truyện Kiều đã sống với đất nước, bất chấp thời gian, thời đại, giai tầng, với tầng lớp học vấn cao siêu đã đành mà với cả những người không biết chữ, đặc biệt là với người dân cùng khổ trong xã hội xưa. Truyện Kiều còn vượt biên giới quốc gia ra toàn cầu với khoảng bốn chục bản dịch của tiếng nước ngoài. Với tiếng Pháp thì đã có đến 12 bản dịch khác nhau.

Trung tâm kỷ lục quốc gia đã nêu lên 5 kỷ lục của Truyện Kiều. Riêng tôi lại còn nêu thêm một kỷ lục nữa là: Ở Việt Nam trong vòng hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, không một tác phẩm nào ngốn giấy mực nhiều như Truyện Kiều. Nguyễn Du đang là trường hợp duy nhất 2 lần được thế giới tổ chức kỷ niệm Danh nhân Văn hóa thế giới.

Lần đầu tiên là Hội đồng hòa bình thế giới (1965) tôn vinh nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh. Lần thứ hai là UNESCO thuộc Liên hiệp quốc (2015). Đúng là văn nghiệp của Nguyễn Du, trong đó nổi lên là Truyện Kiều - kiệt tác thiên tài, đã góp phần lớn lao khẳng định chất lượng giá trị sống Việt Nam, tinh hoa sống Việt Nam, làm vẻ vang đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”

Một trong những bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp. Ảnh internet

Câu thơ của nhà thơ trứ danh Chế Lan Viên: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” mà tôi xin được dùng làm nhan đề cho bài viết này đã nói lên điều đó.

Năm 1924, khi đất nước còn nô lệ, lầm than, trong dịp Hội Khai Trí Tiến Đức, lần đầu tiên kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Du, ông Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong tạp chí cũng từng viết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn. Truyện Kiều là quốc hoa quốc túy quốc hồn của ta đó”.

Theo lý thuyết diễn ngôn hiện nay, với tinh thần tôn trọng tính khách quan của ngữ nghĩa ngôn từ thì nói như thế là đúng với quy luật khách quan của sự sống, là đúng với vai trò của ngôn ngữ trong sự tồn vong của mỗi đất nước. Bởi lẽ, mất nước là mất lãnh thổ, mất chủ quyền nhưng với tinh thần anh dũng của Nhân dân ta rồi sẽ giành lại được.

Còn mất nước mà mất đến cả văn hóa và phong tục tập quán, đặc biệt là mất tiếng nói thì là mất vĩnh viễn. Lịch sử đất nước đâu chỉ là lịch sử chống xâm lăng mà trước hết là lịch sử xây dựng, phát triển toàn diện của cuộc sống sao cho hùng cường, tạo nên quốc hoa quốc túy quốc hồn đậm đà, tráng lệ, thâm thúy, thiêng liêng, ngự trị trong tâm tưởng, tâm thức của mọi người dân muôn đời. Trong đó, không thể thiếu vai trò của văn chương đã được kết tinh thăng hoa lồng lộng.

Phải chăng ở ta đang có tình trạng khi nói đến lòng yêu nước thì thường nghĩ đến võ công hơn là văn nghiệp, nghĩ đến những phong trào cứu nước, những anh hùng cứu nước mà ít hoặc quên nói đến những người đã làm đẹp thêm, vẻ vang thêm đất nước như “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Từ cách nghĩ này, tôi muốn nói Nguyễn Du là một thiên tài văn chương mà cũng là một nhà ái quốc vĩ đại.

Năm nay, 2020 là đúng 200 năm Nguyễn Du đã ôm một nỗi sầu cô đơn cực độ để về cõi vĩnh hằng: “Bất tri tam bách dư niên hậu /Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Tố Như tiên sinh không ngờ sau khi mình qua đời với nỗi cô đơn nặng nề đến thế mà trong 200 năm nay, mình lại sống dậy với đất nước kể cả với nhân loại ngày càng tráng lệ, lẫy lừng đến mức phi thường như thế.

Bài viết nhỏ bé này của tôi xin được coi như một nén hương thơm thành kính dâng lên hương hồn Tố Như tiên sinh nhân 200 năm qua đời.

Chủ đề 255 NĂM NGÀY SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast