Vì sao 5 sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh phải rời “sân chơi” OCOP?

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa thu hồi giấy chứng nhận 5 sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó 4 sản phẩm bị “thẻ đỏ”, một sản phẩm khác tự xin ra khỏi sân chơi. Không vui tí nào khi phải nói lại điều này nhưng đó không chỉ là bài học kinh nghiệm với riêng chủ hộ, cơ sở sản xuất...

Lúc còn thịnh vượng, mỗi năm, HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương (thôn Tân Quý, xã Hộ Độ, Lộc Hà) thu mua đến 40 tấn cá các loại để chế biến ra hơn 45.000 – 55.000 lít nước mắm Ánh Hồng, mang về nguồn thu khoảng 3 - 4 tỷ đồng. Chiếm lĩnh thị trường tốt, năm 2018, nước mắm Ánh Hồng từng hướng đến giấc mơ “xuất ngoại”.

Vì sao 5 sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh phải rời “sân chơi” OCOP?

Cơ sở chế biến nước mắm Ánh Hồng (xã Hộ Độ) hiện đã ngừng sản xuất, khu vực chế biến luôn cửa đóng then cài; hàng trăm thùng chứa nước mắm nằm ngổn ngang khắp khuôn viên.

Thế nhưng, sau gần 2 năm tham gia “sân chơi” OCOP (từ 2019), sản phẩm này vừa bị phạt “thẻ đỏ”. Phó Chánh Văn phòng xây dựng NTM huyện Lộc Hà Phan Bá Ninh cho biết: “Nước mắm Ánh Hồng bị thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP vì cơ sở đã dừng hoạt động, chủ thể hầu như không có mặt tại địa phương. Họ gần như không sử dụng tem nhãn OCOP để có thể đánh giá chính xác tình hình sản xuất, quy trình chế biến, mức doanh thu... Đặc biệt, ở đây đã từng xảy ra tình trạng không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bị các cơ quan chức năng xử phạt nhưng không chấp hành, không khắc phục”.

Vì sao 5 sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh phải rời “sân chơi” OCOP?

Nước mắm Ánh Hồng từng hướng đến giấc mơ “xuất ngoại”. (Ảnh tư liệu).

Cũng ở Lộc Hà, sản phẩm ruốc kem Lương Tuyết của cơ sở sản xuất ông Trần Ngọc Lương và bà Đặng Thị Ánh Tuyết (Cụm CN Thạch Kim, xã Thạch Kim) cũng vừa rời sân chơi OCOP. Đối với sản phẩm này, chủ thể sản xuất xin không tiếp tục tham gia chương trình OCOP vì cho rằng, chưa thích ứng được quy trình quản lý, điều hành của chương trình và thấy nó không phù hợp với cách thức vận hành sản xuất, kinh doanh hiện tại của mình.

Cũng chính vì không mặn mà, chưa tâm huyết với chương trình nên cơ sở này đã để xảy ra tình trạng sản phẩm không đúng chất lượng, mẫu mã đã được chứng nhận OCOP; cơ sở không có hồ sơ quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và các hồ sơ khác liên quan về sản phẩm...

Vì sao 5 sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh phải rời “sân chơi” OCOP?

Công nhân cơ sở sản xuất Lương Tuyết (xã Thạch Kim) đang phơi ruốc sau sơ chế.

Bà Đặng Thị Ánh Tuyết (chủ cơ sở Lương Tuyết) chia sẻ: “Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và lo việc làm cho 50 nhân công, chúng tôi phải chế biến và tiêu thụ từ 500 - 700 tấn nguyên liệu mỗi năm. Chúng tôi thu mua, chế biến ruốc thô xong đã có thể bán ngay vào các tỉnh miền Nam với số lượng lớn, thu lợi khá. Trong khi, bán sản phẩm dạng OCOP (mỗi lọ 0,5 kg) số lượng rất hạn chế, nhỏ lẻ, lại phát sinh thêm chi phí nên lợi nhuận không nhiều. Do vậy, chúng tôi xin tạm dừng tham gia chương trình”.

Vì sao 5 sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh phải rời “sân chơi” OCOP?

Sản phẩm ruốc kem Lương Tuyết vừa bị thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCCOP 3 sao.

Phó Chánh Văn phòng xây dựng NTM huyện Lộc Hà Phan Bá Ninh chia sẻ: “Thật tiếc khi 2 sản phẩm OCOP bị thu hồi của Lộc Hà đều là những sản phẩm tiêu biểu, được công nhận đầu tiên trên địa bàn (năm 2019). Song, đây là việc cần làm nghiêm để chấn chỉnh các cơ sở tuân thủ chưa tốt, thiếu nhiệt huyết khi tham gia chương trình OCOP. Qua sự việc này giúp chúng tôi nhìn nhận, rút kinh nghiệm trong quá trình vận động phát triển sản phẩm và thực hiện chương trình OCOP thời gian tới”.

Vì sao 5 sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh phải rời “sân chơi” OCOP?

Trong số 5 sản phẩm vừa bị thu hồi giấy chứng nhận có sản phẩm gạo Cẩm Thành. (Ảnh NTM Hà Tĩnh).

Sản phẩm thứ 3 vừa bị thu hồi giấy chứng nhận là gạo Cẩm Thành của Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại Cẩm Thành (Cẩm Thành, Cẩm Xuyên). Giám đốc HTX Nguyễn Thị Nhâm chia sẻ: “Làm gạo OCOP khó hơn tôi hình dung ban đầu bởi không thể chủ động được vùng nguyên liệu, không chi phối được các thành viên tham gia liên kết làm các loại giống đã đăng ký cho sản phẩm. Mặt khác, mấy năm vừa rồi vùng nguyên liệu của chúng tôi liên tiếp mất mùa, sản phẩm không đủ doanh số bán hàng, phải nhập nguyên liệu không đúng chủng loại, không đảm bảo an toàn, chưa đạt chất lượng, chưa tuân thủ quy trình sản xuất…”.

Vì sao 5 sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh phải rời “sân chơi” OCOP?

Dù không sản xuất gạo OCOP nhưng Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại Cẩm Thành vẫn đang kinh doanh, xay xát lúa gạo để bán ra thị trường.

Với sản phẩm cam Nhật Quang Thượng Lộc của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nhật Quang (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc), việc bị thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP dễ hình dung hơn khi chủ cơ sở đã chuyển nhượng hạ tầng sản xuất (trang trại) cho người khác và thương hiệu sản phẩm cam Nhật Quang Thượng Lộc đã không còn xuất hiện trên thị trường.

Vì sao 5 sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh phải rời “sân chơi” OCOP?

Sản phẩm cam Nhật Quang Thượng Lộc đã không còn xuất hiện trên thị trường.

Thế nhưng, với xúc xích Hoàng Phát, câu chuyện lại khác biệt. Là đơn vị duy nhất còn mong muốn và đủ khả năng cấp lại giấy chứng nhận, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát (Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh) đang nỗ lực tìm cách khôi phục sản xuất, gây dựng lại thương hiệu xúc xích Hoàng Phát. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở đang gặp khó về vị trí đặt nhà xưởng, điện sản xuất, rất cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và ngành điện lực.

Vì sao 5 sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh phải rời “sân chơi” OCOP?

Điện sản xuất không đảm bảo nên máy móc, dây chuyền sản xuất xúc xích Hoàng Phát đã bị đắp chiếu chỉ sau mấy tháng vận hành.

Ông Phan Công Vũ - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát thông tin: “Ban đầu, mọi việc đều thuận lợi và sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP năm 2020. Chúng tôi đã đầu tư thêm khoảng 1,7 tỷ đồng mua máy móc, xây nhà xưởng, chuẩn bị nguồn nguyên liệu thực hiện theo quy trình khép kín. Tuy nhiên, khi sản xuất theo hướng hàng hóa thì điện không đủ công suất, máy móc hư thường xuyên, sản phẩm làm bị hỏng liên tục nên không dám nhận đơn hàng. Vì vậy, chỉ được mấy tháng sau đã phải tạm ngừng sản xuất”.

Ông Nguyễn Hồng Thắng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây cho biết: “Trên địa bàn xã mới chỉ có sản phẩm xúc xích Hoàng Phát đạt chuẩn OCOP nên việc rút giấy chứng nhận là rất đáng tiếc và sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển chương trình OCOP của xã. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên, ngành điện lực về những khó khăn trong sản xuất của cơ sở này. Chính quyền sẽ tiếp tục đồng hành, giúp đỡ để xúc xích Hoàng Phát sản xuất trở lại”.

Vì sao 5 sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh phải rời “sân chơi” OCOP?

Xúc xích Hoàng Phát là sản phẩm duy nhất vừa bị gạch tên còn mong muốn và có thể trở lại sân chơi OCOP.

Ông Lê Xuân Tùng - Trưởng phòng OCOP (thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh) cho rằng: Việc thu hồi giấy chứng nhận là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình, nhiều cơ sở đã không thích nghi được, vận hành sản xuất không hiệu quả, thậm chí là vi phạm về quy chế, quy định. Thời gian tới, công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm phải được tăng cường hơn và kiên quyết xử lý các sản phẩm vi phạm.

“Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao chất lượng sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn để hướng tới xuất khẩu các sản phẩm OCOP. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở đã đạt chuẩn mở rộng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiếp cận thị trường xa hơn; chú trọng chuyển đổi số để minh bạch các vấn đề về sản xuất; quan tâm xây dựng các thương hiệu quy mô lớn...” - ông Lê Xuân Tùng chia sẻ thêm.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.