Vì sao Hà Tĩnh chưa phát sinh dư nợ theo gói hỗ trợ lãi suất 2%?

(Baohatinh.vn) - Sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay Hà Tĩnh vẫn chưa phát sinh dư nợ. Quy định cho vay ràng buộc nhiều điều kiện được cho là nguyên nhân “cản bước” khách hàng tiếp cận chính sách.

Vì sao Hà Tĩnh chưa phát sinh dư nợ theo gói hỗ trợ lãi suất 2%?

Hà Tĩnh hiện chưa phát sinh dư nợ theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh (tổng gói hỗ trợ khoảng 40.000 tỷ đồng), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư số 30/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Theo đó, thời gian qua, NHNN tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại cấp I trên địa bàn đẩy mạnh truyền thông chính sách đến khách hàng để nắm và sớm tiếp cận. Đồng thời, rà soát các khoản vay được giải ngân trong năm 2022 mà khách hàng có đơn đề nghị được hỗ trợ lãi suất.

Dù được kỳ vọng là “phao cứu sinh” của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19, song đến nay Hà Tĩnh vẫn chưa phát sinh dư nợ đối với gói hỗ trợ này.

Vì sao Hà Tĩnh chưa phát sinh dư nợ theo gói hỗ trợ lãi suất 2%?

Nhiều khách hàng của Vietcombank Hà Tĩnh mong muốn vay gói hỗ trợ lãi suất 2% song chưa đủ điều kiện.

Vietcombank Hà Tĩnh hiện đã xác định được các đối tượng thuộc diện được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% song do quy định cho vay ràng buộc nhiều điều kiện nên nhiều khách hàng chưa đủ điều kiện thụ hưởng chính sách.

Bà Trần Thị Hồng Thắm - Trưởng phòng Tín dụng bán lẻ, Vietcombank Hà Tĩnh trao đổi: “Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ 1/1/2022 - 31/12/2023. Thực tế, nhiều khách hàng đã vay gói trung hạn giai đoạn 2020 - 2021 nên nay chỉ được tiếp cận gói vay lưu động. Tuy nhiên, với gói vay lưu động thì số tiền ít, thời gian ngắn, lãi suất được hưởng không đáng kể nên khách hàng thuộc đối tượng được vay chưa mặn mà. Trong khi đó, không ít khách hàng hoạt động trong một số ngành nghề như: kinh doanh lúa gạo, xăng dầu… cần vốn song lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%.

Ngoài ra, những doanh nghiệp thuộc loại hình du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, khách sạn mới thành lập trong năm nay lại không thuộc diện bị ảnh hưởng dịch COVID-19 giai đoạn 2020 - 2021 nên cũng không thuộc diện được vay vốn trong chính sách này… Xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên đã 3 tháng triển khai vẫn chưa có khách hàng nào được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% tại Vietcombank Hà Tĩnh”.

Vì sao Hà Tĩnh chưa phát sinh dư nợ theo gói hỗ trợ lãi suất 2%?

Với gói vay lưu động thì số tiền ít, thời gian vay nhanh, lãi suất được hưởng không đáng kể nếu được hỗ trợ nên Công ty TNHH Giáo dục Tân Đại Phát Hà Tĩnh không mặn mà.

Ông Lê Xuân Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Tân Đại Phát Hà Tĩnh cho biết: “Giai đoạn 2020 - 2021, trường mầm non tư thục của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID -19. Nhiều lần phải tạm ngừng hoạt động, không có nguồn thu song đơn vị vẫn phải bỏ ra chi phí để giữ chân người lao động, bảo dưỡng cơ sở vật chất… Năm 2020, chúng tôi đã tiếp cận gói vay trung hạn 20 tỷ đồng từ Vietcombank Hà Tĩnh để xây dựng cơ sở vật chất nên nay chỉ được vay vốn lưu động. So với mong muốn của doanh nghiệp thì lãi suất được hưởng không đáng kể, do vậy, chúng tôi không có ý định vay”.

Thực hiện gói vay hỗ trợ lãi suất 2%, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II được phân bổ 26 tỷ đồng. Ngay sau khi có chủ trương triển khai, Chi nhánh đã đẩy mạnh truyền thông để khách hàng biết và tiếp cận chính sách song đến nay vẫn chưa có giao dịch nào thành công.

Vì sao Hà Tĩnh chưa phát sinh dư nợ theo gói hỗ trợ lãi suất 2%?

Với gói vay hỗ trợ lãi suất 2%, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II được phân bổ 26 tỷ đồng.

Ông Võ Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho biết: “Thời gian qua, Agribank đã triển khai gói vay ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với lãi suất thấp (4,5%/năm trong 6 tháng đầu) nên chưa nhiều khách hàng tìm hiểu gói vay hỗ trợ lãi suất 2%. Ngoài ra, chính sách tín dụng này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các đối tượng được vay, trong khi điều kiện vay vốn khá cao (phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh, mục đích sử dụng vốn, quy trình luân chuyển tiền…) gắn với việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sau cho vay nên nhiều khách hàng “ngại” tiếp cận. Thêm vào đó, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ…”.

Ngoài những nguyên nhân như đối tượng cho vay chưa rộng mở, điều kiện cho vay “khắt khe”, khách hàng “ngại” làm thủ tục, hồ sơ thì việc một số ngân hàng hết hạn mức tín dụng cũng phần nào ảnh hưởng đến các khoản giải ngân mới.

Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc VPBank Hà Tĩnh cho hay: “Hiện nay, đơn vị đã hết hạn mức tín dụng nên chưa thể triển khai nhanh gói vay hỗ trợ lãi suất 2%”.

Vì sao Hà Tĩnh chưa phát sinh dư nợ theo gói hỗ trợ lãi suất 2%?

VPBank Hà Tĩnh hiện đã hết hạn mức tín dụng nên chưa thể triển khai nhanh gói vay hỗ trợ lãi suất 2%.

Trước những khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn mong muốn các cơ quan chức năng cần xem xét, rà soát lại để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Cần nới rộng đối tượng và điều kiện tiếp cận vốn, không nên quá nhiều ràng buộc. Có như vậy, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mới có thể hấp thụ được chính sách, góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế.

Ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.

Nghị định này quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thuộc một trong các đối tượng sau:

(1) có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành: hàng không; vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin, trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên.

(2) có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.

Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast