Vì sao nghề đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở Hương Sơn dần mai một?

(Baohatinh.vn) - Thiếu lao động có tay nghề, sản phẩm không có sức cạnh tranh, thu nhập thấp… đang là những vấn đề khiến các làng nghề truyền thống đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đứng trước nguy cơ mai một.

Vì sao nghề đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở Hương Sơn dần mai một?

Ông Hà Huy Toàn (thôn Hưng Thịnh, xã An Hòa Thịnh) có hơn 60 năm làm nghề đan thủ công. (Trong ảnh: Ông Toàn kiểm tra lại số nứa mới mua về từ sau tết để chuẩn bị làm nia).

Từ xưa, làng đan Thịnh Xá (nay là xã An Hòa Thịnh) đã nổi tiếng với nghề đan lát các dụng cụ thông thường như: nong, nia, thúng, mủng, rổ rá… bằng tre, nứa. Thời thịnh vượng, người người, nhà nhà trong làng đều tham gia đan lát.

Sản phẩm đan lát của làng Thịnh Xá đẹp, chắc, bền được khách hàng ưa thích, thương lái của huyện Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh) và cả Nghệ An đều đến tìm mua. Đây là nghề chính của hầu hết các hộ dân trong làng, nhờ nghề này mà nhiều người có của ăn của để. Người dân từng truyền nhau câu nói: “Lắm lúa Trị Yên, lắm tiền Thịnh Xá” để nói về sự phồn thịnh của làng nghề này.

Vì sao nghề đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở Hương Sơn dần mai một?

Một số sản phẩm nia đang chuẩn bị được hoàn thiện của ông Toàn.

Nhớ lại thời kỳ hưng thịnh của làng nghề, ông Hà Huy Toàn (SN 1954, thôn Hưng Thịnh, xã An Hòa Thịnh) cho biết: “Từ lúc lên 7 tuổi, tôi đã biết đan lát và làm nghề cho đến tận bây giờ. Trước đây, sản phẩm của làng nổi tiếng gần xa, được nhiều người biết đến. Cả gia đình tôi ai cũng biết đan, sản phẩm chính là nong và nia, thương lái đến tìm mua tận nhà”.

Đi qua thời kỳ “vàng son”, hiện nay, người theo nghề đan lát đã giảm đi rất nhiều, còn khoảng gần 150 hộ dân theo nghề, chủ yếu ở các thôn Đại Thịnh, An Thịnh, Hưng Thịnh… Nhưng quy mô của các hộ dân đều manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là những người lớn tuổi làm nghề.

Vì sao nghề đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở Hương Sơn dần mai một?

Phần lớn người biết nghề đan của làng Thịnh Xá đều đã lớn tuổi. (Trong ảnh: Ông Trần Đình Hoàn ở thôn Hưng Thịnh, xã An Hòa Thịnh đang hoàn thiện sản phẩm nia của gia đình).

Cũng làm nghề đan nong nia hơn 50 năm nay, ông Trần Đình Hoàn (SN 1960, thôn Hưng Thịnh, xã An Hòa Thịnh) cho biết: “Trước kia, ông, cha tôi đều theo nghề đan này, đến đời tôi, nghề đan vẫn là nghề chính. Nếu mỗi ngày vợ chồng tôi cần mẫn từ sáng đến tối thì một người sẽ hoàn thành được 1 cái nia, sau khi trừ hết chi phí như tiền mua tre, nứa, dây buộc…, lãi khoảng 50.000 đồng/cái".

“Việc con cháu tôi không theo nghề là điều dễ hiểu, bởi nghề này thu nhập không cao, lại đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn nên thế hệ sau chẳng còn mặn mà. Giờ đây, để tìm một thanh niên biết đan lát trong làng là điều rất khó, muốn duy trì làng nghề là điều không dễ dàng” - ông Hoàn trăn trở.

Vì sao nghề đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở Hương Sơn dần mai một?

Việc con cháu không theo nghề đan lát là điều khiến ông Hoàn luôn trăn trở.

Được người cha quá cố truyền nghề, anh Hồ Văn Thắng (SN 1983, thôn Hưng Thịnh, xã An Hòa Thịnh) là số ít người thuộc thế hệ 8X còn đang theo nghề.

Anh Thắng chia sẻ: “Từ lúc cha mất, tôi mới theo nghề đan này, đến nay là năm thứ 8. Nhưng đây cũng chỉ là nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn bởi các sản phẩm như nong, nia hiện nay đã không còn được nhiều người sử dụng như trước, mà thay vào đó là các sản phẩm công nghiệp có mẫu mã đa dạng, tiện lợi hơn”.

Vì sao nghề đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở Hương Sơn dần mai một?

Anh Hồ Văn Thắng ở thôn Hưng Thịnh (xã An Hòa Thịnh) là số ít người thuộc thế hệ 8X còn đang theo nghề. (Trong ảnh: Anh Thắng đang kiểm tra lại các sản phẩm để chuẩn bị xuất bán).

Chủ tịch UBND xã An Hòa Thịnh Nguyễn Hữu Đông cho hay: Làng đan Thịnh Xá đang đứng trước thực trạng thiếu lớp lao động kế cận khi người trẻ không mặn mà với nghề truyền thống. Thêm vào đó, các sản phẩm chưa đa dạng mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh, việc làm ăn riêng lẻ, “mạnh ai nấy làm”… là những nguyên nhân khiến làng nghề Thịnh Xá chỉ có thể duy trì chứ không thể phát triển.

Vì sao nghề đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở Hương Sơn dần mai một?

Ngôi nhà gỗ của ông Nguyễn Sơn ở thôn Tân Tiến (xã Tân Mỹ Hà) do chính ông tự thực hiện mọi công đoạn.

Cũng là làng nghề có một thời “vàng son”, làng mộc Xa Lang (nay là xã Tân Mỹ Hà) - nơi có nghề mộc nổi tiếng gần xa, được nhiều nơi trong tỉnh đến học nghề.

Trước đây, thợ mộc Xa Lang liên kết với nhau thành từng tổ gọi là “hiệp thợ” do một phó mộc chỉ huy, thường đi khắp nơi làm nhà ở, đình chùa. Tài chạm trổ tinh xảo của thợ mộc Xa Lang được dân khắp vùng ca ngợi: Thứ nhất hương án Xa Lang/Thứ hai gác chuông chợ Thượng, thứ ba tam quan Tự Đồng.

Nhưng ngày nay, làng mộc Xa Lang không còn sự nhộn nhịp, tiếng đục đẽo khắp làng trên, xóm dưới như trước mà chỉ còn không khí bình lặng của làng quê. Hiện, xã Tân Mỹ Hà chỉ còn 8 người với độ tuổi từ 40 - 70 tuổi biết làm nghề mộc Xa Lang chính gốc.

Vì sao nghề đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở Hương Sơn dần mai một?

Giờ đây chỉ làm nghề mộc khi có đơn đặt hàng nên lúc rảnh rỗi ông Sơn thường làm các vật dụng gia đình để sử dụng trong nhà.

Là đời thứ 4 trong một gia đình có truyền thống làm mộc, ông Nguyễn Sơn (SN 1958, thôn Tân Tiến, xã Tân Mỹ Hà) tâm sự: “Sau khi đi bộ đội về, tôi đã kế nghiệp cha làm nghề mộc từ năm 1981 đến nay. Trước đây, khi nghề mộc còn hưng thịnh, tôi làm việc không ngơi tay khi liên tục được mời đi khắp nơi để làm nhà, làm đền thờ, đóng thuyền 3 ván…Giờ tôi chỉ làm nghề khi có đơn đặt hàng, nhưng số lượng không còn nhiều như xưa”.

Vì sao nghề đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở Hương Sơn dần mai một?

Ông Trần Văn Quý ở thôn Tân Thắng (xã Tân Mỹ Hà) kiểm tra lại đồ nghề để chuẩn bị “khai mộc” vào dịp đầu xuân.

Giống với ông Sơn, ông Trần Văn Quý (SN 1968, thôn Tân Thắng, xã Tân Mỹ Hà) cũng là thế hệ thứ 4 theo nghề mộc.

Ông Quý tâm tư: “Các sản phẩm của mộc Xa Lang đều làm thủ công, việc đục đẽo các hoa văn, họa tiết trên gỗ được chúng tôi tỉ mỉ làm bằng tay. Còn hiện tại, nhiều nơi trong xã làm nghề mộc bằng máy nên không được xem là sản phẩm của mộc Xa Lang. Thế nên, để tìm người kế nghiệp biết làm nghề mộc thủ công là điều khiến tôi trăn trở”.

Vì sao nghề đan Thịnh Xá, mộc Xa Lang ở Hương Sơn dần mai một?

Các sản phẩm của mộc Xa Lang đều làm thủ công, việc đục đẽo các hoa văn, họa tiết trên gỗ được ông Quý tỉ mỉ làm bằng tay.

Các nhà gỗ, đình chùa… qua bàn tay của thợ mộc Xa Lang đều rất đẹp, tinh xảo nhưng giờ đây khi xu thế người dân đều làm nhà xây, nhu cầu dùng gỗ cũng giảm dần do giá thành ngày càng đắt đỏ, các sản phẩm đồ nhựa, nhôm kính, gỗ ép… được ưu chuộng hơn thì nghề mộc đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Thế hệ trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề, số người biết làm nghề ngày càng ít đi.

Theo ông Phạm Đình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Hà: “Nghề mộc truyền thống Xa Lang đã có từ lâu đời nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một bởi người biết làm nghề này hiện rất ít. Khi vòng xoáy công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng nhanh, máy móc đã thành điều hiển nhiên thì nghề thủ công này khó lòng đứng vững. Sắp tới, địa phương đang hướng đến việc thành lập tổ hợp tác để xây dựng lại thương hiệu mộc Xa Lang. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn cần có thời gian và lộ trình cụ thể”.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.