Liệu kích hoạt túi khí có liên quan đến việc thắt dây an toàn hay không? Tại sao đa số cú đâm ở phía sau không kích hoạt túi khí? Đó là những câu hỏi mà người dùng ôtô thường băn khoăn.
Túi khí đóng vai trò như hệ thống an toàn thụ động thứ cấp. Quan trọng nhất vẫn là dây an toàn. Ví dụ khi người lái chạy ở vận tốc 48 km/h và đâm thẳng vào tường, dây an toàn sẽ giữ người lái trên ghế, thay vì văng ra phía trước, mặt đập vào kính, lồng ngực đập vào vô lăng dẫn đến tử vong. Túi khí ở thời điểm này sẽ phồng lên để đón phần cơ thể va chạm, đồng thời ngăn ngừa bạn bay lên kính chắn gió.
Túi khí có nhiệm vụ đón phần cơ thể khi va chạm. Ảnh: Koreabizwire . |
Điều thứ nhất, túi khí ban đầu được ra đời để giảm thiểu nguy cơ chấn thương, đặc biệt là đối với những người không thắt dây an toàn. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu, mỗi túi khí vô lăng dành cho người lái cũng chỉ cứu được họ thoát khỏi tử vong. Trong một số trường hợp nhất định, các chấn thương như gãy tay, chân hay xương sườn vẫn không tránh được.
Lưu ý thứ hai, túi khí khi kết hợp với dây an toàn sẽ tạo nên khả năng bảo vệ tốt nhất. Chính vì vậy ôtô ngày nay luôn có chức năng cảnh báo thắt dây an toàn.
Thứ ba, hệ thống an toàn SRS được cấu tạo bởi túi khí, hộp điều khiển - nơi quyết định túi khí nào sẽ nổ và các cảm biến đo xung động. Cách đây hơn 10 năm, hệ thống SRS trên chiếc Toyota RAV4 chỉ có cảm biến va chạm 2 bên và trước đầu xe. Thậm chí vài mẫu xe thời đó được trang bị nghèo nàn chỉ với một cảm biến và 1-2 túi khí. Nhưng ngày nay, phần lớn ôtô đều có khá nhiều cảm biến và túi khí.
Điều thứ tư, hộp điều khiển kết nối với nhiều thông tin của xe hơn cho phép các lựa chọn bung túi khí nào, tùy thuộc vào vị trí va chạm. Việc kết nối với cảm biến trên ghế cũng cho biết có ai tại vị trí đó không, qua đó quyết định túi khí có bung hay không.
Ngoài ra, hộp điều khiển có thể kết nối với thông số tốc độ, qua đó tính toán được việc nên hoặc không nên bung túi khí. Thậm chí một số hãng xe còn kết nối hộp điều khiển với hệ thống phanh hoặc ESP, qua đó hệ thống sẽ hiểu được xe đang ở tình trạng nào.
Tuy nhiên, các hãng xe có những nghiên cứu theo điều kiện khác nhau, có cách thiết kế hoạt động của túi khí khác nhau. Việc này đôi khi giới hạn bởi trở ngại công nghệ hay kinh phí. Nhưng chung quy, nếu va chạm ở vận tốc cao thì túi khí chắc chắn sẽ nổ.
Vậy ở tốc độ thấp, không thắt dây an toàn có ảnh hưởng đến việc kích hoạt túi khí? Hiện tại chưa ai có thông tin về những trường hợp bung túi khí liên quan đến việc có thắt dây an toàn hay không.
Nhưng nếu suy đoán một cách logic, theo lưu ý số một thì túi khí vẫn sẽ bung nếu hành khách không thắt dây an toàn. Tuy nhiên bung khi nào thì do phần cài đặt liên quan đến mức độ va chạm (thể hiện tại cảm biến đo xung động).
Việc đảm bảo an toàn sau cú va chạm sau là nhiệm vụ của dây an toàn và tựa đầu. |
Vậy cú đâm từ phía sau có kích hoạt túi khí? Đa số xe bình dân không có cảm biến va chạm sau. Vì theo vật lý cơ bản, khi bị va chạm từ phía sau, cơ thể người lái và hành khách sẽ bị hất ngược về sau, trong khi túi khí nằm ở phía trước nên không nhất thiết phải kích hoạt.
Trong khi đó, việc bảo vệ an toàn cho vùng cổ do cú đâm từ phía sau được đảm nhiệm bởi tựa đầu, một phát minh đã có từ rất lâu. Còn trong trường hợp dồn toa thì sao? Dồn toa được hiểu là cú đâm từ phía sau và tiếp tục một va chạm phía trước. Trong trường hợp này, cú va chạm phía trước đã được hệ thống SRS đảm nhiệm.
Mercedes-Benz có tính năng Pre Safe (an toàn chủ động) là dùng radar quét phương tiện phía sau, trong trường hợp sắp có va chạm, xe sẽ tự phanh cứng, dây an toàn được thắt chặt và tựa đầu trên ghế thay đổi cơ chế. Đây có thể xem là cách chuẩn bị tốt nhất cho một cú va chạm sau. Vì vậy không nên tìm cách lý giải hiện tượng túi khí không nổ khi lùi và đâm vào gốc cây.
Chuyên gia ôtô Vinh Nguyễn