[Video] Một năm ngày về của 2 thuyền viên Hà Tĩnh bị cướp biển bắt giữ

(Baohatinh.vn) - Một năm sau ngày trở về, cuộc sống của hai thuyền viên Hà Tĩnh từng bị cướp biển Somalia bắt và giam giữ vẫn còn vô vàn khó khăn. Người bị bệnh tật hành hạ, người phải bán đất, bán nhà để trả nợ, cùng vợ con chuyển đi nơi khác sinh sống.

Một năm trước, vào chiều tối ngày 26/10/2016, hai thuyền viên Nguyễn Văn Xuân (trú tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh) và Nguyễn Văn Hạ (trú thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) trở về quê nhà trong niềm hạnh phúc vô bờ của người thân, chòm xóm. Nhớ lại ngày này năm ngoái, cả hai anh đều bùi ngùi, những cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như vừa mới diễn ra hôm qua.

“Lúc bị bắt, tất cả chúng tôi không ai nghĩ sẽ còn có ngày trở về. Sống trong tuyệt vọng, khó khăn không thể nào kể hết. Tôi còn nhớ vào khoảng 8h sáng ngày 22/10/2016, một vài tên cướp tới thông báo các con tin sẽ được thả tự do. Tuy nhiên, chỉ khi về đến Kenya, chúng tôi mới tin được đó là sự thật. Về lại mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn, nhìn thấy người thân, chòm xóm quây quần chia vui, ai cũng khóc, cảm xúc tôi lúc đấy rất khó tả, cứ ngỡ như mình được sinh ra lần thứ hai”, anh Hạ nói.

video mot nam ngay ve cua 2 thuyen vien ha tinh bi cuop bien bat giu

Anh Hạ cùng con trai tại nhà ngoại ở Hòa Bình.

Cùng chung tâm trạng, anh Xuân chia sẻ, hai vợ chồng những ngày qua cũng thường hay nhắc nhau về quãng thời gian này năm ngoái: “Tôi vẫn nhớ khi được thả, cảm xúc vỡ òa. Muốn gọi điện thoại cho vợ báo tin vui nhưng không được, phải gọi nhờ sang nhà họ hàng”.

Nói về quá trình hòa nhập trở lại với cuộc sống thường ngày, anh Xuân và anh Hạ cho biết, tuy không quá khó khăn nhưng do ảnh hưởng từ hơn 4 năm sống khổ cực, sức khỏe của cả hai đều đã yếu đi nhiều.

Nhớ về quãng thời gian bị giam cầm ở Somalia, anh Xuân kể mỗi ngày chỉ được cung cấp một chút ít đồ ăn, nước uống và sinh hoạt cũng rất ít. Mọi người sống dật dờ như những “xác chết biết đi”, làm gì cũng đều có cướp biển canh gác, tay lăm lăm súng nên chẳng ai nghĩ tới chuyện trốn thoát.

“Giờ đây khi đã trở về bên gia đình, đôi khi nằm ngủ vẫn mơ thấy những ký ức hãi hùng thời còn sống dưới tay cướp biển, những khẩu súng luôn lăm le đầy hăm dọa, tiếng đạn bắn bất thình lình trong đêm, có hôm choàng tỉnh dậy, mồ hôi đã đầm đìa”, anh Xuân nhớ lại.

video mot nam ngay ve cua 2 thuyen vien ha tinh bi cuop bien bat giu

Anh Xuân cùng vợ và các con.

Vì sống khổ cực, trong thời tiết khắc nghiệt, giờ đây anh Xuân mang nhiều bệnh tật, đang phải điều trị bằng thuốc thần kinh. Ngoài ra anh cũng bị bệnh tim, thường xuyên đau đầu, chóng mặt, chân tay đau mỏi.

“Trở lại cuộc sống bằng công việc đánh cá, nhưng vì sức khỏe yếu nên tôi chỉ đi được ban ngày song bữa đi, bữa nghỉ. Thu nhập của cả gia đình chủ yếu chỉ biết trông chờ vào những lần mẻ lưới được kéo lên. Hôm nào may mắn ‘trúng quả’ thì được vài trăm nghìn đồng, còn nếu không thì mang về góp thêm vào bữa ăn của gia đình”, anh Xuân nói.

Người đàn ông 36 tuổi cho hay, năm qua, vợ chồng đã vay mượn để sửa sang lại căn nhà cấp 4. Tuy chỗ ở đã khang trang hơn, song cuộc sống gia đình còn bấp bênh, vất vả. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, anh chỉ biết chảy nước mắt, cảm thấy bất lực vì là trụ cột trong nhà nhưng không đủ sức khỏe để chăm lo cho tổ ấm, nuôi con ăn học.

video mot nam ngay ve cua 2 thuyen vien ha tinh bi cuop bien bat giu

Công việc hàng ngày của anh Xuân là đi quăng lưới đánh cá với thu nhập chẳng được bao

Gia đình có 3 người con. Đứa lớn đáng lẽ năm nay đã học lớp 7 nhưng bị thiểu năng, đứa nhỏ nhất mới vào lớp 2. Khoản nợ ngày xưa vay để đi xuất khẩu lao động vẫn còn chưa trả được hết. May mắn là vợ anh Xuân rất thông cảm cho chồng, luôn bên cạnh động viên anh để cùng cố gắng vượt qua khó khăn.

“Hôm trước tôi có gọi điện cho anh Phan Xuân Phương ở Nghệ An, người bị cướp biển bắt và trở về cùng đợt với tôi, anh bảo luôn bị bệnh tật hành hạ. Công việc nay đây mai đó, đi xin việc làm thì bị chủ chê vì sức khỏe yếu. Tôi cảm thấy mấy anh em từng gặp nạn giờ thiếu may mắn quá”, anh Xuân bùi ngùi.

Hoàn cảnh của thuyền viên Nguyễn Văn Hạ cũng không khá hơn người đồng hương là bao. Bà Nguyễn Thị Thủy (61 tuổi, mẹ anh Hạ) xúc động chia sẻ cảm thấy thiệt thòi cho con trai khi phải trở lại cuộc sống với hai bàn tay trắng. Căn nhà và miếng đất trước kia hiện cũng đã bán hết, phần thì để trả tiền vay ngân hàng ngày anh Hạ đi xuất khẩu lao động, và thanh toán khoản vay nóng cho những lần gia đình đi ra Hà Nội nhờ các cơ quan chức năng tìm thông tin con.

“Giờ đây khi con trai đã trở về, nhưng cũng chẳng còn gì nữa, bản thân hai vợ chồng tôi cũng đang phải sang sống tạm ở nhà cháu ruột. Gia đình Hạ thì về nhà ngoại ở Hòa Bình sinh sống. Là con trai trưởng, Hạ bày tỏ sau này muốn trở về quê để phụng dưỡng bố mẹ nhưng ước muốn ấy dường như rất khó để thực hiện”, bà Thủy tâm sự.

video mot nam ngay ve cua 2 thuyen vien ha tinh bi cuop bien bat giu

Bà Thủy bên căn nhà cũ từng sở hữu, nay đã được bán cho chủ mới.

Tình hình sức khỏe mặc dù có khá hơn anh Xuân, song cũng giống như các đồng đội từng “vào sinh ra tử”, đối với anh Hạ, những tác động về tinh thần sau quãng thời gian dài sống trong “địa ngục trần gian” vẫn còn nguyên vẹn.

Khi được hỏi liệu anh có từng nghĩ sẽ tiếp tục đi xuất khẩu lao động không, anh Hạ trả lời có, nhưng tình hình kinh tế hiện tại không cho phép. Khát khao muốn thoát khỏi cảnh nghèo, nuôi 3 con ăn học được thành người khiến cho người đàn ông từng trở về từ cõi chết này không còn biết sợ là gì.

“Gia đình mình là trên hết. Còn số phận mình vẫn may mắn hơn so với nhiều người. Có những đồng đội đã không bao giờ còn có cơ hội trở về, phải bỏ mạng tại xứ người. Sợ hãi thì ai cũng có sợ hãi, nhưng cuộc đời không ai có thể biết trước được điều gì. Chỉ có mình có dám vượt qua để bước tiếp hay không thôi”, anh Hạ chia sẻ.

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.