“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm”!

(Baohatinh.vn) - Gắn bó với Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh Trần Thanh Bình trên hành trình khuyến học, tôi càng cảm phục ông, người luôn “cháy” hết mình vì công việc. “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm”, lời dạy của Bác Hồ đã theo ông trong suốt những năm giữ vai trò Bí thư Huyện ủy Thạch Hà cho đến tận bây giờ.

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm”!

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh Trần Thanh Bình: "Người làm lãnh đạo không được tự bằng lòng với chính mình, với những kết quả đã đạt được".

Làm lãnh đạo phải táo bạo, quyết liệt

Đó là chia sẻ của ông khi kể về những năm tháng gắn bó với phong trào, với người dân Thạch Hà. Ông quan niệm, người làm lãnh đạo là phải dám nghĩ dám làm, táo bạo, quyết liệt, không tự bằng lòng với chính mình, với những kết quả đã đạt được mà phải luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo để đưa phong trào đi lên, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.

Từ suy nghĩ đó, gần 20 năm gắn bó với huyện Thạch Hà, ông đã cùng anh em luôn sâu sát, lăn lộn với phong trào, với cơ sở để chọn việc cần làm, việc cần tháo gỡ để thực hiện các chủ trương, nghị quyết của cấp trên.

Ít ai biết rằng, Thạch Hà từng đi tiên phong bằng nghị quyết, bằng phong trào thi đua sôi nổi từ năm 1996 – 1998 với bước khởi đầu là phong trào làm giao thông nông thôn, cải tạo vườn tạp, quy hoạch sắp xếp hệ thống trường học…

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm”!

Phong trào xây dựng giao thông nông thôn từ năm 1996 là nền tảng để Thạch Hà xây dựng NTM hôm nay.

Nghị quyết xây dựng NTM ra đời với 5 nội dung, 28 tiêu chí, cụ thể hóa bằng 125 chỉ tiêu và quy thành 10 tiêu chuẩn công nhận đạt NTM. Thạch Hà trở thành địa phương đi đầu trong xây dựng NTM giai đoạn ấy. Nêu gương đi đầu của cán bộ, đảng viên, ông Bình đã từng dùng tiền cá nhân ra TP Vinh mua gần 300 giống cây ăn quả để tặng cho 43 xã thông qua các đoàn thể. Việc làm nhỏ mang ý nghĩa lớn đã có sức lan tỏa trong nhân dân, tạo thành phong trào cải tạo vườn tạp rộng lớn trong toàn huyện.

Đầu năm 2002, ông Trần Thanh Bình lúc ấy là Bí thư Huyện ủy đã “châm ngòi” việc ban hành nghị quyết của Huyện ủy về “Xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, xác định mục tiêu xây dựng 5 trường THPT, sáp nhập THCS từ 37 trường còn 20 trường, tiểu học hình thành theo đơn vị hành chính xã, đặc biệt chú trọng việc xác định điểm xây dựng trường đúng quy hoạch phát triển, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có để cải tạo, nâng cấp, sử dụng làm trường tiểu học, lớp mầm non, hội quán thôn. Khi tỉnh chủ trương sáp nhập trường học thì Thạch Hà cơ bản đã hoàn thành.

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm”!

Thị trấn Thạch Hà hôm nay ( Ảnh: Hữu Đồng)

Để khơi dậy phong trào, theo ông, yếu tố cán bộ là điều quyết định. Từ năm 1997, ông đã mạnh dạn bàn bạc trong cấp ủy đưa ra quyết sách mở cửa liên kết với Trường Đại học Huế, Kinh tế Quốc dân và Đại học Vinh mở 4 khóa đào tạo cho 264 cán bộ các cấp. Ông cho rằng: Chỉ cần cán bộ lĩnh hội được 60 - 70% kiến thức được đào tạo là đã thành công, vì phần lớn cán bộ đã qua chiến tranh, không có điều kiện đào tạo chính quy. Thực tế đã được chứng minh khi đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp huyện ở Thạch Hà đã đạt chuẩn kiến thức và đáp ứng yêu cầu công việc.

Sớm có chính sách thu hút đội ngũ trí thức trẻ có năng lực về làm việc bằng cách làm minh bạch, công tâm, đơn giản nhưng hiệu quả, trong 3 năm từ 2001- 2004, Thạch Hà đã tiếp nhận 35 trí thức trẻ. Rất mừng là lớp cán bộ Thạch Hà được ông dìu dắt đều trưởng thành, không phụ lòng mong mỏi của ông.

Nghỉ hưu, không nghỉ việc

Trong suy nghĩ của ông Trần Thanh Bình, nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ việc. Chính vì thế, ngay sau ngày nghỉ hưu, ông đã tiếp nhận vị trí Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh.

Đồng hành với ông trong những chuyến đi đến với các học sinh nghèo hiếu học, tôi hiểu hơn về một con người bình dị, mẫu mực, liêm khiết, hòa đồng với mọi người trong cuộc sống nhưng rất nghiêm khắc với công việc và với chính bản thân mình. Ông luôn tâm niệm câu nói của Bác Hồ: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm”. Vì vậy, đến nay, đã qua tuổi 70 nhưng Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh Trần Thanh Bình vẫn lặn lội cơm đùm cơm nắm ra Bắc vào Nam để “ xin” tiền khuyến học cho con em vùng quê nghèo.

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm”!

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Trần Thanh Bình nhận biểu trưng của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân tại lễ ra mắt Quỹ Khuyến học- Khuyến tài Nguyễn Du năm 2016 (Ảnh: Nam Giang)

Ông kể: "Mình từng này tuổi còn đi “xin”, đi góp nhặt từng đồng cũng vất vả lắm. Không chỉ kiên trì, chịu khó mà nhiều lúc phải chịu "lún mình" nữa. Có những nơi đi năm lần bảy lượt mới gặp được họ, trình bày hết cách nhưng phải cố thôi vì mình xin cho các cháu học sinh nghèo chứ có phải xin cho mình đâu. Quan trọng nhất là làm sao có thêm nguồn quỹ cho các cháu khó khăn. Cứ nghĩ đến con đường đến trường của nhiều học sinh trên vùng đất học sẽ đỡ gập ghềnh hơn là bác lại cảm thấy có động lực, có sức khỏe để làm việc".

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh còn thực hiện đa dạng hình thức gây quỹ bằng thư kêu gọi, tổ chức sự kiện để huy động sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội trong phong trào khuyến học, khuyến tài, trong việc xây dựng gia đình, dòng học khuyến học và xã hội học tập. Ông cho rằng, để huy động được nguồn lực cho quỹ, trước hết phải tạo được niềm tin, giữ được chữ tín và ông đã thành công.

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm”!

Hơn 70 tuổi, ông vẫn miệt mài với những chuyến đi "xin" để có thêm những phần quà tiếp sức cho các học sinh nghèo vượt khó đến trường.

Từ 1 tỷ đồng nguồn Quỹ Khuyến học Hồng Lam lúc ông tiếp nhận cương vị Chủ tịch Hội Khuyến học, đến nay, Hà Tĩnh đã có 2 quỹ khuyến học: Hồng Lam và Nguyễn Du với số tiền trên 18 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, quỹ đã trao hàng chục ngàn giải thưởng và học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, hàng trăm chiếc máy tính cho các trường học và trung tâm học tập cộng đồng.

Như con ong vẫn luôn cần mẫn, kiên trì làm việc để làm nên những giọt mật ngọt cho đời, Chủ tịch Hội Khuyến học Trần Thanh Bình vẫn miệt mài với những chuyến đi “xin và cho”. Đó là niềm hạnh phúc lớn bởi với ông sống là để cống hiến, là để cho đi.

Ông là một trong 60 tấm gương tiêu biểu của Hà Tĩnh về học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ được suy tôn nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.