Bộ giống chất lượng cao
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, vụ xuân 2021 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn, mang tính quyết định nhất của vụ lúa năm nay chính là tỷ lệ cơ cấu bộ giống chất lượng cao đạt trên 40% tổng diện tích gieo cấy (23.711/59.428 ha), thuộc vào những năm cao nhất từ trước tới nay.
Năng suất vụ lúa xuân đạt đỉnh nhất từ trước tới nay với 58,13 tạ/ha
“Bên cạnh những giống lúa đại trà, đã ổn định qua nhiều năm ở các địa phương như: HT1, N98, KD18, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, TH3 - 3 thì vụ xuân 2021 còn khẳng định sự vượt trội của một số loại giống như: Bắc Thịnh, LP5, VNR 20…
Điều này không chỉ giúp năng suất bình quân toàn tỉnh đạt cao nhất từ trước tới nay (58,13 tạ/ha) mà việc lựa chọn bộ giống phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và thị trường còn giúp cho giá trị hàng hóa của lúa gạo Hà Tĩnh thay đổi” - ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật tỉnh cho biết.
Đến thời điểm này, Đức Thọ đã thu hoạch hoàn tất 100% vụ lúa xuân 2021. Năng suất thực thu tại vựa lúa chất lượng nhất của tỉnh được xác định đạt 65,1 tạ/ha, cao hơn bình quân toàn tỉnh 7,1 tạ/ha và cao hơn năng suất vụ xuân của chính địa phương này vào năm 2020 là 4 tạ/ha. Đây cũng là vùng sản xuất tập trung nhiều nhất các loại giống mới, chất lượng như: ST24, ST25, VNR20…
Bà con xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) phấn khởi với mùa thu hoạch bội thu
Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết: “Với chủ trương ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với thực hiện hiệu quả tái cơ cấu sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng, hàng hóa, huyện thường xuyên cập nhật các bộ giống mới để tăng cao giá trị sản phẩm cho bà con. Năm nay, huyện cơ cấu giảm dần diện tích giống lúa đặc trưng P6 (giảm 1.000 ha so với trước đó - PV) tập trung vào bộ giống chất lượng cao như ST24, ST25 và tiếp tục khảo nghiệm giống TH8… Qua đánh giá, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng trên địa bàn đạt 100% diện tích”.
Khắp toàn tỉnh, từ vùng chuyên lúa Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh… hay kể cả những nơi từng gặp nhiều khó khăn như: Lộc Hà, Hương Sơn, Nghi Xuân… đều có những giống lúa đạt năng suất “khủng”, cho giá trị kinh tế cao.
Nông dân xã Hồng Lộc (Lộc Hà) có mùa lúa năng suất cao nhất trong lịch sử
Bà Phan Thị Hiền, thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc (Lộc Hà) cho biết: “Bây giờ chúng tôi đã không còn tự để giống nữa mà sử dụng giống mới, như vậy mới đạt năng suất tốt nhất và nhiều thương lái mua giá cao hơn. Nhà tôi làm 1 mẫu, chủ yếu sử dụng giống LP5 với năng suất 3,5 tạ/ sào (70 tạ/ha), bán lúa tươi tại ruộng với giá 56.000 đồng/yến”.
Bên cạnh đó, năm nay việc mở rộng các cánh đồng lớn đã tạo ra quy mô sản xuất tập trung hơn, tạo điều kiện để nhiều loại giống lúa mới du nhập vào Hà Tĩnh và thể hiện tối đa những tính năng ưu việt của nó. Đồng thời, sản lượng hàng hóa và giá bán cũng đều tăng từ 5 - 10% so với với sản xuất truyền thống.
Thời vụ tập trung - “bí quyết” ứng phó thiên tai, dịch bệnh
Phải nói thêm rằng, ngoài tập trung về bộ giống lúa chủ lực, thời vụ sản xuất lúa xuân cũng được đồng nhất từ trước tới nay. Những diện tích “chạy” trước hay sau lịch thời vụ đều chỉ là hiện tượng cá biệt, lịch thời vụ từ xuống giống, sinh trưởng đến chín, thu hoạch đều “tăm tắp” trên quy mô toàn tỉnh.
Cánh đồng lớn giúp bà con nông dân toàn tỉnh thuận lợi trong việc phòng chống dịch bệnh và thu hoạch
Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Toàn bộ 9.500 ha lúa xuân trên địa bàn đều thực hiện chung một thời vụ, một quy trình sản xuất. Nhờ vậy, lúa trổ bông tập trung từ 15 - 25/4, đúng vào thời điểm thời tiết thuận lợi nhất. Điều này đã tạo điều kiện cho việc thu hoạch tập trung, nhanh gọn và quản lý, kiểm soát tốt dịch bệnh”.
Nhiều năm trước, vựa lúa này thường xuyên phải đối mặt với khoảng 300 - 600 ha nhiễm bệnh đạo ôn. Còn năm nay, toàn huyện chỉ có 12 ha bị nhiễm đạo ôn cổ bông, thuộc vào vụ sản xuất có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp nhất trong lịch sử.
Không chỉ riêng Cẩm Xuyên, năm nay gần như các diễn biến dịch hại trên tất cả các địa phương đều ở mức thấp và chủ động kiểm soát tốt. Đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, thời điểm nhiễm bệnh cao nhất của vụ xuân 2021 chỉ ở vào khoảng hơn 200 ha, bằng 1% so với năm có diện tích nhiễm bệnh cao nhất (năm 2017). Rầy nâu, rầy lưng trắng cũng gần như “sạch bóng” trên các diện tích lúa xuân 2021.
Sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh ngày càng mang tính hàng hóa và chuyên môn hóa cao
Cuối vụ, lúa xuân chịu tác động của đợt dông lốc khiến hơn 6.400 ha bị đổ ngã. Tuy nhiên, nhờ lúa đã vào kỳ sinh trưởng an toàn nên chỉ sau đó 1 tuần lễ, 90% diện tích đã tự phục hồi.
“Bám sát lịch thời vụ, quá trình sinh trưởng của lúa, đơn vị liên tục ban hành các khuyến cáo, hướng dẫn để địa phương triển khai phòng trừ sâu bệnh đồng loạt, tập trung và chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thu hoạch tập trung và né tránh an toàn tác động tiêu cực của thời tiết cuối vụ” - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh Nguyễn Trí Hà cho biết.
Tại chuyến kiểm tra đồng ruộng mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá lúa xuân Hà Tĩnh 2021 đã cùng một lúc giành thắng lợi ở ba phương diện lớn: năng suất đạt cao nhất, thời vụ tập trung nhất và thời tiết thuận lợi nhất. Đây chính là động lực để bà con nông dân toàn tỉnh phấn khởi bước vào vụ sản xuất mới - vụ hè thu 2021.