Những ngày này, đâu đâu trên miền quê Vũ Quang cũng rộn ràng không khí thu hoạch mật ong. Năm nay, mật được mùa, giá bán ổn định nên bà con ai cũng phấn khởi.
Theo người nuôi ong Vũ Quang, ong có đặc tính bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Vì vậy, người nuôi nếu muốn thành công, phải “hiểu” được ong; có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng... Có như vậy, đàn ong mới khỏe mạnh và cho năng suất cao.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền) nuôi 60 đàn ong, bình quân mỗi năm thu về khoảng 7 tạ mật. Anh Thắng cho biết: Năm nay, thời tiết thuận lợi, các loài hoa bung nở nhiều nên ong tiết mật đều. Từ giữa tháng 4 đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được 70 lít mật. Vì đang đầu mùa nên mật ong bán khá được giá, từ 250 - 350 nghìn đồng/lít.
Theo anh Thắng, tuỳ theo từng thời điểm mà thời gian khai thác mật ong sẽ thay đổi, ong khỏe chăm hút mật thì khoảng 8 ngày là có thể thu hoạch, nhưng cũng có đàn mất tới 15 - 17 ngày.
Những chiếc cầu căng tràn mật ngọt là thành quả mà đàn ong mang lại cho gia đình anh Thắng sau chuỗi ngày chăm nom. Được biết, trước khi đưa các cầu mật vào quay, anh Thắng sẽ cắt lớp sáp phía trên. Phần sáp này được sử dụng để cấy thành những chiếc cầu mới cho ong làm mật những đợt tiếp theo.
Mật ong sau khi thu hoạch sẽ được chị Lê Thị Phong (vợ anh Thắng) đóng chai cẩn thận và bán dần cho khách. Theo chị Phong, vì mật ong được sản xuất 100% tự nhiên nên giữ được rất lâu, chất lượng không đổi theo thời gian.
Video: Anh Đặng Hồng Minh (thôn Hoa Thị, xã Thọ Điền) mong muốn mật ong ngày càng được "vươn xa".
Cách đó không xa, gia đình anh Đặng Hồng Minh (thôn Hoa Thị, xã Thọ Điền) cũng đang cần mẫn gom từng cầu ong để lấy mật. Anh Minh cho hay: Thời điểm này, tôi đang bắt đầu thu hoạch lứa mật ong chính vụ đầu tiên trong năm. Ước tính, 25 đàn ong sẽ thu được khoảng 50 lít mật chất lượng, cho thu nhập khoảng hơn 15 triệu đồng.
Niềm vui sướng nhất của anh Minh là khi rút một cầu ong trong tổ ra mà tay nặng trĩu bởi mật đóng đặc kín, thu được những dòng mật vàng óng đặc sánh sau mỗi lần quay mật.
Những dòng mật sóng sánh sau chuỗi ngày “làm mật, yêu hoa” của những đàn ong.
Cũng như nhiều nghề khác, nghề nuôi ong đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ. Đưa tay nhấc cầu ong lên kiểm tra, ông Nguyễn Xuân Thuấn (tổ dân phố 1, thị trấn Vũ Quang) nhẹ nhàng để không làm đàn ong hoảng sợ. Được biết, gia đình ông Thuấn đang nuôi 50 đàn ong.
Ông Thuấn thông tin: Năm ngoái, 50 đàn ong của gia đình cho hơn 600 lít mật, thu về hơn 120 triệu đồng. Tôi hy vọng năm nay, thời tiết sẽ ủng hộ để đàn ong gom được nhiều phấn, tiết đều mật, gia đình có thêm một “mùa vàng” bội thu...
Theo ông Thuấn, đây là đợt thu hoạch chính vụ trong năm, vì vậy, sản lượng mật nhiều hơn, chất lượng tốt hơn. Đặc biệt, mật có vị béo bùi, ngọt mát quyện lẫn mùi thơm ngậy đặc trưng của hoa lá miền sơn cước.
Nghề nuôi ong chất chứa bao vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng thật ngọt ngào. Ngọt ngào từ hương của ngàn hoa, ngọt ngào trong từng giọt mật ong mang về.
Từ nghề nuôi ong đã giúp người dân miền núi Vũ Quang có cuộc sống đủ đầy hơn. Chính sự cần mẫn của con ong cùng sự chịu thương, chịu khó của bà con miền sơn cước nơi đây đã “chắp cánh” cho thương hiệu mật ong Vũ Quang ngày càng bay xa...
Toàn huyện Vũ Quang hiện có hơn 1.100 hộ nuôi ong với hơn 8.000 đàn. Thời điểm này, bà con đang tranh thủ thời tiết để thu hoạch mật. Năm nay, mật được mùa, giá ổn định nên bà con ai cũng vui. Đặc biệt, sản phẩm mật ong Vũ Quang được tiêu thụ khắp cả nước đã tiếp thêm động lực cho người nuôi ong trong việc nhân đàn cũng như tuân thủ các quy trình kỹ thuật để tạo ra những dòng mật chất lượng và thơm ngon nhất đến tay người tiêu dùng.