WHO: Số ca mắc COVID-19 tại châu Phi “trên thực tế cao hơn nhiều”

Theo WHO, trong khi tỷ lệ xét nghiệm tại châu Phi ở mức thấp so với các khu vực khác trên thế giới, số ca mắc COVID-19 trên thực tế tại lục địa này có thể lên tới 60 triệu ca.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tunis (Tunisia), ngày 8/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy khoảng 7 ca mắc COVID-19 tại châu Phi thì chỉ có 1 ca được phát hiện. Điều này cho thấy số ca mắc trên thực tế cao hơn nhiều và nguyên nhân là bởi năng lực xét nghiệm tại lục địa này còn hạn chế.

Theo phân tích của WHO, số ca mắc COVID-19 trên thực tế tại châu Phi có thể lên tới 60 triệu ca. Theo thống kê hiện nay, kể từ khi đại dịch bùng phát, châu Phi ghi nhận 8,4 triệu ca mắc, trong đó có 214.000 ca tử vong. Tuy vậy, tỷ lệ xét nghiệm tại lục địa này ở mức thấp so với các khu vực khác trên thế giới.

Báo cáo cho thấy kể từ khi đại dịch bùng phát, 70 triệu xét nghiệm COVID-19 đã được ghi nhận tại các nước châu Phi, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 1,3 tỷ dân.

Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian trên, khoảng 550 triệu xét nghiệm đã được tiến hành tại Mỹ, còn tại Anh số lượng xét nghiệm còn cao hơn khi cứ 1 người thì có hơn 4 xét nghiệm được tiến hành.

Ông Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO tại châu Phi, chỉ rõ hầu hết các xét nghiệm COVID-19 đều được thực hiện ở những người có triệu chứng, song phần lớn các ca lây nhiễm là đều không có triệu chứng, do vậy những gì đang diễn ra mới chỉ phần nổi của tảng băng chìm.

Theo ông Moeti, số ca tử vong tại châu Phi cũng không được thống kê đầy đủ. Báo cáo của WHO ước tính cứ 3 ca tử vong trên thực tế thì có 1 ca được thống kê chính thức.

Để khắc phục tình trạng này, WHO đã tiến hành một chương trình thí điểm nhằm năng cao năng lực giám sát dịch COVID-19. Chương trình này sẽ được triển khai tại 8 quốc gia và sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhằm phát hiện các ca mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Một khi phát hiện các ca dương tính, các nhà chức trách sẽ thực hiện “cách tiếp cận vòng tròn,” tức là triển khai xét nghiệm đối với những người sinh sống trong vòng bán kính 100m xung quanh ca mắc mới , nhờ đó có thể ngăn chặn dịch lan rộng.

Những người sống trong khu vực này còn được nhận một bộ gồm các vật dụng khử khuẩn và vệ sinh, như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn.

Ông Moeti khẳng định việc xét nghiệm càng nhiều thì sẽ khoanh vùng dịch càng nhanh, hạn chế được dịch lây lan. Quan chức WHO này nhấn mạnh sáng kiến trên là cách tiếp cận mới sẽ cải thiện năng lực xét nghiệm tại châu Phi.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói