“Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”

Không hiểu từ thuở nào, cái tên làng Nhượng Bạn đã đi vào sử sách, một làng có truyền thống ngư dân bám biển từ đời này sang đời khác. Làng ấy ngày nay gọi là xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đang từng bước chuyển mình trong việc khai thác ngư trường và chế biến hải sản, dịch vụ trên bờ. Đến Cẩm Nhượng ngày đầu hạ, nhìn bao quát một lượt, tôi chợt liên tưởng đến câu thơ của Huy Cận trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”: Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi…

Nghe lão ngư kể chuyện nghề biển

Chiều tháng 4 đẹp trời. Nắng càng rực rỡ, cửa biển Cẩm Nhượng càng xanh hơn. Mắt tôi như ngợp giữa “rừng thuyền" và cờ đỏ kiêu hãnh.

Bến cá Cẩm Nhượng
Bến cá Cẩm Nhượng

Giữa ầm ào sóng biển và lồng lộng gió, nhiều lúc giọng nói của lão ngư Trần Văn Minh bị át đi, nhưng tôi vẫn nghe trọn những tâm sự về nghề biển của ông và ngư dân làng này: “Dân làng biển Cẩm Nhượng từ xưa tới nay vẫn biết mỗi lần chồng đi biển, vợ con ở nhà lại thấp thỏm chờ mong. Dong thuyền ra khơi, bão tố và các hiểm họa khác thường xuyên rình rập. Kiếm được con cá không chỉ đổ mồ hôi mà có lúc mất cả mạng sống nữa”.

Lão Minh tâm sự, trong nhiều thập kỷ đánh bắt, ngư dân Cẩm Nhượng cũng có những người bị bão lốc nhấn chìm nhưng may mắn hơn nhiều làng biển khác là tỷ lệ tử nạn ít hơn.

Chợt anh bạn tôi cắt ngang lời lão: “Cụ ơi! Nghe nhiều người nói cá voi thường đến cứu dân đánh cá lúc chìm thuyền phải không?”. Nhắc tới “vị thần” của biển, lão Minh bần thần trong giây lát rồi chùng giọng: “Dân đi biển Cẩm Nhượng trong những lúc sóng đánh thủng thuyền được cá voi nâng thuyền lên lưng mình tìm cách đưa vào hòn đảo nổi. Dân làng biển sùng kính cá voi, gọi cá voi là “Ông”. Nếu “Ông” mất, dạt vào bờ, cả làng khóc và đưa tang. Đền thờ “Ông” bao giờ cũng hương khói và lễ vật chu đáo. Bây giờ thông tin về thời tiết được cập nhật hàng ngày và trong lúc thuyền gặp sự cố đã có đội cứu hộ của hải đội biên phòng giúp sức. Thế nhưng, chúng tôi không bao giờ quên ơn cá voi…”.

Câu chuyện càng lâu càng sôi nổi, lão khoe: ở Cẩm Nhượng năm nào cũng vậy, cứ vào mồng 8/4 âm lịch, cả làng lại náo nức lễ hội cầu ngư, cầu trời yên, biển lặng, đi lộng đi khơi được nhiều tôm cá và cầu sự chở che của “đức ông cá voi”.

Nghề đi biển vất vả nhất là mùa đông, bởi thời tiết không mấy thuận lợi nên việc tìm luồng cá đi khó khăn hơn.

Thôn Xuân Nam có 40 người chuyên nghề chài lưới với 7 chiếc thuyền gỗ, 2 chiếc thuyền nan, công suất 15-24 CV. Do công suất nhỏ nên các đội thuyền thôn Xuân Nam chỉ đánh bắt trong phạm vi 25 – 30 hải lý. Các loại hải sản thường khai thác là cá nục, cá đổng, mực nang, mực ống. Ngư dân quen thuộc với “đi mành” và “câu khơi”, rộ nhất từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Đội thuyền mành khá nhất thôn Xuân Nam hiện nay là anh Nguyễn Tâm Vinh và Nguyễn Tiến Huy. Mỗi đội thuyền có 7 người, bình quân mỗi thuyền viên thu nhập trong vụ cá nam khoảng 30-35 triệu đồng. Còn đội thuyền anh Dương Văn Thành chuyên nghề kéo dạ ván, tháng 4 năm ngoái, mỗi thuyền viên thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Đến chuyện làm ăn của các đội thuyền

Chuyện làm ăn của ngư dân thôn Xuân Nam qua lời lão Trần Văn Minh khiến tôi không khỏi băn khoăn: Vì sao làng Cẩm Nhượng có nghề cá truyền thống hàng thế kỷ mà đến bây giờ vẫn đang làm ăn manh mún?

Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hải Dương giãi bày: “Muốn vươn ra khơi xa bây giờ phải nhìn vào lớp trẻ. Nhưng hiện nay, số thanh niên trẻ ở lại làng rất ít. Cẩm Nhượng là xã đứng thứ 2 toàn tỉnh về số lượng lao động xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện tại, toàn xã có tới 738 lao động xuất khẩu tại 26 nước. Số trẻ học hành thành đạt và làm ăn giỏi trong nước cũng không ít. Các ngư dân còn lại ở địa phương hầu hết là trung niên và cao tuổi. Do vậy, tính năng động, táo bạo trong cung cách làm ăn mới có phần hạn chế”. Anh Dương cũng cho biết thêm: “Ngư trường khai thác bây giờ khó khăn hơn trước nhiều. Giá xăng dầu tăng cao, vay tiền ngân hàng với lãi suất cao thì dân không dám nên phải làm ăn theo “quy mô nhỏ”.

Du lịch biển Thiên Cầm phát triển khiến hàng hải sản Cẩm Nhượng càng thêm hấp dẫn
Du lịch biển Thiên Cầm phát triển khiến hàng hải sản Cẩm Nhượng càng thêm hấp dẫn

Tiếng là “quy mô nhỏ” nhưng so với những thập kỷ trước, phương tiện đánh bắt của các đội thuyền đã đổi mới nhiều. Toàn xã có 146 tàu thuyền với 820 lao động (trong đó có 5 thuyền công suất 60 CV). Một số tàu thuyền được đóng mới và một số thuyền cũ mua lại của ngư dân Phú Yên, Quảng Bình về cải hoán.

Tiếng là tàu cải hoán, nhưng giá trị mỗi chiếc cũng lên tới 400 – 500 triệu đồng. Từ khi có chính sách hỗ trợ ngư dân theo chương trình NTM của tỉnh với mức 30 triệu đồng/thuyền, ngư dân Cẩm Nhượng như được tiếp thêm sức bật mới. Trong các đội tàu thuyền đánh cá của Cẩm Xuyên, Cẩm Nhượng có 5 đội thuyền làm ăn khấm khá hơn cả. Từ tháng 8 – 12/2012, bình quân mỗi lao động trên các thuyền này thu nhập từ 6–7 triệu đồng/tháng. Riêng đội thuyền của anh Lê Xuân Tiến từ ngày áp dụng đánh bắt cá bằng lưới vây bao giờ cũng “hên”. Tháng 3 năm nay, trong 1 ngày, thuyền của anh đã khai thác được hơn 10 tấn cá, bán được trên 150 triệu đồng.

Tôi theo chân một cán bộ xã tới thăm tổ hợp đánh cá Thành Tâm. Tổ trưởng tổ hợp là Nguyễn Huy Hoàng (thôn Lâm Hoãn), năm nay trạc tuổi 50, nước da bánh mật, đôi mắt trầm tư chứa nhiều bể dâu. Ông vốn tính không sôi nổi nhưng là người tốt bụng và thương anh em thuyền viên hết mực. Chiếc thuyền ông Hoàng đang sử dụng có công suất 60 CV với 4 thuyền viên. Mỗi thuyền viên thu nhập 35 triệu đồng/năm, còn chủ thuyền 100 triệu đồng/năm.

Một điều ông Hoàng khá tâm đắc là khi Nhà nước chủ trương xây dựng NTM gắn với bảo vệ QPAN biển đảo, cấp ủy và chính quyền địa phương xã Cẩm Nhượng đã tiên phong làm tốt công tác này. Cả xã thành lập 17 tổ hợp sản xuất nghề cá trên biển, mỗi tổ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Hoạt động của các tổ vừa giúp nhau phát triển kinh tế vừa có nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Mọi phương tiện thông tin và các phương tiện bảo vệ mình đều được trang cấp đầy đủ.

Dịch vụ trên bờ

Xã Cẩm Nhượng hiện có 2.565 hộ, với 11 thôn, hơn 70% hộ làm nghề đánh cá. Từ xưa, làng Cẩm Nhượng quen thuộc với kỹ thuật nướng cá, rộ nhất về mùa đông. Các bà vợ của ngư dân chong đèn thức thâu đêm nướng cá, nhà nào cũng chất đầy than hoa, bếp lửa hồng đỏ rực. Những lúc ấy, cả làng sực nức mùi thơm. Cá bày lên mẹt, cá sắp vào rổ, đủ các loại trích, nục, thu ngừ. Tảng sáng, những con cá nướng lại hành trình theo các mẹ, các chị có mặt khắp các chợ phiên trong tỉnh.

Từ ngày Hà Tĩnh quy hoạch và xây dựng Khu du lịch Thiên Cầm thì hàng hải sản Cẩm Nhượng lại càng thêm hấp dẫn. Loại nước mắm ngon đặc biệt rất được khách hàng ưa chuộng.

Cơ sở chế biến nước mắm của HTX Chế biến hải sản Thu Hùng
Cơ sở chế biến nước mắm của HTX Chế biến hải sản Thu Hùng

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của chị Hồ Thị Thu - Chủ nhiệm HTX Chế biến hải sản Thu Hùng. Từ một cô gái làng biển chuyên quảy gánh bán cá nhỏ, với 2 bàn tay trắng, chị đã trưởng thành lên qua thực tiễn và qua các đợt tập huấn do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức. Nhờ làm ăn có kế hoạch nên những đồng vốn vay mượn đều phát huy hiệu quả.

Bây giờ, HTX của chị Thu đã xây dựng được 120 bể chứa, mỗi bể từ 4,5-5 tạ cá. Với 7 lao động nữ, mỗi năm, cơ sở chế biến của chị đã sản xuất và tiêu thụ hơn 10.000 lít nước mắm. Ngoài ra, cơ sở này còn chế biến mắm tôm, mắm chua, tôm, mực một nắng... Sản phẩm bày ra trên quầy hay nằm trong kho lạnh đều được đóng hộp và nhãn mác đầy đủ, mỗi năm đạt doanh số hơn 10 tỷ đồng.

Khi chúng tôi rời cơ sở chế biến hải sản của chị Thu, trời đã bắt đầu nhá nhem tối nhưng không khí làm việc nơi đây vẫn đang tất bật. Tiếng nói cười náo động cả một vùng. Chắc ngoài biển, mẻ cá mới lại về…

Tháng 4/2013

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast