Xây dựng NTM ở vùng thượng Kỳ Anh: Xã dưới 6 tiêu chí khó đủ bề!

(Baohatinh.vn) - Những con đường lầy lội, xuống cấp… Những xóm làng cách nhau hàng km, chia cắt bởi núi đồi, khe suối… Từ lực cản hạ tầng đến những điểm nghẽn trong phát triển sản xuất, những xã dưới 6 tiêu chí ở vùng thượng Kỳ Anh đang đối diện với không ít khó khăn trong xây dựng NTM.

Trăn trở chuyện hạ tầng

Sau gần 5 năm được công nhận chuẩn, trong đợt kiểm tra gần đây nhất, Trạm Y tế xã Kỳ Hợp đang nằm trong số xã có nguy cơ thu hồi bằng chuẩn. 20 năm sử dụng, phần lớn hạng mục công trình đều đã bước vào giai đoạn xuống cấp trầm trọng.

xay dung ntm o vung thuong ky anh xa duoi 6 tieu chi kho du be

Trạm Y tế xã Kỳ Hợp xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị thiếu thốn

Theo bác sỹ Nguyễn Thái Hòa - Trạm trưởng: “Chỉ đơn giản vài ca viêm phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc siêu âm, xét nghiệm thông thường đã phải chuyển lên tuyến trên. Thiếu về cơ sở vật chất đã làm cho bà con nhầm tưởng cả trình độ chuyên môn của cán bộ y tế cũng yếu”.

Nhà văn hóa thôn Minh Tân (Kỳ Hợp) - điểm sinh hoạt cộng đồng khang trang, đạt chuẩn NTM này được 130 hộ dân nỗ lực huy động đóng góp trong hơn 2 năm ròng rã. Tuy nhiên, số tiền thu được cũng mới chiếm hơn 30% tổng đầu tư. Nếu không có sự hỗ trợ của nguồn vốn NTM từ huyện, xã, sự vận động tối đa các nguồn lực… có lẽ, người dân ở đây vẫn chưa thể thấy được hình hài của một nhà văn hóa đúng chuẩn.

Còn tại xã Kỳ Tây, xe chúng tôi bị mắc kẹt bởi ngầm cạn ngay trên con đường độc đạo đi từ thôn Tây Xuân sang thôn Bắc Xuân. Bị ngăn cách bởi nhiều đồi dốc và suối ngầm, các đập tràn tạm bợ, việc đi lại của người dân ở đây không hề đơn giản. Chỉ cần một trận mưa rất nhỏ, những con đường đất ở đây đã trở nên lầy lội, trơn trượt đến đáng sợ.

xay dung ntm o vung thuong ky anh xa duoi 6 tieu chi kho du be

Đường xuống cấp ở xã Kỳ Tây

Cho đến lúc này, câu chuyện về cơ sở hạ tầng tại 2 xã Kỳ Tây và Kỳ Hợp đang được xem là nỗi trăn trở lớn nhất đối với mỗi cán bộ và người dân. Trong quá trình xây dựng NTM, theo Quyết định 73 trước đây của UBND tỉnh, đây là những địa phương đều đã đạt trên 9 tiêu chí. Tuy nhiên, với những yêu cầu cao của Bộ tiêu chí mới theo Quyết định 05, sau rà soát vào cuối tháng 2 vừa qua, Kỳ Hợp chỉ còn cơ bản đạt 5 tiêu chí; Kỳ Tây cũng mới chỉ tiệm cận sang tiêu chí thứ 6.

Ông Phan Văn Duẩn - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp chia sẻ, trăn trở còn rất nhiều, đặc biệt là với những tiêu chí liên quan đến hạ tầng, cần nhiều nguồn lực đầu tư lớn. Bởi những địa phương vùng thượng vốn thiếu về nguồn lực, yếu về xuất phát điểm, việc đỡ đầu tài trợ gần như không ăn thua, thu ngân sách mỗi năm chưa đầy 600 triệu đồng… muốn phát huy nội lực quả thực còn nhiều điều đáng phải bàn.

Đến lực cản trong phát triển kinh tế

Hàng chục năm qua, người dân xóm Tây Xuân (Kỳ Tây) đều sản xuất, gieo trồng trên cánh đồng Ông Nậy này mà chưa một lần biết đến hệ thống mương máng, thủy lợi… Mỗi năm chỉ độc một vụ lúa. Nước thì trông chờ… ông trời. Năng suất tầm 1,3 tạ/sào, đủ ăn đã khó, nói gì đến chuyện bán mua.

xay dung ntm o vung thuong ky anh xa duoi 6 tieu chi kho du be

Những cánh đồng không hệ thống thùy lợi tại xã Kỳ Tây

80 tuổi, bao năm gắn bó với ruộng đồng, dẫn chúng tôi qua những trụt khe khô cằn đầu mùa hạ, bà Doãn Thị Nhung (thôn Tây Xuân) kể: “Đó, các cô nhìn mà xem. Chỗ mô cũng cằn cỗi. Bò kiếm được cỏ ăn còn khó, nói chi đến cây lúa mà trổ đòng được trong cái nắng ni. Toàn đất trắng cả, muốn mần chi cũng khó…”.

Chừng 3 năm trước, Kỳ Hợp được xem là địa phương “4 không”: Không dịch vụ, không hợp tác xã, không mô hình lớn, không liên kết tiêu thụ. Giờ đây, ít nhiều đã đổi thay. Thế nhưng, lực cản cho sự phát triển này còn rất nhiều. Ông Nguyễn Giang Nam - Bí thư Chi bộ thôn Tân Cầu cho rằng: “Cái cần bây giờ là có một mô hình thực sự đủ mạnh để bà con nhìn vào. Ở đây cũng đã từng nhường đất cho công ty cao su, đã từng liên kết với nhà máy Ve-đan… nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi đổ vỡ cả… Vì thế, muốn gây dựng lại cũng khó, phải có niềm tin và tư duy đột phá, cò con thì khó lắm…”.

Năm 2015, được sự vận động của xã, anh Phan Văn Công và 7 anh em xã viên khác đã hùn vốn thành lập HTX dịch vụ tổng hợp đầu tiên ở Kỳ Hợp với ngành nghề chủ yếu là dịch vụ phân bón, cây giống, chăn nuôi… Anh Công cũng đã mạnh dạn khâu nối với doanh nghiệp làm đầu mối bao tiêu đầu ra về ngô sinh khối cho bà con trong xã. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, sự liên kết này đổ vỡ. Không phương tiện vận chuyển, khó gom hàng trong điều kiện giao thông khó khăn, thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm tổ chức, thiếu luôn cả phương pháp cạnh tranh với bên ngoài theo cơ chế làm ăn thời mở cửa. Người dân quay lại “mạnh ai người nấy làm”. Chưa đầy 1 năm hoạt động, HTX đành dừng hẳn và đi vào quên lãng.

Thực tế, trong nhiều năm qua, nhằm nỗ lực rút dần khoảng cách các vùng miền, đặc biệt là những xã miền thượng, huyện Kỳ Anh đã chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng mô hình gắn với kinh tế rừng, ưu tiên nhiều hướng đi mới, đặc biệt là ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng Nông nghiệp - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM huyện Kỳ Anh: “Cơ sở hạ tầng thiếu đã làm cho các điều kiện dân sinh và phát triển sản xuất càng khó khăn. Doanh nghiệp chưa có, HTX hoạt động cầm chừng, thiếu bền vững, thiếu những mô hình lớn nhằm tạo sự đột phá và làm đầu kéo cho nhiều lĩnh vực khác. Trong điều kiện này, muốn thu hút đầu tư, xem ra còn là cả một câu chuyện dài…”.

Xây dựng NTM, mục tiêu cuối cùng là hướng đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Và việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng được xem là bước đệm căn bản để tạo điều kiện và mở lối cho quá trình phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập. Với các xã vùng thượng của huyện Kỳ Anh, điều này càng cần thiết hơn bao giờ hết. Trong điều kiện khối lượng công việc nhiều, nguồn kinh phí hạn hẹp, sau rà soát, số tiêu chí bị tụt lại càng nhiều. Để tạo bước bứt phá, Kỳ Anh rất cần sự tiếp sức và những “cú hích” mạnh về cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.