Xóa bỏ hôn nhân cận huyết - người Chứt Hà Tĩnh sang trang mới

(Baohatinh.vn) - Sau 5 năm triển khai Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cuộc sống của người Chứt đã sang trang mới. Họ đang dần thay đổi những tập tục lạc hậu, đặc biệt là hôn nhân cận huyết.

Xóa bỏ hôn nhân cận huyết - người Chứt Hà Tĩnh sang trang mới

Sự quan tâm của bộ đội biên phòng đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con dân tộc Chứt (Ảnh: Tiến Dũng)

Từ năm 2015 đến nay, 8 đám cưới có dâu, rể ngoài bản Rào Tre đã góp phần chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết của người Chứt ở nơi này. Kết quả đó minh chứng cho sự bền bỉ, kiên trì của bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu đã hằn sâu trong cuộc sống của đồng bào.

Trung tá Dương Thanh Tịnh - Tổ công tác bộ đội biên phòng ở bản Rào Tre cho biết: “Vận động bà con xóa bỏ tập tục này là cả một quá trình. Bởi, với bộ tộc sống giữa rừng già, việc giao lưu, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc khác bên ngoài còn hạn chế nên tình trạng con chị lấy con em, con dì lấy con cậu vốn dĩ rất bình thường”.

Tập tục cưới hỏi của các cặp vợ chồng cũng rất đơn giản. Khi chàng trai “ưng” cô gái nào trong bản thì chỉ cần lên rừng chặt một bó củi vác về đặt trước cổng nhà gái. Nếu đồng ý, gia đình nhà gái vác bó củi vào đốt lửa, rồi ngay tối đó, chàng trai khăn gói quần áo sang nhà cô gái ở cho hết thời hạn quy định thì cả hai dắt nhau về nhà chồng, dựng nhà cửa rồi sống với nhau. Vì thế, những đứa trẻ sinh ra từ cái vòng luẩn quẩn của hôn nhân cận huyết ấy đều chậm lớn và mang trong mình những mầm mống bệnh tật.

Xóa bỏ hôn nhân cận huyết - người Chứt Hà Tĩnh sang trang mới

Thế hệ tiếp nối của dân tộc Chứt đã mạnh khỏe hơn nhờ chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết

Chính vì thế, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền vận động, bộ đội biên phòng đã phải lặn lội vào tận Quảng Bình, đi tìm hiểu các địa bàn xung quanh để đặt vấn đề mai mối.

Với sự đồng hành của đoàn thanh niên, nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt và thanh niên người Kinh, thanh niên dân tộc Chứt ở Quảng Bình cũng đã được tổ chức tạo điều kiện cho thanh niên nam nữ làm quen, hẹn hò, tìm hiểu.

Cùng với đó, nhiều chính sách khuyến khích người dân tộc khác kết hôn cùng người Chứt như: Hỗ trợ 30 triệu đồng, được cấp đất làm nhà, được tổ chức đám cưới và quà tặng … cũng là động lực để những mối tình ngoại bản đơm hoa kết trái. Nhờ thế, đến nay đã có 8 cặp đôi kết hôn với người ngoài bản đang có cuộc sống hạnh phúc ngay dưới chân núi Giăng Màn.

Những ngày cuối năm đến với bản Rào Tre, chúng tôi dường như được vui lây với niềm vui của đồng bào dân tộc Chứt bởi sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể trong các chuyến thăm hỏi, cùng tham gia tổ chức các lễ hội truyền thống của bà con. Sự đổi thay trong cuộc sống của người dân, thể hiện ngay từng nếp nghĩ, trong những ngôi nhà, đặc biệt là 11 căn nhà sàn nằm ngay trên tuyến đường sang Quảng Bình của bản Rào Tre mới là nơi định cư của những cặp vợ chồng trẻ.

Trong ngôi nhà mới, Hồ Thị Đình Xuân – cặp đôi có chồng Kinh vợ Chứt đã được bộ đội biên phòng đứng ra tổ chức đám cưới vào năm 2015 không giấu được niềm vui: “Vợ chồng em cùng với 10 hộ khác về nhận nhà tại bản mới này đã được gần năm nay rồi. Khi cưới, chúng em được hỗ trợ 30 triệu đồng làm vốn để làm ăn, nay lại được nhà nước xây tặng một ngôi nhà khang trang để ở. Chúng em vui và biết ơn nhà nước lắm”.

Xóa bỏ hôn nhân cận huyết - người Chứt Hà Tĩnh sang trang mới

Màu xanh của những mầm cây bên những ngôi nhà sàn tại bản mới

Không chỉ gia đình Xuân mà hầu hết các gia đình trẻ ở bản mới hôm nay đã từng bước đổi đời. Chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước đã đi vào cuộc sống. Bí thư Chi bộ Hồ Thị Kiên cho biết: “Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước cho bà con như các chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, chuyện làm ăn… được tôi lồng ghép trong những buổi nói chuyện thân mật ngay dưới chân nhà sàn, hay những buổi sinh hoạt tập thể.

Từ việc đi đầu làm gương, đến nay, chị em trong bản, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ đã có ý thức hơn trong việc sinh đẻ có kế hoạch để nuôi con mạnh khỏe, động viên con em trong độ tuổi đi học. Họ cũng đã chủ động đi làm ăn xa để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Nhờ thế trong những căn nhà khang trang đã có thêm những vật dụng hiện đại như: ti vi, giàn nhạc để giải trí, bếp ga để nấu ăn…

Bản Rào Tre hiện đã có 42 hộ với 150 nhân khẩu. Kể từ năm 2015 đến nay, tình trạng hôn nhân cận huyết của người Chứt đã chấm dứt. Năm nay bản có thêm 3 nhân khẩu được sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân ngoài huyết thống. Dẫu vậy, đến thời điểm hiện tại, bản Rào Tre vẫn còn 15 nam, 2 nữ đến tuổi lập gia đình. Giải pháp để ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn đang được bộ đội biên phòng thực hiện bằng việc vận động thanh niên đi làm ăn xa.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.