Ngày 12/10, thôn Phú Long, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phát hiện 1 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Bệnh nhân V.T.N nhiễm COVID-19 do tiếp xúc với hàng xóm là người đi từ vùng dịch về được cách ly tại nhà từ ngày 7/10/2021.
Cán bộ y, bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh “trắng đêm” 12/10 lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Phú Long sau khi có ca cộng đồng. Ảnh: Vũ Viễn.
Trước đó, anh L.K.A.T (xã Cẩm Lộc) đưa bố đi điều trị ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) về địa phương ngày 28/9 và được hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, thế nhưng đã tự ý đi chơi, ăn uống tại quán hàng cùng bạn. Ngày 1/10, L.K.A.T có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với virus SARS-CoV-2 và người bạn tiếp xúc gần là anh T.Q.V (SN 1999, ở thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) cũng đã có kết quả dương tính.
Lực lượng chức năng lập chốt phong tỏa thôn Minh Lộc, xã Cẩm Lộc sau khi có ca dịch cộng đồng vào ngày 1/10. Ảnh: Phúc Quang
Mặc dù các ca bệnh cộng đồng đã phát sinh do sự thiếu ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch, thế nhưng nhiều công dân khác vẫn cố tình vi phạm các quy định cách ly tại nhà. Trở về từ vùng dịch phức tạp, được hướng dẫn và đã cam kết thực hiện cách ly tại nhà nhưng có những người vẫn tự ý rời nhà đi đến các địa bàn khác, tiếp xúc với nhiều người ngoài cộng đồng.
Mới đây, ngày 13/10, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc ký quyết định phạt N.Đ.N. từ tỉnh Bình Dương về cách ly tại nhà ở xã Khánh Vĩnh Yên, nhưng lại đi chơi với bạn ở thị trấn Nghèn.
Quyết định xử phạt của UBND huyện Can Lộc đối với công dân N.Đ.N. Ảnh: Đ.V
Thực tế nêu trên cho thấy, ý thức phòng, chống dịch của một bộ phận người dân vẫn chưa cao; sự thiếu cảnh giác, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn. Không ít người vẫn chưa ý thức rõ dịch bệnh chưa chấm dứt, nguồn lây vẫn có ở khắp nơi, chỉ cần một chút sơ sểnh, chủ quan, mọi thành quả chắt chiu rất cực khổ, khó khăn của nhiều người, nhiều cấp, ngành, cơ quan, tổ chức trong hằng tháng trời có thể bị “đổ sông, đổ biển”.
Hà Tĩnh đã tổ chức 1 chuyến tàu, 7 chuyến bay đón hơn 2.200 công dân thuộc các đối tượng ưu tiên về quê. Ngoài ra, số lượng công dân tự về trên địa bàn cũng lên tới hơn 21 ngàn người. Hiện toàn tỉnh còn có gần 1.900 người đang được theo dõi, điều trị tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, huyện, xã; 11.705 trường hợp người đang được cách ly tại nhà.
Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm công dân từ các tỉnh miền Nam về Hà Tĩnh, phần lớn trong số đó được cách ly tại nhà. Ảnh: Công dân xã Kỳ Phong về cách ly tại nhà. Ảnh: Vũ Viễn.
Bên cạnh đó, hiện nay, mỗi ngày vẫn còn hàng trăm công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về trên địa bàn. Nguy cơ dịch phát sinh, lây lan trong cộng đồng là rất lớn nếu mỗi người, mỗi địa bàn không thực sự nâng cao ý thức phòng, chống dịch, trong đó có việc cách ly tại nhà.
Trên cơ sở những kết quả trong phòng, chống dịch, Hà Tĩnh đã sớm trở lại trạng thái bình thường đối với một số hoạt động kinh tế, xã hội. Ngoài những dịch vụ thiết yếu trước đó, hơn 1 tháng nay, các dịch vụ khác như: nhà hàng, quán ăn, cắt tóc, gội đầu, phòng tập thể thao trong nhà…đã trở lại hoạt động trở lại. Đây thực sự là thành quả sau nhiều tháng ngày nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân.
Khó có thể diễn tả hết niềm vui của người dân khi cuộc sống đang được “hồi sinh”, trẻ em được đến trường, phố xá nhộn nhịp, chợ búa, nhà hàng được mở cửa trở lại... Tuy nhiên, nguy cơ dịch luôn thường trực nếu như người dân tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội mà không nghiêm túc thực hiện giải pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.
Từ ngày 12/9/2021, UBND tỉnh đã cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng tay/móng chân, cơ sở thẩm mỹ/spa. Ảnh: Ngọc Loan.
Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỉ lệ mắc. Đây là cơ sở để nhiều quốc gia trên thế giới chuyển hướng chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.
Ở nước ta, sau khi các vùng dịch lớn đang từng bước được kiểm soát, trạng thái bình thường mới cũng đang đang từng bước được thiết lập.
Vượt qua “bão dịch”, doanh nghiệp may mặc ở Hà Tĩnh có nhiều khởi sắc trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Ngọc Loan
Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.
Trạng thái bình thường mới đang được thiết lập dựa trên nền tảng thành quả cuộc chiến chống dịch của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong suốt chuỗi ngày nỗ lực vừa qua. Sự chuyển hướng này để đi đến thành công, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì sự quyết tâm, đồng lòng, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tuân thủ các giải pháp phòng, chống dịch có vai trò quyết định.
Nhà máy Nhiệt điện 1 Vũng Áng thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm sản xuất, kinh doanh an toàn
Sự vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó cốt lõi là ý thức tuân thủ các giải pháp phòng dịch của mỗi người dân chính là bức tường thành để ngăn dịch khi nhịp sống đang dần trở lại bình thường, góp phần cùng cả hệ thống chính trị phòng chống dịch hiệu quả gắn với phát triển KT-XH trong tình hình mới.