Tu sửa vật chất hay “tu sửa” tinh thần?

(Baohatinh.vn) - Vừa đi họp phụ huynh cho đứa con học tiểu học về, chị Hiển tru tréo:

- Cái bọn ăn gian, làm dối. Vừa sửa năm trước xong, mới nghỉ học có 3 tháng hè đã hỏng… Thế là đi toi gần triệu bạc!

Dường như chưa hết bực tức, chị kéo tôi vào nỗi ấm ức của mình:

- “Đến hẹn lại lên”, cứ sau 3 tháng nghỉ hè, là trường lại phải… tu sửa lại cơ sở vật chất!

Tu sửa vật chất hay “tu sửa” tinh thần? ảnh 1

Minh họa từ internet

Thế là phải đóng nộp. Năm nào cũng như năm nào, cái khoản “tu sửa cơ sở vật chất” đầu năm học là “cấm có thoát”. Mấy lần định “chất vấn” nhà trường: xem lại tư cách của mấy tay thợ xây, sửa gì mà mau hỏng thế, nhưng nhìn đi, nhìn lại, thấy mặt bác phụ huynh nào cũng bi bí, không có ai đứng lên hỏi “cho ra nhẽ” cả, nên mình cũng… ngại.

Nghe chị kể, tôi định giải thích cho chị là: tu sửa cơ sở vật chất ở trường học, nó bao gồm rất nhiều thứ: bảng, bàn, ghế, quạt, thậm chí là máy vi tính, máy điều hòa… chứ không chỉ là cái chuyện thay ngói vỡ, trát lại tường, sửa lại kèo… như chị nói.

Nhưng, tôi chợt giật mình, nhớ lại câu chuyện của bạn tôi (một doanh nhân) kể: đi họp phụ huynh cho con vừa vào lớp đầu cấp, các bố mẹ được tận tình đưa đến một phòng học… không quạt, không ghế, không đèn, không bảng… Thế là kéo nhau “xông” vào cụm từ “xã hội hóa giáo dục”, mỗi phụ huynh “tự nguyện” đóng thêm 3 triệu đồng để… tu sửa cơ sở vật chất(thực ra là mua mới, trong đó, có cả máy điều hòa nhiệt độ), cho con em mình được học hành đến nơi, đến chốn!

Câu chuyện của chị Hiển so với câu chuyện của bạn tôi thì “chưa là cái đinh gì”, nhưng tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh của chị, đồng lương tháng bèo bọt của hai vợ chồng chị chỉ vỏn vẹn hơn 10 triệu bạc. Đầu năm học, đóng đậu cho 2 đứa con hết gần 7 triệu. Còn dư trên 3 triệu để nuôi cả 4 miệng ăn, rồi sách vở cho con, xăng xe đi làm, rồi hiếu hỉ, tiền điện, tiền gas, điện thoại, tiền thuốc thang cho ông bà đau ốm liên miên…

Có lẽ, trước khi tu sửa cơ sở vật chất cho trường học, cần phải “tu sửa” lại tinh thần. Khi tinh thần: dám nói; minh bạch, công khai, quản lý phải có tâm, có tầm… được vực dậy, thì nỗi buồn “lạm thu” sẽ không còn cơ hội: “đến hẹn lại lên”!

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast