Cần chấn chỉnh tình trạng khai thác keo tràm đồng loạt trên diện rộng

(Baohatinh.vn) - Khai thác keo tràm đồng loạt trên diện rộng như một số địa phương ở Hà Tĩnh trong thời gian qua là không nên bởi sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu trên các cánh rừng trồng.

Quan sát của phóng viên cho thấy, nhiều đồi rừng nguyên liệu tại các xã Hương Vĩnh, Hương Lâm, Hương Liên... (huyện Hương Khê), nhất là khu vực giáp ranh giữa 3 xã này nằm ven đường tỉnh 553 (đường vào Đồn Biên phòng Bản Giàng) đã và đang được khai thác trên diện rộng. Theo phản ánh của người dân, do keo tràm năm 2023 giá thấp nên bà con không bán; từ đầu năm 2024 đến nay, giá “ấm” dần nên đồng loạt cắt bán để các tránh rủi ro, rớt giá.

DSC_3723.JPG
Giá keo tràm nguyên liệu cao hơn những năm trước nên người trồng rừng ở Hà Tĩnh đang khai thác đồng loạt.

Vì khai thác đồng loạt, gấp rút trong thời gian ngắn đã dẫn đến nhiều cánh rừng đang trùng điệp màu xanh ở huyện miền núi này bị tác động lớn, cắt trụi. Trong lúc chờ sản xuất chu kỳ mới (bỏ trống đất khoảng 3 - 4 tháng để dọn dẹp thực bì, chuẩn bị trồng mới và khoảng 2 năm để cây khép tán) sẽ gây mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và tăng nguy cơ sạt lở đất đá...

Anh Nguyễn Văn Ng. ở thôn Trại Tuần, xã Hương Vĩnh (Hương Khê) cho biết: “7ha rừng của gia đình tôi đã trồng 6 năm, nay đến chu kỳ khai thác và đang được giá nên cắt bán để có tiền trang trải cuộc sống. Do trồng cùng thời điểm nên nhiều hộ xung quanh cũng đồng loạt cắt bán. Ở đây, mọi người mới chỉ nghĩ đến trữ lượng, số tiền bán được chứ chưa mấy ai quan tâm đến môi trường, nước ngầm, sạt lở...”.

DSC_3761.JPG
Khai thác keo tràm đồng loạt khiến những ngọn đồi ở xã Hương Vĩnh (Hương Khê) trơ trọi.

Điều dễ nhận thấy, tình trạng khai thác keo tràm đồng loạt cũng đang diễn ra tại một số vùng quy hoạch trồng rừng nguyên liệu của các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên..., nhất là ở những vùng giáp ranh, các cánh rừng nằm ở vùng sâu, vùng xa.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, môi trường, tình trạng khai thác rừng trồng keo nguyên liệu như trên sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu. Việc khai thác tự do, thiếu quy hoạch, thiếu tính toán hợp lý sẽ dẫn đến biến động độ che phủ rừng, biến dạng đồi núi, xói mòn đất đai, tụt mạch nước ngầm, phá vỡ hệ sinh thái rừng...

DSC_3767.JPG
Cảnh núi đồi sau khi các hộ thu hoạch keo, tràm ở Hương Lâm (Hương Khê).

Những con đường vận chuyển keo tràm từ chân đồi lên đến đỉnh cũng vô tình trở thành rãnh thoát nước, gây xói mòn, làm tăng nguy cơ sạt lở đất đá. Ngoài ra, khai thác quy mô lớn sẽ dẫn đến áp lực về xử lý môi trường vì vỏ cây, cành lá, gốc rễ nhiều, không thu gom kịp thời, đốt thực bì trên diện rộng dễ gây ô nhiễm và cháy rừng...

DSC_3731.JPG
Khu vực giáp ranh giữa xã Hương Liên với Hương Lâm cũng trong tình trạng khai thác đồng loạt.

Việc khai thác rừng trồng tự do, tự phát như hiện nay cũng đang vi phạm các quy trình, quy định hiện hành. Theo Điều 11 của Thông tư số 26 ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và Thông tư số 22 ngày 15/12/2023 của Bộ NN&PTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp yêu cầu: Khi khai thác gỗ rừng trồng thì các tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư phải xây dựng hồ sơ (phương án khai thác, các quyết định liên quan đến thực hiện các biện pháp lâm sinh...) gửi kiểm lâm cấp huyện kiểm tra, phê duyệt, cho phép.

Tuy nhiên, trên thực tế, quy định trong các văn bản trên đã không được tuân thủ nghiêm túc. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân khai thác tùy tiện, tự phát, gây hậu quả xấu cho môi trường mỗi khi rừng trồng đến chu kỳ khai thác.

DSC_6591.JPG
Những con đường vận xuất này vô tình sẽ trở thành rãnh thoát nước, gây xói mòn, làm tăng nguy cơ sạt lở đất đá (ảnh giáp ranh giữa 2 huyện Hương Sơn và Vũ Quang)

Hà Tĩnh hiện có 88.000 ha rừng sản xuất trồng keo nguyên liệu, mỗi năm cho sản lượng gỗ khai thác khoảng 490.000m3, giá trị sản xuất khoảng 800 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Vì cây keo tràm vừa có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, đời sống của người dân miền núi, vừa có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường nên khi khai thác cần phải đảm bảo đúng quy trình, quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường...

Đề nghị chính quyền các cấp và lực lượng chức năng vào cuộc để chấn chỉnh, hạn chế tình trạng khai thác tự phát, đồng loạt. Đặc biệt, cần tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân trong hoạt động khai thác; quản lý, giám sát chặt chẽ hồ sơ, thủ tục, quy trình cấp phép khai thác để điều tiết quy mô phù hợp; nghiên cứu để trồng cuốn chiếu, trồng hỗn giao (trồng keo xen với các loại cây khác nhưng không giống nhau về chu kỳ khai thác)...

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.