Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê (Hà Tĩnh) đang có dấu hiệu “nóng” trở lại. Trước tình hình đó, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng đang tập trung vào cuộc để chấn chỉnh.

Rừng bị xâm hại

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nói về thực trạng khai thác gỗ trái phép

Những năm qua, các cấp, ngành và lực lượng chức năng huyện Hương Khê đã tập trung triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn đã xảy ra tình trạng người dân lén lút vào rừng chặt gỗ, vận chuyển ra khỏi bìa rừng.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Do rừng tự nhiên nằm giáp ranh, xen lẫn với rừng sản xuất (trồng keo) nên rất dễ bị xâm hại.

Mới nhất là vào ngày 10/4, Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê phát hiện tại khoảnh 2, Tiểu khu 233 (xã Phú Gia) có 2 lóng gỗ tròn (thuộc nhóm 5 - nhóm 8) có đường kính khoảng 30cm đang được tập kết để đưa ra khỏi rừng. Đây là khu vực rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã giao cho gia đình ông Ngô Văn Sơn ở thôn Phú Lâm, xã Phú Gia.

Trước đó, ngày 2/3, Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê đã kiểm tra phát hiện, thu giữ 12 lóng gỗ tròn (nhóm 5 - nhóm 8) cất giữ trái phép tại rừng keo khu vực Trại Tuần, thuộc Tiểu khu 236B, xã Hương Vĩnh. Đây là vùng rừng tự nhiên là rừng sản xuất được giao cho các hộ: Thái Bá Sơn, Phan Việt Hoàng và Phan Văn Hoan, cùng ở thôn Trại Tuần, xã Hương Vĩnh.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

12 lóng gỗ tròn (nhóm 5 - nhóm 8) cất giữ trái phép tại rừng keo khu vực Trại Tuần, thuộc Tiểu khu 236B bị thu giữ.

Dù âm thầm nhưng rõ ràng, tình trạng khai thác gỗ trái phép đang xảy ra. Theo chân lực lượng liên ngành huyện Hương Khê, chúng tôi có dịp “mục sở thị” những gì đang xảy ra trong những cánh rừng bạt ngàn.

Tiểu khu 236B, xã Hương Vĩnh (quy hoạch rừng sản xuất) được coi là “điểm nóng”, liên quan đến 12 khúc gỗ khai thác trái phép, phát hiện vào ngày 2/3. Bắt đầu từ đường Hương Vĩnh - Bản Giàng (khu vực khe Cù Lây - thôn Trại Tuần, xã Hương Vĩnh), chúng tôi rẽ vào rừng. Vượt qua con khe, bắt đầu vào cửa rừng là tuyến đường độc đạo với vệt lằn sâu dưới mặt đất, kéo thành rãnh dài hướng lên phía đỉnh rừng – dấu vết lâm tặc để lại khi dùng trâu kéo gỗ di chuyển từ trong rừng ra.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Hiện trạng cung đường vận chuyển gỗ ở thôn Tại Tuần, xã Hương Vĩnh.

Hết con đường có rãnh trâu kéo dài khoảng gần 4km là vào vùng rừng tự nhiên. Tại đây, đoàn chia nhau thành từng tốp kiểm tra các khoảnh rừng theo hình thức cuốn chiếu. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, đoàn phát hiện có tổng cộng hơn 20 gốc cây bị chặt, đường kính khoảng 20cm - 35cm. Đáng nói là, các gốc chặt đều có đánh dấu kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê (đề ngày 28/2/2022).

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Đoàn kiểm tra đo đếm hiện trạng các gốc cây đã bị chặt hạ trái phép tại Tiểu khu 236B, xã Hương Vĩnh.

Ông Nguyễn Quang Hào – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê cho biết: Thời điểm đó (28/2/2022), chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt vào kiểm tra, kiểm đếm rừng. Đơn vị đã phát hiện, đánh dấu toàn bộ 24 gốc cây bị chặt trong khu vực rừng này trên diện tích khoảng 12ha. Qua xem xét dấu vết tại gốc, có thể xác định 17 gốc cây bị chặt trước thời điểm kiểm tra khoảng 1 - 3 tháng, 7 gốc bị chặt trước thời điểm kiểm tra khoảng trên 12 tháng.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Đoàn công tác của UBND huyện Hương Khê kiểm tra rừng tại Tiểu khu 233, xã Phú Gia.

Đoàn tiếp tục “thị sát” điểm nóng thứ 2 - Tiểu khu 233 (xã Phú Gia), nơi phát hiện 2 gốc cây bị chặt ngày 12/4. Tại đây, phát hiện có 3 gốc cây bị chặt, đường kính gốc khoảng 25cm - 30cm. Theo dấu vết tại gốc xác định, có 2 cây bị chặt trước thời điểm kiểm tra khoảng 15 ngày đến 30 ngày, 1 cây bị chặt trước thời điểm kiểm tra khoảng trên 12 tháng.

Cuộc chiến còn lắm gian nan

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ đang kiểm tra vị trí hiện trường vụ chặt phá rừng tự nhiên ở xã Phú Gia (ngày 19/4).

Theo ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê: Công tác bảo vệ rừng là việc làm thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. Đặc biệt, trong thời điểm tình hình diễn biến phức tạp vừa rồi, huyện và các ngành chức năng đã có đến 8 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và hàng chục cuộc làm việc, tuần tra, kiểm tra tận gốc nhằm rà soát, đánh giá lại hiện trạng. Đặc biệt, trong các ngày 19 và 21/4, Đoàn công tác của UBND huyện và các ngành chức năng đã tiến hành tổng kiểm tra các khu vực được cho là nhạy cảm nhất, có dấu hiệu khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Một gốc cây đã bị chặt hạ tại Tiểu khu 236B, xã Hương Vĩnh.

“Qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn có xảy ra tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép, nhất là ở 2 xã Hương Vĩnh và Phú Gia. Nếu không có phương án, kế hoạch vào cuộc ngăn chặn đồng bộ, tích cực, hiệu quả thì rừng sẽ tiếp tục bị xâm hại. UBND huyện đang chỉ đạo kiểm tra kỹ, làm rõ động cơ và mục đích để xử lý nghiêm theo quy định” – ông Phan Kỳ nói.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Hương Khê có 21.056 ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất và đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân 4.921 ha.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê Nguyễn Quang Hào cho biết: Trong tổng số hơn 68.500 ha rừng tự nhiên của huyện Hương Khê có 21.056 ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất, trong đó đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân 4.921 ha. Đây là đối tượng rừng nhạy cảm, dễ bị xâm hại. Hạt Kiểm lâm huyện và các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra kiểm soát, thành lập các chốt, trạm gác rừng ở những điểm nhạy cảm nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng. Gần 4 tháng qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 12 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, phạt tiền 13.500.000 đồng, tịch thu 8,8 m3 gỗ, 3 xe lôi và 3 cưa xăng...

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Lãnh đạo huyện Hương Khê và lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát hiện trạng rừng tại Tiểu khu 233 (xã Phú Gia)

“Liên quan đến số gỗ được phát hiện ở xã Phú Gia (ngày 10/4) và xã Hương Vĩnh (ngày 2/3), Hạt Kiểm lâm Hương Khê đã phối hợp điều tra, xác minh, làm rõ các đối tượng khai thác gỗ trái phép. Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định” – ông Nguyễn Quang Hào thông tin.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Lực lượng kiểm lâm kiểm đếm các gốc cây đã bị khai thác trái phép vào ngày 19/4.

Trong công tác bảo vệ rừng, huyện Hương Khê đã chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, việc khai thác gỗ trái phép, xâm hại rừng vẫn còn xảy ra. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là trách nhiệm của các lực lượng chức năng, chủ rừng tự nhiên là rừng sản xuất (đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân) chưa cao và nhận thức của người dân còn hạn chế.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Các cây gỗ lớn trong các vùng rừng được giao cho các hộ dân bảo vệ, tái sinh đang có nguy cơ bị xâm hại.

Chủ tịch UBND xã Phú Gia Nguyễn Văn Nhân chia sẻ: Địa phương có hơn 1.200 ha rừng sản xuất giao cho các hộ dân, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 1/4. Diện tích rừng lớn, trong khi xã không có lực lượng chuyên trách nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Còn theo ông Trần Văn Thị - Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh: “Việc khai thác gỗ rừng trái phép trên địa bàn thời gian qua là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Bà con chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt chứ chưa nghĩ nhiều đến bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và các giá trị khác lớn hơn”.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh Trần Văn Thị trao đổi với phóng viên.

Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Tại cuộc họp “khẩn” sau chuyến kiểm tra rừng ngày 19/4, ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê khẳng định: Để xẩy ra tình trạng nêu trên, trước hết là do công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp tại 2 xã Phú Gia, Hương Vĩnh yếu kém; tiếp đến là BQL Rừng phòng hộ Hương Khê chưa thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng Nhà nước được giao rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; công tác tham mưu của Hạt Kiểm lâm huyện về quản lý, bảo vệ rừng chưa sâu sát, kịp thời.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê giải trình về vai trò, trách nhiệm của đơn vị trong cuộc họp “khẩn” do ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì vào chiều 19/4.

Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cơ quan chức năng như: Đồn Biên phòng Phú Gia, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Công an huyện, các phòng, ngành liên quan chưa tốt. Điển hình như tuyến đường độc đạo vào Tiểu khu 236B, xã Hương Vĩnh có vệt lằn sâu dưới mặt đất cho thấy, việc vận chuyển gỗ khai thác trái phép đã diễn ra từ lâu nhưng không có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát. Đó là chưa nói, các trạm, chốt của các lực lượng ở cửa rừng vẫn để lọt gỗ ra khỏi rừng.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hương Khê

Tuyến đường độc đạo vào Tiểu khu 236B, xã Hương Vĩnh chưa được các đơn vị, địa phương liên quan kiểm soát tốt.

“Sau đợt tổng kiểm tra này, tất cả các nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm túc, kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các xã, thị trấn, chủ rừng phải vào cuộc quyết liệt ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng tự nhiên. Lực lượng kiểm lâm phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được giao, phối hợp chặt chẽ với địa phương, công an, biên phòng... trong việc giữ rừng. Đặc biệt, các vụ việc vi phạm đã phát hiện cần kịp thời củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm, thậm chí có thể xem xét khởi tố; các hộ được giao rừng mà bảo vệ rừng không tốt thì có thể xem xét thu hồi rừng và đất lâm nghiệp để giao cho các tổ chức, cá nhân có năng lực tốt hơn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nhấn mạnh.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.