Gian nan thực hiện tiêu chí môi trường ở Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Thực tế cho thấy, việc thực hiện tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) là một trong những nội dung khó khăn nhất trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Vũ Quang. Để sớm hoàn thành tiêu chí này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nỗ lực vào cuộc nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo lộ trình, xã Đức Bồng sẽ về đích vào năm 2017. Hiện nay, tiêu chí về môi trường vẫn là một trong những vấn đề đáng lo nhất. Do trung tâm thương mại chợ Bộng đóng trên địa bàn nên xã luôn đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng. Mặc dù địa phương đã thành lập HTX dịch vụ môi trường nhưng do chưa có bãi xử lý rác nên phải thu gom tập trung ngay bên bờ sông Ngàn Sâu, sau đó, xử lý thủ công.

Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của một số hộ dân gần khu vực chợ chưa cao, vứt rác bừa bãi. Mặc dù xã đã quy hoạch bãi xử lý rác thải, tuy nhiên, do chưa có kinh phí đầu tư xây dựng, việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên chưa thể tập trung toàn bộ rác thải vào khu vực này.

Gian nan thực hiện tiêu chí môi trường ở Vũ Quang ảnh 1

Người dân sống gần khu vực chợ Bộng (xã Đức Bồng) vứt bừa bãi trên tuyến đê Lỗ Lò, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng đến mỹ quan.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Sơn cho biết: “Xã đã xây dựng kế hoạch, giao các thôn tự triển khai thực hiện, mỗi thôn sẽ được đầu tư xây dựng 1 lò xử lý rác mi ni, trị giá 4 khoảng triệu đồng để người dân tự xử lý tại lò. Đối với khu vực chợ Bộng, UBND xã tiếp tục giao HTX quản lý và thực hiện công tác vệ sinh môi trường, không cho người dân vứt rác bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan...”.

Đức Liên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện tiêu chí 17. Do địa hình thấp trũng, cộng với đó là thói quen sinh hoạt chưa sạch sẽ nên mùa mưa lũ, hệ thống giếng đào bị ngập, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường. Đặc biệt, do địa hình bị chia cắt bởi sông Ngàn Sâu và phong tục tập quán của người dân nên trước đây, toàn xã có 5 điểm an táng người chết theo thôn.

Khi thực hiện chương trình NTM, địa phương này đã quy hoạch và được phê duyệt xây dựng 2 nghĩa trang phục vụ thôn Liên Hòa, Liên Châu ở bên kia sông và 4 thôn bên này. Nhưng để sử dụng được, phải mất hàng chục tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo, san lấp mặt bằng và đường đi vào nghĩa trang. Nguồn kinh phí này vượt quá khả năng của xã Đức Liên. Chưa dừng lại ở đó, mặc dù đã quy hoạch và đóng cửa các nghĩa trang nhỏ, nhưng một bộ phận người dân vẫn tự ý khoanh vùng nghĩa trang gia đình, không chôn cất người chết theo quy hoạch. Việc sử dụng đất tại nghĩa trang còn nặng về phong tục, tập quán, chưa quan tâm đến diện tích cây xanh, các công trình phụ trợ, mỹ quan…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Vũ Quang đang phấn đấu để trở thành huyện NTM vào cuối năm 2020, nhưng hiện tại, mới chỉ có xã Hương Minh đã về đích là hoàn thành tiêu chí môi trường với 5 nội dung cơ bản. Theo nhận định của những người trong cuộc, khó khăn lớn nhất trong thực hiện các nội dung của tiêu chí này là tập quán sinh hoạt của người dân, chưa thực hiện tốt công tác thu gom và xử lý rác thải, thiếu hệ thống mương thoát nước sinh hoạt và chất thải của gia súc, gia cầm; chuồng trại được bố trí trước khu vực nhà ở.

Gian nan thực hiện tiêu chí môi trường ở Vũ Quang ảnh 2

ĐVTN huyện Vũ Quang ra quân dọp dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn Thị trấn Vũ Quang

Chị Nguyễn Thị Thương (thôn Đồn Thượng, Đức Liên) chia sẻ: “Vườn của gia đình rất chật, bề ngang thì hẹp, phía trước là đường trục xã, phía sau là sông Ngàn Sâu. Chúng tôi biết bố trí chuồng trại sát với nhà ở như thế này vừa không hợp lý, vừa mất vệ sinh nhưng chẳng còn cách nào khác. Để giảm thiểu ô nhiễm, nuôi lợn thì tôi đã xây dựng bể biogas, còn trâu, bò thì làm hàng rào bê tông để tránh chất thải chảy tràn sang nhà khác”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quốc Thanh: Các xã đã quy hoạch bãi trung chuyển rác thải gắn liền với xây dựng NTM được UBND huyện phê duyệt nhưng mới chỉ có ở Hương Minh đi vào hoạt động, hiện đang triển khai xây dựng 2 bãi ở Đức Lĩnh và Ân Phú. Để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, các địa phương đã thành lập 7/12 HTX môi trường nhưng hiện chỉ có 2 đơn vị hoạt động hiệu quả, số còn lại do đang xây dựng bãi trung chuyển, tập kết rác nên việc thu gom, xử lý chưa triệt để. Việc xử lý chủ yếu được thực hiện bằng hình thức chôn lấp tại bãi; riêng các xã chưa có bãi xử lý, chính quyền địa phương đang vận động, khuyến khích nhân dân tự xử lý trong vườn hộ để sau khi các bãi trung chuyển xây dựng xong sẽ thu gom, xử lý triệt để...

Để khắc phục tình trạng này, ông Trịnh Văn Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: “Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang vườn hộ, đưa hệ thống chuồng trại chăn nuôi ra phía sau, che chắn cẩn thận và quan tâm xây dựng hệ thống xử lý chất thải, mương thoát nước thải. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương, tổ chức, đoàn thể tiến hành vệ sinh môi trường, xây dựng lò đốt rác mi ni, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; khuyến khích trồng cây xanh dọc trục đường chính; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghĩa trang mới, các bãi xử lý rác trung chuyển đúng quy hoạch”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Thời điểm cuối năm này, các địa phương ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các tiêu chí NTM gắn với chỉnh trang cảnh quan xóm làng đón tết.
Hà Tĩnh sẽ có thêm 2 khu đô thị hơn 3.900 ha

Hà Tĩnh sẽ có thêm 2 khu đô thị hơn 3.900 ha

Khu đô thị Kỳ Nam và Kỳ Ninh sẽ được xây dựng thành những khu vực dân cư đô thị văn minh, hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Showroom VinFast Hà Tĩnh 2 không chỉ là nơi trưng bày và kinh doanh sản phẩm mà còn là cầu nối giữa VinFast với khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.