Trồng cây dược liệu, thu hàng chục triệu

(Baohatinh.vn) - Vừa tất bật làm đất xuống giống lứa mới, vừa tỉ mẩn chăm sóc cho những thửa dược liệu khảo nghiệm lần đầu, bà con xã viên HTX Sản xuất cây dược liệu thôn Yên Khánh (Cẩm Vịnh - Cẩm Xuyên) đang kỳ vọng sẽ có một mùa dược liệu bội thu.

Hướng đi triển vọng

Với hơn 1 sào dược liệu, gia đình chị Nguyễn Thị Lý (xã Cẩm Vịnh – Cẩm Xuyên) đã thu về hàng chục triệu đồng sau 3 lứa thu hoạch. Đó là chưa kể nguồn lợi nhờ tận dụng đất trái vụ để sản xuất rau sạch và khoai tây. Chị hồ hởi: “Trước đây, nhà tôi trồng rau nhưng rất bấp bênh. Nay mọi chuyện đã khác khi dược liệu sản xuất đến đâu, doanh nghiệp (DN) thu mua đến đó nên chúng tôi yên tâm đầu tư”.

trong cay duoc lieu thu hang chuc trieu

Xã viên HTX Sản xuất cây dược liệu thôn Yên Khánh (Cẩm Vịnh - Cẩm Xuyên) làm đất, chuẩn bị xuống giống.

HTX Sản xuất cây dược liệu thôn Yên Khánh là một những HTX ở Cẩm Xuyên liên kết với Công ty CP Dược Hà Tĩnh trồng nguyên liệu, có sự hỗ trợ của dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP). Ông Trần Văn Toàn - Giám đốc HTX cho hay: “70 thành viên sản xuất trên 5 ha, chủ yếu là giống kim tiền thảo và mã đề. HTX cũng đang trồng thử nghiệm diệp hạ châu, trạch tả, cây xương quạt…, nếu thành công sẽ nhân rộng. Trồng dược liệu là hướng đi mới nên ngoài sự cố gắng của bà con, HTX nhận được sự giúp đỡ từ dự án SRDP thông qua tập huấn kỹ thuật, đầu tư hạ tầng tưới tiêu, hỗ trợ giống…; công ty dược thì cử cán bộ thường xuyên bám nắm, tư vấn nên đã thành công”.

Ngoài Cẩm Vịnh, xã Cẩm Phúc cũng liên kết trồng dược liệu với sự tham gia của 1 HTX và 2 tổ hợp tác. Ông Hoàng Kim Thắng - Chủ tịch UBND xã vui mừng: “6,5 ha sản xuất dược liệu trước được xem là vùng “tử địa”, bỏ hoang nhưng nay được thay thế bởi màu xanh của kim tiền thảo và ích mẫu nên người dân rất phấn khởi. Nhìn chung, đây là hướng đi triển vọng, vừa cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành dược, vừa tạo hiệu quả cho kinh tế tập thể trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay”.

Cần chiến lược bền vững

Ông Trần Văn Toàn - Giám đốc HTX Sản xuất cây dược liệu thôn Yên Khánh trăn trở: “Từ khi bắt tay vào sản xuất, HTX chưa thành công trong gieo hạt mà phải mua giống cây ở miền Bắc. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, các bên liên quan quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để HTX chủ động nguồn giống, giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ HTX san lấp mặt bằng, mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho xã viên; DN cũng cần ổn định giá như hợp đồng đã ký kết, để động viên bà con sản xuất”.

Anh Phan Đình Đức - quản lý vùng nguyên liệu, Công ty CP Dược Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Với mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ, từ năm 2014, công ty đã liên kết với các HTX, tổ hợp tác trồng dược liệu với hình thức hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mô hình bước đầu thành công với diện tích 30 ha cây dược liệu các loại trên địa bàn toàn tỉnh. Nhìn chung, chất lượng sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu, đặc biệt, hàm lượng dược liệu từ kim tiền thảo khá cao. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, bà con chưa tuân thủ quy trình nên chất lượng không đồng đều, sản phẩm chưa thực sự chuẩn. Vẫn có trường hợp sử dụng thuốc trừ cỏ trong khi đây là điều tối ky với trồng dược liệu; vấn đề thu hái, bảo quản cũng chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn…”.

Đó là chưa kể đến việc liên kết bị “đứt gãy” giữa chừng gây thiệt hại cho bà con lẫn DN. Tổ hợp tác Dược liệu Thiên Thai (xã Thạch Vĩnh, Thạch Hà) cũng tham gia trồng dược liệu trong 2 năm. “Ban đầu, việc liên kết khá “xuôi chèo mát mái”, song từ năm thứ 3, do thiếu thống nhất trong nội bộ và với lý do giá không ổn định nên đơn vị đã “chia tay” với cây dược liệu” - ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổ phó Tổ hợp tác chia sẻ.

Được biết, ngoài Cẩm Xuyên, Thạch Hà, sắp tới, Công ty CP Dược Hà Tĩnh sẽ mở rộng vùng nguyên liệu ở Kỳ Anh, Hương Khê… với đa dạng các loại giống như: gừng, nghệ, mộc hoa trắng, xích đồng nam, rẻ quạt, đặc biệt là đang định hướng xây dựng vùng kim tiền thảo đạt chuẩn GACP. Do vậy, để liên kết và phát triển bền vững nguồn dược liệu tại chỗ, DN cần hỗ trợ, chia sẻ nhiều hơn với người dân; người dân, cụ thể là các HTX, tổ hợp tác cần nghiêm túc thực hiện các điều khoản liên kết, “thủy chung” cùng DN để đảm bảo lợi ích hai bên. Các cơ quan chức năng, địa phương và nội tại các HTX, tổ hợp tác cần chủ động tìm hiểu, liên kết với công ty khảo nghiệm chất đất, khí hậu, các điều kiện khác để thử nghiệm với hướng đi này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast