Thanh niên xung phong Hà Tĩnh: Bình dị giữa đời thường

(Baohatinh.vn) - Gặp gỡ, tiếp xúc lần đầu mà như đã quen từ lâu, bác hồ hởi đón chúng tôi vào thăm vườn cam trĩu quả của gia đình với nụ cười rạng rỡ. Đó là thành quả sau rất nhiều năm bác cùng chồng cày sâu cuốc bẫm, không quản ngại khó khăn. Bác là nữ cựu TNXP Nguyễn Thị Tỵ, ở thôn 11, xã Hương Giang (Hương Khê).

>> Thanh niên xung phong Hà Tĩnh: Ký ức người ở lại

Nữ A trưởng năng nổ

Nhà chỉ có 2 chị em gái, nhưng tuổi 20 không ngần ngại gian khổ, bác Nguyễn Thị Tỵ xung phong gia nhập lực lượng TNXP. “Ngày đi đã xác định sẽ khó có ngày về, bố mẹ xót con gái nên can ngăn nhưng bác vẫn quyết tâm. Ở trong hoàn cảnh đó, mình không thể đứng yên, không thể làm ngơ. Bác vẫn nhớ như in khúc trường ca: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai.

thanh nien xung phong ha tinh binh di giua doi thuong

Vườn cam trĩu quả của gia đình cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Tỵ.

Với tinh thần đó, tháng 10/1971, bác Tỵ vào đơn vị C2993 - N299 - P18 làm nhiệm vụ san lấp hố bom dọc tuyến đường từ Ngã ba Đồng Lộc, cầu Cày, cầu Phủ đến đường 15A, Khe Giao, phà Địa Lợi... Vào đơn vị, với tính cách sôi nổi và nhiệt tình, bác Tỵ được bầu làm tiểu đội trưởng. Không chỉ làm đường, mỗi khi có lệnh điều động đi gánh hàng, bốc vác lương thực “đội quân tóc dài” của nữ A trưởng Tỵ lại sẵn sàng nhận nhiệm vụ không kể ngày đêm hay khoảng cách xa gần.

Nhớ lại những ngày tháng đó, bác Tỵ bồi hồi: “Bác nhớ, có lần đi làm buổi tối không thấy đường, bị rơi xuống hồ nước. Mùa đông, lạnh tê tái nhưng không muốn bỏ nhiệm vụ quay trở về, bác vào nhà người dân gần đó mượn quần áo thay rồi lại lên đường đến vị trí cần san lấp. Cả tiểu đội có 14 chị em, nhiều hôm, mỗi người được 1 cái bánh mì vo tròn. Đói, khổ, vất vả nhưng ai cũng vui vẻ, lạc quan”.

Tháng 12/1972, đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom ở Ngã ba Đồng Lộc, bác Tỵ bị mảnh vỡ của bom văng trúng đầu phải nghỉ dưỡng thương cả tháng trời. Vết thương vừa lành, nữ tiểu đội trưởng tiếp tục làm nhiệm vụ, cùng đồng đội tay cuốc, tay xẻng trên từng cung đường.

Năm 1974, hoàn thành nghĩa vụ, bác Tỵ rời quân ngũ trở về quê tham gia sản xuất tại địa phương mang theo ký ức về những tháng ngày không bao giờ quên trên những cung đường khốc liệt. Được sống sót trở về từ lửa đạn chiến tranh, dẫu trên mình chi chít vết sẹo, bác Tỵ vẫn luôn lạc quan, giữ vững ý chí phấn đấu. Và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương mãnh liệt hơn cũng bởi bác luôn tự nhủ rằng, mình đang sống, làm việc cả cho những đồng đội đã ngã xuống.

Trồng cây, gây trang trại

Trở về quê hương, bác Tỵ kết hôn với bác Đậu Văn Sỹ - người cùng làng, cũng là bộ đội 12 năm lăn lộn trên khắp chiến trường Bắc - Nam. Lấy chồng, những tưởng có thêm bờ vai vững chãi cùng gánh gồng ngược xuôi, nuôi con, chăm sóc bố mẹ hai bên nội ngoại, nhưng vì nhiệm vụ, bác trai lại lên đường ra trận. 3 năm chồng xa nhà, cũng chừng đó thời gian nữ cựu TNXP đầu tắt mặt tối, nén nỗi nhớ thương, vất vả để làm chỗ dựa cho gia đình.

Đến năm 1977, bác Sỹ trở về, 2 vợ chồng bắt tay vào cải tạo ruộng nương, vườn tược. Vợ chồng CCB, cựu TNXP bàn bạc quyết định vào rừng cạnh làng sẻ phát trồng keo. Những ngày đầu vào nhìn “cơ ngơi” với hoang vu cỏ dại, đất đai cằn cỗi, không một bóng người, 2 bác nhìn nhau lo lắng. Nhưng rồi nghĩ đến con, nhìn về tương lai và cả những vất vả đã qua, 2 bác lại quyết tâm vượt qua thử thách.

Ban đầu, gia đình bác lấy ngắn nuôi dài với việc trồng sắn, ngô, làm chuồng nuôi gà. Rồi mỗi năm, bác tại Tỵ khai hoang, trồng thêm mấy chục gốc cam, bưởi; từng bước mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp. Không phụ công lao vun trồng của 2 chiến sỹ kiên cường trên mặt trận sản xuất, sau hơn 10 năm gây dựng, đến nay, gia đình bác Tỵ đã có trang trại với tổng diện tích 4 ha. Trong đó, 2 ha trồng cây keo tràm, diện tích còn lại trồng 500 gốc cam, bưởi, 40 gốc tiêu và hàng chục gốc cây ăn quả khác... Ngoài ra, gia đình bác Tỵ còn đầu tư nuôi 300 con gà, 6 con bò, đào 2 ao cá với diện tích 0,5 ha...

Tiếng lành đồn xa, trang trại của bác Tỵ được không ít người dân trong vùng và nhiều cựu TNXP đến tham quan, học hỏi. Ông Đinh Quốc Huấn - Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hương Khê chia sẻ: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, trở thành mô hình trang trại tiêu biểu để các hội viên học hỏi, đồng chí Nguyễn Thị Tỵ - nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Hương Giang còn là nữ cán bộ hội tích cực và hết lòng vì công việc. Đồng chí là cựu TNXP nêu gương sáng làm theo lời Bác giai đoạn 2012-2014, đạt thành tích xuất sắc trong công tác của Hội Cựu TNXP nhiệm kỳ 2011-2016”.

Lịch sử bi hùng của dân tộc và những việc làm ý nghĩa của nữ cựu TNXP Nguyễn Thị Tỵ nói riêng và hàng nghìn cựu TNXP nói chung sẽ còn mãi. Và huyền thoại mới của những con đường khói lửa năm xưa đang được viết tiếp bởi những con người bình dị như thế...!

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.