Vết thương nghi kiến ba khoang cắn trên mặt con trai chị Ngọc Hà.
Chị Hoàng Ngọc Hà (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) cho biết, mấy hôm trước con trai chị đang học lớp 3 xuất hiện vết đỏ, phồng rộp phía trên mắt phải. Ban đầu, vết thương rất nhỏ nhưng sau đó đã lan sang vùng da khác.
“Con kêu ngứa và đau nhưng tôi cứ nghĩ là cháu bị zona nên mua thuốc về bôi. Tuy nhiên, tình trạng của cháu không đỡ, các vết đỏ phồng rộp và lan nhanh. Khi đưa con đến bác sỹ chuyên khoa khám thì bác sỹ kết luận cháu bị viêm da tiếp xúc, nghi ngờ do kiến ba khoang cắn” - chị Ngọc Hà cho biết.
Sau khi được thăm khám và điều trị theo đơn thuốc của bác sỹ kê, con trai chị Hà đã giảm hẳn các triệu chứng, vết tổn thương cũng dần lành.
Kiến ba khoang. Ảnh internet
Cũng có chung nguyên nhân nhưng vết thương trên da của con chị Võ Việt Hà (TP Hà Tĩnh) có dấu hiệu lan rộng hơn. Những triệu chứng ban đầu khiến chị Việt Hà cũng cho rằng con bị zona. Chỉ đến khi được bác sỹ chuyên khoa thăm khám và kết luận viêm da tiếp xúc, cụ thể là kiến ba khoang cắn thì chị Việt Hà mới giật mình nghĩ đến các loại côn trùng vẫn thường xuất hiện nhiều trong nhà thời gian gần đây.
Không chỉ trẻ em mà rất nhiều người lớn gặp các vấn đề về da liễu trong giai đoạn chuyển mùa, trong đó có nhiều bệnh nhân bị viêm da do côn trùng cắn. Bà Nguyễn Thị L. (xã Thiên Lộc - Can Lộc) điều trị tại Khoa Da liễu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã gần 1 tuần nay.
Bà L. cho biết: “Ban đầu tôi chỉ bị một vết sưng nhỏ như vết cắn của kiến hoặc muỗi ở chân, nhưng do ngứa, gãi, vết loét lan rộng. Tôi lại tự ý mua thuốc về bôi nên vết thương bị bội nhiễm, một tuần nay rồi vẫn chưa khỏi”.
Vết thương do côn trùng, đặc biệt là kiến ba khoang cắn dễ bị nhầm lẫn với bệnh zona.
Bác sỹ CKI Lê Viết Long - Phó trưởng Khoa Da liễu (Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh) cho biết: “Thời điểm giao mùa, số lượng các bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị các bệnh về da tăng. Trong đó, nguyên nhân do viêm da tiếp xúc (là biểu hiện phản ứng của da khi tiếp xúc trực tiếp với tác nhân nào đó có khả năng gây kích ứng hay dị ứng) chiếm khá lớn, nhiều bệnh nhân có triệu chứng tổn thương da nặng, nghi kiến ba khoang cắn”.
Đây là thời điểm thời tiết thuận lợi cho côn trùng như muỗi, các loại kiến, đặc biệt là kiến ba khoang phát triển. Kiến ba khoang có chứa chất pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Vết thương do loại côn trùng này cắn là những ban đỏ rồi sưng thành mụn mủ có điểm lõm màu trắng vàng ở giữa hoặc tạo thành vệt dài; thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, cổ, tay - là những nơi dễ tiếp xúc.
Bác sỹ Lê Viết Long điều trị cho bệnh nhân bị bội nhiễm sau khi tự ý dùng thuốc chữa viêm da.
Cũng chính vì đặc điểm đó, nhiều người dễ nhầm lẫn vết cắn của kiến ba khoang với bệnh zona hoặc viêm da thông thường nên tự ý bôi thuốc, đắp các loại lá cây không theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa khiến cho vết thương dễ bị nhiễm trùng, bội nhiễm.
Bác sỹ Long khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh như: mang đầy đủ đồ bảo hộ khi lao động, buông màn khi ngủ, giữ gìn vệ sinh không gian sống, phun hóa chất diệt côn trùng; buổi tối không nên mở hết các cửa và bật đèn quá sáng để tránh thu hút côn trùng bay vào nhà…
Khi bị côn trùng cắn, đặc biệt là kiến ba khoang thì không được đập chết trên da mà nên thổi chúng đi để tránh chất độc lan rộng; ngay lập tức rửa vết cắn với xà phòng hoặc nước muối sinh lý.
Nếu có dấu hiệu phồng rộp, sưng tấy thì nên đi khám bác sỹ chuyên khoa để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc không được chỉ định để tránh tình trạng bội nhiễm khiến quá trình điều trị kéo dài, để lại sẹo mất thẩm mỹ.