Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng vừa ký văn bản về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. |
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 (gọi tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW), Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 (gọi tắt là Kết luận số 06-KL/TW) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách xã hội đến năm 2030, cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc triển khai, quán triệt thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng trong việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê hướng dẫn người dân trên địa bàn làm hồ sơ vay vốn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng thiếu quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi chưa được thường xuyên, kịp thời. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn hạn chế, đến nay, mới chỉ đạt 233,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,52% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, trong khi bình quân toàn quốc chiếm tỷ trọng 10,8%; việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm... với tín dụng chính sách chưa đồng bộ, một số nơi hiệu quả sử dụng vốn của người vay chưa cao.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả một số nội dung.
Đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg, Quyết định số 05/QĐ-TTg, Văn bản số 490-CV/TU ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xác định đây là công việc thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án.
MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò tập hợp lực lượng, giám sát cộng đồng, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Đẩy mạnh cuộc vận động chung tay vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng chính sách tỉnh và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; hướng dẫn, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh từ vốn vay có hiệu quả cho các hộ vay trên địa bàn.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục rà soát các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội từ ngân sách để cân đối, bố trí ngân sách ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm giao dịch, trang thiết bị, phương tiện nhằm nâng cao năng lực hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn.
Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo HĐND tỉnh thường xuyên giám sát, nắm tình hình quản lý và sử dụng vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách để phát huy hiệu quả nguồn vốn quỹ tín dụng chính sách.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước; thường xuyên tuyên truyền sâu rộng về tín dụng chính sách xã hội đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Các huyện, thành, thị ủy tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương tổ chức kiện toàn, củng cố, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Đại diện Hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội các cấp trong triển khai thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Kịp thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng đề án hỗ trợ cho vay đối với các mô hình theo chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách thủ tục hành chính. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra đối tượng vay, sử dụng vốn, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn...