Bến quê hương

(Baohatinh.vn) - Mỗi lần về quê, đứng trước bến Giang Hà (tên gọi vùng bến 2, xóm Kim Giang, Kim Hà, nay là thôn Giang Hà, xã Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh), lòng tôi không khỏi xao xuyến, bâng khuâng.

Bến nay đã nhiều thay đổi nhưng những kỷ niệm gắn bó một thời lại hiện về sao mà thân thương, đẹp đẽ đến thế!

Không biết tự bao giờ, từ cửa lạch chính, lạch Sót ăn vào bờ đất phía Nam của xã theo hình cánh cung kéo dài mãi đến Châu Hạ, Thạch Châu, hình thành nên hàng loạt bến. Trong các bến thiên nhiên ưu đãi cho thôn Giang Hà là một bến với nhiều nét đặc sắc.

Bến quê hương

Lạch Sót ăn vào bờ đất phía Nam của xã theo hình cánh cung kéo dài mãi đến Châu Hạ, Thạch Châu. Ảnh: Cầu Hộ Độ (Lộc Hà) - Nguyễn Thanh Hải

Khi thủy triều rút, nhiều bến chỉ còn một lạch nước nhỏ, riêng bến Giang Hà như một âu thuyền đầy nước đủ cho hàng chục thuyền lớn nhỏ neo đậu, bốc dỡ hàng hóa suốt ngày đêm. Phía bờ Đông bến, một kè đá được xây không cao, dài gần 100m, tạo nên một mặt bằng khá rộng, hình thành nên chợ Phú Nghĩa xưa, sau này gọi là chợ Hôm Trang.

Phía bờ Tây, bến được lắp ghép bằng các hòn đá đủ kích cỡ lấy từ núi Nam Giới về. Khi chúng tôi lớn lên, nền chợ chính vẫn còn, một hàng dừa trồng sát bờ kè bốn mùa trĩu quả ngày ngày soi bóng xuống bến quê. Phía hai đầu chợ là hai cây đa lớn tỏa bóng mát xum xuê. Triều lên, bến trở thành một biển nước mênh mông. Chiều chiều khi gió nồm thổi, những con thuyền với cánh buồm nâu căng gió, lướt êm trên sóng, chở đầy tôm cá của biển khơi hay sản vật của các vùng quê Cẩm Xuyên, Can Lộc, xa hơn là Đức Thọ, Hương Sơn cập bến mua bán náo nhiệt.

Bến quê hương

Cửa Sót. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Biển Cửa Sót những năm 50, 60 của thế kỷ XX thật sự hào phóng. Chỉ một hai ngày ra khơi, thuyền lớn, thuyền nhỏ đã đầy ắp cá tôm. Cơ man nào là cá: cá thu, cá chim, cá hồng, cá mú, cua, mực, tôm, ghẹ... được các chủ thuyền đưa lên bày san sát trên gò cát hay các bến để người mua mặc cả. Nhiều khi xuất hiện những con cá lớn như cá ó, cá mập, có những con cá mập dài 4-5m làm tròn xoe đôi mắt lũ trẻ chúng tôi. Một chợ cá đêm được hình thành trên nền chợ Hôm Trang. Những phường buôn cá ở vùng hạ Can (Can Lộc) gồm những trai đinh lực lưỡng, chọn lựa những hàng cá nướng thơm ngon sắp đầy vào rổ để chuyển đi trong đêm kịp phiên chợ sáng ở vùng thượng Can, Đức Thọ.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, những ngư phủ quê tôi được làm chủ biển trời “tự do ra khơi, tự do vô lộng”. Các hợp tác xã đánh cá: Bình Hà, Điện Biên, Hải Đằng, Sông Hương được hình thành, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn Nhà nước đóng mới những con thuyền lớn để vươn khơi xa, sắm nhiều ngư cụ hiện đại nên sản lượng đánh bắt ngày càng tăng. Một cửa hàng bách hóa được mở ra bán đủ các loại hàng thiết yếu; một cửa hàng bán gạo theo sổ cho ngư dân. Đặc biệt, một trung tâm thu mua, chế biến hải sản được xây dựng quy mô, hoạt động suốt ngày đêm.

Những năm tháng ấy, giao thông đường bộ còn hạn chế nên bến quê trở thành một thị tứ khá sầm uất. Hàng hóa các vùng quê trong tỉnh, ngoại tỉnh đều được giao dịch ở đây. Con người quê tôi ân tình, cởi mở, phóng khoáng nên tạo được dấu ấn đẹp đẽ cho mọi du khách. Cư dân thôn Giang Hà không đông, chỉ độ vài trăm người. Nhưng những người như ông Tám Thành, ông bà Dư Cu, ông Chắt Lục, ông Liên Xe, ông Lợi... đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân.

Bến quê hương

Mùa cá cơm trên biển Cửa Sót.

Những ngày biển động, thuyền không ra khơi, mọi người tập trung sửa chữa thuyền lưới để lúc trời lặng, sóng êm giong buồm đi tìm vựa cá. Lúc rảnh rỗi, mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ tập trung quanh những “sói biển”, “cá kình” để được nghe những lần vượt bão như huyền thoại. Nhìn nước da rám nắng, những bắp thịt săn chắc nhưng giọng kể nhỏ nhẹ, phong thái hiền khô thì khó tưởng tượng nổi họ là những thuyền trưởng tài ba, những người hùng của biển cả.

Những con người ấy chưa qua một trường lớp đào tạo, chỉ tiếp nối kinh nghiệm của các bậc cha ông đi trước. Giữa biển khơi, họ hiểu từng cơn gió, lớp sóng, màu mây, ngửi được mùi biển cả; nhìn trăng sao xác định chính xác vị trí con thuyền, sự di chuyển của đàn cá giữa tầng sâu đáy nước. Đặc biệt, khi bão tố đến, trong những thời khắc nhất định, chính họ sẽ đưa ra những quyết định chính xác, dứt khoát, chỉ huy đoàn thủy thủ đưa thuyền vượt bão, cập bến an toàn.

Người dân quê tôi không chỉ có chinh phục, khám phá biển khơi. Tổ chức cơ sở Đảng của xã Nam Bình (Thạch Kim và Thạch Bằng) được thành lập khá sớm đã lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền năm 1945. Ngày 20/8/1953, Pháp điều động hơn một tiểu đoàn có máy bay, tàu chiến yểm trợ đổ bộ vào vùng lạch Sót. Chúng đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng du kích. Trong cuộc chiến đấu đó, người cha thân yêu của tôi đã anh dũng hy sinh tại bến quê. Sau hòa bình, ông được Nhà nước truy tặng liệt sỹ.

Hòa bình chưa lâu thì ngày 5/8/1964, xẩy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Đế quốc Mỹ đã đưa hàng loạt máy bay ra ném bom đánh phá miền Bắc. Vùng đất quê tôi trở lại không khí thời chiến đứng “đầu sóng, ngọn gió”. Các lực lượng du kích được củng cố, huấn luyện và trang bị khí tài chiến đấu khá hiện đại. Dân toàn xã đi sơ tán. Một số lực lượng lao động ở lại, vừa trực chiến, vừa bám biển sản xuất.

Bến quê hương

Không khí sản xuất ở cảng cá Cửa Sót. Ảnh: PV

Lạch Sót ngày đêm hứng chịu những đợt ném bom, pháo kích, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chính quyền, các hợp tác xã đã biết tập trung mọi lực lượng xung kích để bám trụ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Khẩu hiệu “Trời của ta, biển của ta” đã được củng cố niềm tin, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của quân dân. Lực lượng trực chiến ngày đêm đánh trả hàng trăm đợt ném bom, hàng trăm đợt pháo kích. Chiến công rực rỡ nhất của dân quân địa phương là bắn rơi 1 máy bay Mỹ, bắn bị thương 2 tàu chiến. Quê tôi 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Lớp trẻ chúng tôi lớn lên sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc được sống những ngày tháng hạnh phúc trên bến quê hương. Chúng tôi được cắp sách đến trường, tham gia nhiều sinh hoạt đoàn, đội hấp dẫn. Bến quê là sân chơi đặc biệt của chúng tôi. Buổi sáng hay chiều tối, khi chợ không họp, lũ trẻ tập hợp để vui chơi: đá kiện, chơi ô ăn quan, nhảy dây, sáng trăng tổ chức đánh giặc giả. Triều rút thì đi bắt cua, câu cá, đào hến bên cồn. Khi triều lên, cả vùng bến ngập tràn trẻ nhỏ. Những trò thi bơi, trèo lên thuyền cao để nhảy, mạo hiểm hơn thì lặn qua thuyền đang đỗ.

Trên bến quê có những con thuyền vận tải lớn vào bốc dỡ và ăn hàng. Nhìn những thủy thủ khỏe mạnh kéo những cánh buồm dơi lớn đưa thuyền rời bến đã mở rộng tầm mắt, nâng cánh ước mơ cho lớp trẻ chúng tôi sẽ có một ngày đứng trên những con thuyền lớn, những con tàu lớn chạy bằng máy để đến với những cảng lớn trong nước và trên thế giới.

Chiến tranh xẩy ra, một số bạn xếp bút nghiên lên đường ra trận, một số trở thành thuyền trưởng tàu hải quân: anh Thờn, anh Thàn, anh Toàn... Sau năm 1975, một số người thành thuyền trưởng tàu Visco (anh Hưng, anh Hòa). Rất nhiều người trở thành giáo viên các cấp, giáo viên đại học, giám đốc xí nghiệp, nhà báo, nhà thơ... Họ đã làm đẹp thêm vẻ đẹp của bến quê tôi.

Đã hơn 60 năm trôi qua, bến quê nay có nhiều thay đổi. Những nét hiện đại của một vùng quê đã hiện rõ: một bờ kè chắc chắn, một con đường ô tô rộng mở, một cảng cá ngày đêm đón nhận tàu thuyền từ khắp các vùng quê. Các trung tâm chế biến, bảo quản hải sản đông lạnh mọc lên khắp xã. Chợ búa, hàng quán tấp nập. Quê hương Thạch Kim ngày càng được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Cuộc sống người dân giàu có hơn nhiều. Nhớ quê, yêu quê, tôi ghi lại những kỷ niệm một thời đáng sống, đáng nhớ.

Đọc thêm

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.