Bệnh thủy đậu có xu hướng lây lan nhanh, phòng trừ thế nào?

(Baohatinh.vn) - Tại một số địa phương ở Hà Tĩnh, bệnh thủy đậu đã xuất hiện và có xu hướng lây lan nhanh. Người bị thủy đậu nếu không được chăm sóc và chữa trị đúng cách, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Tại Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh, thời gian gần đây, đã có một số bệnh nhi mắc thủy đậu đến khám. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều xin điều trị ngoại trú; chỉ có một bệnh nhân điều trị nội trú.

benh thuy dau co xu huong lay lan nhanh phong tru the nao

Trẻ mắc bệnh thủy đậu hầu hết đều được theo dõi và chăm sóc tại nhà.

Bác sỹ Trần Anh Pháp - Trưởng khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa thành phố cho biết: “Bệnh nhân đến rải rác, chủ yếu là học sinh trường mầm non. Các bệnh nhân có biểu hiện sốt và phát ban nhẹ. Được chăm sóc y tế kịp thời nên các cháu đều nhanh chóng ổn định; không có trường hợp biến chứng”.

Ngoài các bệnh nhi được đưa đến các cơ sở y tế chăm sóc, còn có khá nhiều trẻ mắc thủy đậu được theo dõi và chăm sóc ở nhà. Chị Nguyễn Thị Hà (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Khi nhận được thông tin từ cô giáo mầm non là ở trường đã có bệnh thủy đậu thì mẹ cho cháu nghỉ để phòng lây lan. Nhưng sau 2 ngày nghỉ học, cháu lại bị nổi bọng nước. Mẹ đưa đi khám bác sỹ và về tự chăm sóc ở nhà. Hiện cháu đang dần ổn định; không xuất hiện bọng nước mới nữa”…

Tại xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) đã xuất hiện ổ dịch ở trường tiểu học và mầm non. Đến thời điểm này, đã có hơn 20 trường hợp mắc. Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nguyễn Chí Trung cho biết, sau khi nhận được thông tin, trung tâm đã đến giám sát, hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch và khuyến cáo với nhà trường, phụ huynh.

Bệnh thủy đậu không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường bùng phát vào mùa đông xuân và kéo dài tới hết mùa xuân.

Các bác sỹ khuyến cáo, hiện nay, thủy đậu đã có thuốc điều trị đặc hiệu diệt vi-rút là acytlorvir, nếu uống ở 48 giờ đầu khi phát hiện có thể ngăn ngừa được thủy đậu nặng thêm và lây lan nhanh.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu, cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường; tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính rất dễ lây lan, qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7-10 ngày.

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.