Bệnh viện Bạch Mai sẽ khám bệnh đến 21h: Người bệnh không phải vật vờ chờ đợi

Từ ngày 1/8, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thực hiện khám ngoài giờ hành chính (từ 17-21 giờ) đồng thời bố trí bộ phận tiếp đón và mở một số bàn khám vào buổi sáng sớm từ 5-6 giờ để phục vụ người bệnh.

Bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai tư vấn cho bệnh nhân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai tư vấn cho bệnh nhân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết từ ngày 1/8 tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thực hiện khám ngoài giờ hành chính (từ 17-21 giờ), để người dân làm việc tại các cơ quan, đơn vị vẫn có thể đi khám bệnh mà không ảnh hưởng đến công việc.

Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu tất cả người bệnh đều được khám bệnh trong ngày, bệnh viện bố trí bộ phận tiếp đón và mở một số bàn khám vào buổi sáng sớm từ 5-6 giờ để phục vụ người bệnh (chủ yếu những người tỉnh xa).

Không còn cảnh người bệnh vật vờ chờ đợi

Những ngày gần đây, số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai tăng cao. Có ngày bệnh viện tiếp nhận khám tới 10.000 lượt người bệnh. Do vậy, tại Bệnh viện đã xảy ra tình trạng quá tải nhưng chỉ trong thời gian ngắn và ở một số khoa, phòng vì Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp để người bệnh khám, chữa bệnh ngay trong ngày.

Bên cạnh lý do bệnh viện đã khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, mà còn do đầu năm nay, Bệnh viện đã khai trương hàng loạt hệ thống thiết bị y tế gồm 4 máy chụp cộng hưởng từ, 3 máy chụp CT, 19 dàn nội soi tiêu hóa, 7 hệ thống phẫu thuật nội soi..., thu hút đông người bệnh đến khám và điều trị bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ cho biết toàn bộ số thiết bị này được mua sắm trong thời gian cuối năm 2023, tổng trị giá trên 200 tỷ đồng. Với việc thêm 4 máy chụp cộng hưởng từ, đây là lần đầu tiên, Bệnh viện Bạch Mai có 7 máy chụp cộng hưởng từ cùng lúc hoạt động, bệnh nhân có chỉ định chụp về cơ bản được chụp trong ngày mà không phải đợi chờ.

Bên cạnh đó, bộ phận hậu cần cũng được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp theo. Bộ phận chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sẽ ưu tiên cho bệnh nhân ngoại trú buổi sáng; buổi chiều và tối ưu tiên cho bệnh nhân nội trú.

"Những sắp xếp như vậy bảo đảm cho hầu hết bệnh nhân đến từ vùng sâu, vùng xa vào đầu giờ chiều đã có kết quả để ra về trong ngày. Đây là cố gắng rất lớn giúp bệnh nhân tiết kiệm, không phải "ăn chực, nằm chờ," thuê nhà nghỉ, khách sạn để đợi kết quả," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ chia sẻ.

Bệnh viện đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh qua đường dây nóng, online, qua app… Đến nay mỗi ngày trung bình có 2.000 - 2.500 người đăng ký khám qua các hình thức mới này.

Việc chủ động đăng ký khám bệnh giúp giãn thời gian khám trong ngày, tránh ùn tắc, quá tải cùng một khung giờ, người bệnh không phải chờ đợi lâu, không tạo áp lực cho người thầy thuốc và chất lượng khám bệnh, tư vấn sẽ nâng cao, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ đánh giá.

Người bệnh không lo "chữ bác sỹ quá xấu, đọc không nổi"

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ cho biết thực hiện Quyết định số 4750/QĐ-BYT ngày 29/12/2023 của Bộ Y tế về quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan, đến nay, Bạch Mai là một trong 5 bệnh viện trên toàn quốc hoàn thành chuyển đổi 99% dữ liệu đầu ra.

Nếu như trước đây, bệnh viện phải triển khai hàng chục phần mềm khác nhau, không tương thích, tích hợp thì đến nay đã được chuẩn hóa. Điều này đã giúp bệnh viện thực hiện hiệu quả trong công tác quản lý (chuyên môn, tài chính, nhân sự) theo hướng công khai, minh bạch.

"Từ ngày 8/7, bệnh viện đã không in giấy các chỉ định chuyên môn và từ tháng 8 tới đây cũng sẽ không in phim. Riêng việc không in phim mỗi năm cũng giúp tiết kiệm cho bệnh viện và người bệnh khoảng 30 tỷ đồng...," Giám đốc Đào Xuân Cơ cho biết.

Khám sàng lọc về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Khám sàng lọc về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cũng trong tháng 8 tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai thí điểm bệnh án điện tử trước khi triển khai toàn bệnh viện trong năm 2024. Đây là một bước tiến rất lớn trong quản trị bệnh viện cũng như xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Chính phủ.

"Việc triển khai bệnh án điện tử giúp liên thông thông tin của người bệnh đến tất cả các bộ phận liên quan trong các khoa, phòng. Người thầy thuốc dễ dàng theo dõi được diễn biến, quá trình điều trị của người bệnh, từ đó đưa ra được các dự báo và có kế hoạch điều trị tiếp theo. Người bệnh cũng biết được quá trình điều trị của mình và xóa bỏ nỗi lo "chữ bác sỹ quá xấu, đọc không nổi," Giám đốc Đào Xuân Cơ hóm hỉnh chia sẻ.

Hồ sơ người bệnh đồng bộ hóa trên máy móc. Các khoa, phòng liên thông, bác sỹ nắm được quá trình khám chữa bệnh, chi phí, đơn thuốc của từng người. Tương lai, bệnh nhân được cung cấp code và hoàn toàn không dùng giấy tờ, Giám đốc Đào Xuân Cơ cho biết thêm./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.