Bộ sách giáo khoa Cánh Diều liên tục được thực nghiệm tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với sự đồng hành nghiêm túc của nhà xuất bản, các tác giả biên soạn, việc dạy và học thực nghiệm bộ sách giáo khoa (SGK) Cánh Diều lớp 5, lớp 9, lớp 12 tại Hà Tĩnh đã được triển khai sâu rộng trong các cấp học.

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều liên tục được thực nghiệm tại Hà Tĩnh

Một giờ học thực nghiệm bộ SGK Cánh Diều tại lớp 12A4, Trường THPT Phan Đình Phùng.

Giờ Sinh học với nội dung “Mối quan hệ giữa kiểu gene, môi trường và kiểu hình” ở lớp 12A4, Trường THPT Phan Đình Phùng trở nên sôi động và hấp dẫn bởi nội dung và sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy thực nghiệm bộ sách giáo khoa Cánh Diều. Giáo viên đã mở đầu bài học bằng một đoạn video clip “cáo bắc cực biến đổi màu lông theo mùa”.

Trải qua 45 phút, các em học sinh bước đầu giải thích được sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường trong sự biểu hiện kiểu hình ở sinh vật; vận dụng hiểu biết về thường biến và mức phản ứng của một kiểu gene để giải thích, ứng dung trong thực tiễn...

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều liên tục được thực nghiệm tại Hà Tĩnh

Em Nguyễn Nhật Huy tìm hiểu nội dung bài học.

Em Nguyễn Nhật Huy - học sinh lớp 12A4 chia sẻ: “Đây là một tiết học mà em thấy rất bổ ích, thú vị và phù hợp với năng lực của các bạn học sinh. SGK mới đã đưa vào những hình ảnh trực quan và bài tập gần gũi với đời sống, cách dẫn dắt kiến thức từ dễ đến khó, giúp giáo viên dễ dàng tiếp cận để truyền tải tới học sinh, các em cũng dễ học, dễ nhớ hơn".

Nhằm tạo không khí hấp dẫn, cuốn hút học sinh, các giáo viên giảng dạy chương trình mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ chương trình tổng thể và chương trình môn học của các bộ sách mới, từ đó có kịch bản cụ thể cho từng tiết học.

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều liên tục được thực nghiệm tại Hà Tĩnh

Thầy Nguyễn Văn Lê hướng dẫn học sinh giải bài tập nhóm.

Thầy Nguyễn Văn Lê - người thực hiện buổi học thực nghiệm môn Sinh học chia sẻ: “Khi tiếp nhận nội dung bài học, bản mẫu SGK phần tiết học này, tôi đã tìm hiểu và xây dựng giờ học theo đúng tiến trình được sách đưa ra. Đó là dẫn dắt, hướng dẫn, đặt vấn đề để học sinh (HS) tự tìm tòi, phát hiện và triển khai nội dung bài học. Giáo viên chỉ đóng vai trò tổ chức hoạt động giáo dục và gợi mở, cùng HS tổng kết vấn đề. Cách làm này tạo sự hứng thú cho các em”.

GS.TS Đinh Quang Báo - Tổng chủ biên bộ SGK Sinh học Cánh Diều THPT cho biết: “Việc triển khai dạy thực nghiệm là yêu cầu bắt buộc và khâu quan trọng trong quy trình biên soạn sách giáo khoa. Mục đích thực nghiệm là kiểm nghiệm, đánh giá tính khả thi, mức độ đáp ứng yêu cầu của các bài học trong SGK mới để từ đó có cơ sở chỉnh sửa và hoàn thành bản mẫu trước khi gửi hội đồng quốc gia thẩm định. Việc thực nghiệm sẽ được tiến hành ở các vùng miền trong điều kiện kinh tế - xã hội, đặc thù nhà trường khác nhau. Ở Hà Tĩnh, các tiết học thực nghiệm được triển khai sâu rộng, được giáo viên và học sinh đón nhận, tham gia".

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều liên tục được thực nghiệm tại Hà Tĩnh

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Can Lộc) chụp ảnh với GS.TS Đinh Quang Báo (đứng giữa) và các tác giả SGK Cánh Diều.

Tại Hà Tĩnh, các bộ sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 Cánh Diều đang được triển khai dạy thực nghiệm theo quy định với tổng số 223 tiết, tại 8 trường THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Dự kiến công tác dạy thực nghiệm các bộ sách giáo khoa này sẽ hoàn thành trước ngày 12/1/2023.

Thầy Nguyễn Nam Thắng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng thông tin: “Nhà trường phối hợp với Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) lập và thực hiện thời khóa biểu dạy thực nghiệm bảo đảm thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Qua đánh giá, bộ sách Cánh Diều nhận được phản hồi tích cực. Học sinh tích cực tham gia các hoạt động, chăm chú nghe giảng, hiểu bài nhanh và tích cực phát biểu xây dựng bài. Đây cũng là cơ hội để các nhà trường được trao đổi, giao lưu với các tác giả trực tiếp để hoàn thiện hơn phương pháp giảng dạy của mình. ”

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều liên tục được thực nghiệm tại Hà Tĩnh

Đại diện Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) trao đổi với Trường THPT Phan Đình Phùng.

Cô Nguyễn Thị Thu Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Đức Kế (huyện Can Lộc) trao đổi: ”Vừa qua, trường chúng tôi được lựa chọn thực nghiệm SGK lớp 5 bộ Cánh Diều. Qua thực nghiệm, chúng tôi nhận thấy SGK lớp 5 căn bản phù hợp với học sinh. Một số sai sót chúng tôi phát hiện đã được chuyển đến các tác giả để chỉnh sửa hoàn thiện bộ sách tốt nhất. Trên căn bản đó, chúng tôi có cơ sở để tiếp tục lựa chọn bộ sách Cánh Diều cho những năm học tới”.

Đươc biết, bộ SGK Cánh Diều được xuất bản và phát hành bởi sự hợp tác của các đơn vị uy tín trong ngành xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (thuộc Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) với đội ngũ chuyên gia lành nghề, giàu kinh nghiệm.

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều liên tục được thực nghiệm tại Hà Tĩnh

Tiến sĩ Trần Văn Thắng thông tin về những điểm mới của bộ SGK Cánh Diều.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Thắng, Trưởng ban Biên tập Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam, bộ SGK Cánh Diều được thực hiện thống nhất, xuyên suốt tư tưởng biên soạn: “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”. Đó là tinh thần cốt lõi giúp cho học sinh có điều kiện tốt hơn để phát triển năng lực và phẩm chất theo các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mọi bài học trong sách đều gắn liền với cuộc sống giúp các em dễ dàng tiếp thu. Hiện nay, bộ sách được nhiều trường lựa chọn vì chất lượng chuyên môn cao, vừa kế thừa vừa đổi mới so với sách giáo khoa hiện hành. Các tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đều là những người giàu kinh nghiệm viết sách giáo khoa, về giáo dục phổ thông cũng như giáo dục tiểu học. Các thầy cô, các trường dễ thực hiện, vừa thấy được triển vọng nâng cao chất lượng giáo dục của môn học.

Đọc thêm

Niềm tự hào của người Chứt ở bản Rào Tre

Niềm tự hào của người Chứt ở bản Rào Tre

Hồ Viết Đức là niềm tự hào của người Chứt ở bản Rào Tre (Hương Khê, Hà Tĩnh) khi trở thành sinh viên đại học. Hành trang đến giảng đường của em mang theo cả ước mơ của đồng bào dưới chân núi Cà Đay.
Chăm lo con chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Chăm lo con chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Thời gian qua, sự nỗ lực của Bộ đội Biên phòng, cấp ủy chính quyền và các trường học đã giúp học sinh dân tộc Chứt (Hương Khê, Hà Tĩnh) hoà nhập và yên tâm học tập.