Bộ Y tế: 2 loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi từ tháng 4/2022

Từ đầu tháng 4/2022, ngay sau khi vaccine phòng COVID-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố cả nước sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. Có 2 loại vaccine tiêm cho trẻ lứa tuổi này là Moderna và Pfizer; Không tiêm trộn 2 loại vaccine này cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi...

Chiều ngày 31/3, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi . Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì hội nghị quan trọng này. Hội nghị kết nối đến 700 điểm cầu trên toàn quốc.

Bộ Y tế: 2 loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi từ tháng 4/2022

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi rất quan trọng Ảnh: Trần Minh

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, đến nay, cả nước đã tiêm trên 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19 , trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1 với nhóm trên 18 tuổi là 100%; mũi 2 là 99%; Đối với trẻ từ 12-17 tuổi, hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 tương ứng là 99% và 94%.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết thêm, đối với nhóm đối tượng trên 18 tuổi, việc tiêm liều nhắc lại đã được Bộ Y tế triển khai từ tháng 12/2021, hiện khoảng trên 50% người đã tiêm liều nhắc lại. Riêng nhóm đối tượng nguy cơ, khoảng 64% người từ 18 tuổi trở lên có yếu tố nguy cơ đã được tiêm liều bổ sung.

Các đơn vị, địa phương đang tích cực triển khai tiêm chủng để đẩy nhanh tiến độ tiêm liều bổ sung, nhắc lại theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế. Đây là kết quả rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường mới

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn

Vì sao tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi rất cần thiết?

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngày 5/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 14 về việc mua vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ quan làm việc rất thận trọng, từng bước, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của các nước; các khuyến cáo của WHO, CDC để đảm bảo tiêm chủng phải an toàn.

Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5- dưới 12 tuổi rất quan trọng, từ các nhà chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất đây là đối tượng khi các cháu trở lại trường học từ mầm non tới tiểu học hay năm đầu của THCS việc lây nhiễm COVID-19 của các cháu đã tăng lên khi biến chủng Omicron xâm nhập

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn

Mặc dù trẻ ở lứa tuổi này mắc COVID-19 phần lớn đều nhẹ nhưng cũng ảnh hưởng khi các cháu ốm, phụ huynh cũng phải nghỉ chăm sóc, các cháu liên quan cũng phải nghỉ để tiếp tục học trực tuyến…tạo gánh nặng lên xã hội.

Ngoài ra, các biến chứng khi mắc COVID-19 ở nhóm này thông qua báo cáo của các chuyên gia nghiên cứu số liệu quốc tế cũng như trong nước cho thấy cũng có ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của các cháu, dù không nhiều nhưng cũng là đáng lo ngại là biến chứng viêm cơ tim, Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là biến chứng hệ thống khám chữa bệnh đã ghi nhận…

Do đó, thời gian qua, Bộ Y tế đã họp Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine về việc tiêm chủng cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi; tham vấn các ý kiến của WHO về khuyến cáo chính thức cho Việt Nam về tiêm chủng cho trẻ trong lứa tuổi này; Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo TW khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân về việc tiêm cho trẻ…

Bên cạnh đó, để chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ ở độ tuổi này; đề nghị địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch báo cáo UBND ban hành kế hoạch triển khai tại địa phương và hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, tích cực chuẩn bị để sớm triển khai vaccine cho trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi, sẵn sàng nhân lực và cơ sở vật chất, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể đưa vaccine vào sử dụng ngay sau khi tiếp nhận vaccine;

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến các phụ huynh để hiểu đúng về nguy cơ khi mắc bệnh, lợi ích của vaccine để người dân đưa trẻ trong độ tuổi này tham gia tiêm chủng đầy đủ....

“Bộ Y tế xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo vệ sức khỏe trẻ em và giúp trẻ em được đi học, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện nước ta mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Không tiêm trộn 2 loại vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Tại hội nghị tập huấn, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nêu rõ, từ đầu tháng 4/2022, ngay sau khi vaccine phòng COVID-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố cả nước sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi .

Có 2 loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi, gồm vaccine Pfizer và vaccine Moderna.

Không giống như người từ 18 tuổi trở lên, với trẻ em 5 - dưới 12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

PGS.TS Dương Thị Hồng

Theo đó, Vaccine Pfizer chỉ định cho người 5 – dưới 12 tuổi. Liều lượng đường dùng: tiêm bắp, liều tiêm 0,2 ml. Lịch tiêm: 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Bộ Y tế: 2 loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi từ tháng 4/2022

Các điềm cầu tham dự hội nghị tập huấn chiều ngày 31/3. Ảnh: Trần Minh

Vaccine Spikevax (Moderna Covid-19 vaccine) được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tiêm liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Cũng theo PGS.TS Dương Thị Hồng, về phương thức triển khai, Bộ Y tế yêu cầu chiến dịch tiêm chủng diễn ra tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động.

“Triển khai trước cho nhóm tuổi lớn, từ 11 tuổi, tức trẻ học lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng”- PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.

PGS Dương Thị Hồng cũng cho biết theo kinh nghiệm học hỏi từ thế giới và các đồng nghiệp, những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ 5-11 tuổi ít hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Các phản ứng nặng càng ít gặp hơn, tuy nhiên, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh các địa phương không được chủ quan. Ba ngày đầu sau khi tiêm, trẻ nhỏ cần có người hỗ trợ suốt 24/24h, tránh vận động mạnh.

Theo SK&ĐS

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.