Mong muốn tạo ra sản phẩm bún sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm để sử dụng và bán ra thị trường, đầu năm 2018, chị Nguyễn Thị Phong (SN 1991, trú thôn Trung, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh)đã tìm hiểu cách làm bún, đồng thời mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
Chị Phong cho biết: “Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra chưa đạt chất lượng như ý muốn. Không nản chí, tôi tiếp tục thử nghiệm và cuối cùng đã sản xuất thành công bún tươi, đảm bảo các tiêu chí: chất lượng, hợp khẩu vị người tiêu dùng. Loại gạo được tôi dùng để làm bún là Khang Dân, được nhập từ các cửa hàng nông sản sạch. Thời gian đầu, vì đang làm quen với thị trường nên tôi chỉ sản xuất quy mô nhỏ, chủ yếu tiêu thụ trong vùng".
Tuy nhiên, sau thời gian kinh doanh, chị Phong nhận thấy, muốn mở rộng thị trường, được khách hàng đón nhận thì phải đầu tư nhiều hơn về chất lượng. Vì thế, đầu năm 2022, chị đã quyết định đăng ký tham gia chương trình OCOP và lấy tên gọi là "Bún sạch An Tâm".
Để tham gia chương trình, chị đã đầu tư 500 triệu đồng cải tạo nhà xưởng, mua thêm máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại. Đồng thời, tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức nhằm nắm rõ cách thức xây dựng sản phẩm OCOP, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm… Sau khi nắm rõ các quy trình, chị Phong bắt tay ngay vào các công việc “nâng tầm” sản phẩm.
Chị Phong cho biết, hiện "Bún sạch An Tâm" được sản xuất theo quy trình khép kín. Gạo sau khi nhập về được sàng lọc, loại bỏ sạn, sau đó đưa đi vò và ngâm bằng máy đã được điều chỉnh nhiệt độ nhằm giúp hạt gạo được bở đều. Công đoạn ngâm bột cũng được thực hiện nghiêm ngặt, nhằm cho ra thành phẩm bún chất lượng nhất.
“Sản phẩm "Bún sạch An Tâm" được cơ sở sản xuất an toàn với 3 không: không chất bảo quản, không hàn the, không chứa hóa chất độc hại; thành phẩm bún tươi đảm bảo độ dai, ngon và không bị chua. Đây chính là điều tiên quyết cho việc phát triển thương hiệu "Bún sạch An Tâm” -chị Phong chia sẻ.
Ngoài ra, để tạo nên sự khác biệt cũng như giúp sản phẩm được bảo quản tốt nhất, chị Phong đã quyết định đóng gói và hút chân không. Nhờ đảm bảo các quy trình sản xuất nên giữa năm 2023, "Bún sạch An Tâm" đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, thị trường tiêu thụ nhờ đó cũng rộng mở hơn.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị Phong sử dụng 250 - 300 kg gạo để làm bún, doanh thu đạt mức 200 - 250 triệu đồng/tháng, lợi nhuận thu về khoảng 40 triệu đồng/tháng. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở hệ thống các trường học, cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống quán ăn, nhà hàng tại TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Hồng Lĩnh… Hiện, cơ sở cũng đang giải quyết việc làm cho 4 nhân công với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về định hướng phát triển, chị Phong cho biết: “Dù sản phẩm "Bún sạch An Tâm" đã có chỗ đứng trên thị trường nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa đáp ứng được các yêu cầu về số lượng khi đơn hàng tăng cao. Vì thế, trong thời gian tới, tôi mong muốn có thể phát triển sản xuất, mở rộng thị trường để từ đó tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Đồng thời, tăng cường đưa sản phẩm tham dự hội chợ, ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội... để quảng bá thương hiệu "Bún sạch An Tâm" tới gần hơn với người tiêu dùng ở các địa phương khác”.
Ông Nguyễn Sông Hàn - Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ cho biết: “Sản phẩm "Bún sạch An Tâm" có chất lượng đảm bảo, đáp ứng các quy chuẩn của chương trình OCOP nên được người tiêu dùng đón nhận, sản lượng tăng đều theo thời gian. Từ sự thành công của sản phẩm này, chúng tôi sẽ khuyến khích người dân trên địa bàn tiếp tục tham gia phát triển sản phẩm OCOP, từ đó tạo thêm sản phẩm chủ lực cho địa phương”.