Các bệnh nhân 496, 426 tử vong vì suy thận mạn giai đoạn cuối và mắc Covid-19

Sáng ngày 4/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19 số 496 và 426. Cả hai bệnh nhân này đều tử vong vì suy thận mạn giai đoạn cuối và mắc COVID-19

Thứ trưởng cũng cho biết hiện nay còn một số bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao.

Bệnh nhân 426 (BN 426): nữ, 62 tuổi, quê quán: Hòa Vang, Đà Nẵng Tiền sử: Suy thận mạn tính 10 năm. Bệnh nhân điều trị tại khoa Nội thận Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 18/07/2020- 27/07/2020.

Từ ngày 30/7/2020, bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ngày 31/7, bệnh nhân tiếp xúc kém, ăn uống kém, khó thở nhẹ.

Ngày 01/8, 3:00: bệnh nhân thở máy; 7:00: bệnh nhân mê man, huyết áp tụt; 17:00: suy đa tạng, choáng nhiễm trùng, nhiễm độc. Ngày 02/8, bệnh nhân lọc thận liên tục, thở máy.

Ngày 03/8, 1:05: bệnh nhân mạch chậm, đe dọa ngừng tuần hoàn, hô hấp; 8:00: bệnh nhân hôn mê sâu, thở máy hoàn toàn qua nội khí quản; 10:24: bệnh nhân hôn mê, xuất huyết tiêu hóa; 18h30: mạch rời rạc, huyết áp tụt dần

Các bệnh nhân 496, 426 tử vong vì suy thận mạn giai đoạn cuối và mắc Covid-19

Ngày 04/8, 1:20: bệnh nhân ngừng tim, hồi sức nhưng không hiệu quả; 2:30: bệnh nhân tử vong.

Chẩn đoán, bệnh nhân tử vong co suy thận mạn giai đoạn cuối, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và COVID-19

Trước đó, theo công bố dịch tễ của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng tối ngày 27/7, ngày 17/7, bệnh nhân khó thở, mệt nhiều nên đến khám và được điều trị tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng.

Ngày 26/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, được xét nghiệm dịch hầu họng và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Chiều ngày 27/7 bệnh nhân được đưa vào cách ly tại khoa Nội Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng. Trong vòng 14 ngày qua bệnh nhân chỉ ở nhà và đến điều trị tại Khoa Nội Thận-Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng.

Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19 số 496

Bệnh nhân 496 (BN 496), nam, 65 tuổi, quê quán: Hòa Vang, Đà Nẵng

Tiền sử: Suy thận mạn tính giai đoạn cuối, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh nhân điều trị tại khoa Nội thận Bệnh viện Đà Nẵng trong 5 tháng và ra viện ngày 24/7/2020.

Ngày 28/7/2020, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-COV-2 và được chuyển đến Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cùng ngày với tình trạng khó thở, đặt nội khí quản và thở máy.

Ngày 29/7/2020 – 01/8/2020, bệnh nhân nằm yên dưới tác dụng thuốc an thần và thở máy.

Ngày 02/8/2020, bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục và huyết áp giảm.

Ngày 04/8/2020, 7h45: bệnh nhân hôn mê, đồng tử giãn, mất hoàn toàn phản xạ; 8h30: bệnh nhân tử vong.

Chẩn đoán tử vong: Suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết, suy tim cấp và COVID-19

Như vậy, tính đến thời điểm này, có 8 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta tử vong là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp...

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, khi mắc COVID-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt…

“Những yếu tố này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi nhiễm COVID-19” – PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói.

Phân tích cụ thể hơn về cơ chế gây tăng nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, nhóm người nói trên khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.

Theo Thái Bình/SK&ĐS

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm