Đại tá Nguyễn Hữu Thông - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh: “Quân đội luôn sẵn sàng ứng phó với mưa bão”
Đại tá Nguyễn Hữu Thông (đứng giữa) kiểm tra phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh tư liệu - Xuân Liệu).
Cùng với việc làm tốt công tác tập huấn phòng chống thiên tai (PCTT) - tìm kiếm cứu nạn, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là các địa bàn trọng điểm chủ động làm tốt công tác chuẩn bị với phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng cơ động xử trí có hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
Về “chỉ huy tại chỗ”, Bộ CHQS tỉnh thành lập 1 sở chỉ huy cơ bản và 2 sở chỉ huy phía trước. Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào tình hình cụ thể tổ chức thành lập các sở chỉ huy tại chỗ.
Về “lực lượng tại chỗ”, Bộ CHQS tỉnh sử dụng Trung đoàn 841 và các phân đội công binh, trinh sát, quân y... làm lực lượng trực sẵn sàng cơ động. Ở các địa phương, ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã sử dụng một nửa quân số thường trực và 1 phân đội dân quân cơ động của huyện. Cấp xã, phường, thị trấn sử dụng trung đội dân quân cơ động... làm lực lượng nòng cốt tại chỗ.
Về “phương tiện vật chất tại chỗ”, Bộ CHQS tỉnh sẵn sàng điều động 99 tàu xuồng các loại; 4.774 phao tròn; 5.323 áo phao... phòng chống lụt bão.
Về “vật chất hậu cần tại chỗ”, các cơ quan, đơn vị có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ lượng dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men tại các kho hậu cần. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật chất như: áo phao, phao cứu sinh, ống nhòm, đèn pin, xuồng máy, lương thực, nhu yếu phẩm... sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê: “Chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai”
Ông Lê Quang Vinh: “Hương Khê luôn chủ động trong công tác phòng chống thiên tai”.
Đặc thù là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ nên huyện Hương Khê luôn chủ động tổng kết công tác PCTT, rút ra bài học kinh nghiệm của năm trước để xây dựng kế hoạch.
Trước mùa mưa bão, 6 đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp kiểm tra công tác PCTT tại 21 xã, thị trấn. Quá trình kiểm tra phát hiện tồn tại thì đoàn công tác tham mưu văn bản đôn đốc xử lý; Phòng NN&PTNT hậu kiểm việc triển khai thực hiện các văn bản của huyện.
Ngoài các văn bản chỉ đạo chung trong công tác PCTT, đối với mỗi cơn bão, lũ, huyện đều ban hành các công điện, công văn; tiến hành kiểm tra, chỉ đạo sát sao, cụ thể. Huyện cũng tổ chức ký cam kết với các cơ sở kinh doanh đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm đầy đủ trong mùa mưa bão; kiểm tra các phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn...
Bên cạnh đó, để giảm thiểu thiệt hại về vật chất cho người dân, Phòng NN&PTNT cũng luôn hướng dẫn, khuyến khích bà con trồng giống lúa, hoa màu phù hợp, đảm bảo thu hoạch xong trước mùa mưa bão; hướng dẫn bà con chằng chống cho cây bưởi, vun gốc, tạo rãnh thoát nước, tránh ngập úng cây...
Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh (Đức Thọ): “Linh hoạt xây dựng phương án di dân theo 3 cấp độ”
Ông Nguyễn Quang Việt: “Chủ động công tác tuyên truyền và linh hoạt các phương án di dời dân vùng thấp trũng”.
Xã Quang Vĩnh có 8 thôn, trong đó gần 1.000/3.000 hộ dân ở ngoài đê La Giang. Mỗi khi mùa mưa bão về, người dân vùng ngoài đê chịu ảnh hưởng rất nặng nề, nhà cửa, ruộng vườn đều bị ngập sâu. Do vậy, trước mùa mưa bão, xã luôn chủ động xây dựng phương án trước, trong và sau mưa lũ.
Để PCTT, chúng tôi tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những người sinh sống tại các thuyền neo đậu trên sông La; đồng thời, xây dựng phương án di dân theo 3 cấp độ báo động. Lần lượt các phương án đó là: chuyển người dân lên nhà cao hơn; tập trung người dân về trụ sở UBND 2 xã Đức Quang, Đức Vĩnh (cũ) và nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão lũ thôn Tiền Phong; di dời người dân vào trong đê.
Song song với đó, cán bộ chuyên môn xã cũng chủ động liên hệ với các xã trong đê gần nhất như: Yên Hồ, Bùi La Nhân (Đức Thọ), phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) để sẵn sàng chuẩn bị nếu xảy ra tình huống ở mức báo động 3.
Trong mưa bão, xã cũng tập trung trực chỉ huy để kịp thời chỉ đạo các phương án về nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Ông Nguyễn Đình Ngân - Trưởng thôn Hương Giang, xã Đức Hương (Vũ Quang): “Phát huy tinh thần cố kết cộng đồng trong phòng chống thiên tai”
Ông Nguyễn Đình Ngân: Trong phòng chống thiên tai, tinh thần cố kết cộng đồng, cùng giúp đỡ, hỗ trợ và chia sẻ của các hộ gia đình là điều rất quan trọng.
Hương Giang là thôn vùng núi, nằm ở vị trí đầu nguồn của huyện, đường sá đi lại khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt. Toàn thôn có 37 hộ dân. Mỗi năm vào mùa mưa bão, thôn chịu ảnh hưởng nặng bởi lũ quét, lũ ống. Để hạn chế phần nào thiệt hại do thiên tai, người dân trong thôn chủ động, tích cực nắm bắt thông tin dự báo thời tiết để có phương án ứng phó phù hợp.
Khó khăn của thôn đó là mạng di động, internet đều kém, vì vậy, khi có thông tin liên quan đến thời tiết, các đồng chí cán bộ thôn phải ngay lập tức trực tiếp thông tin đến người dân.
Trước mỗi mùa mưa bão, các gia đình chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm cất trữ; chằng néo, gia cố nhà cửa, công trình phụ trợ; thu hoạch sớm một số loại quả, hoa màu... Trong phòng chống thiên tai, tinh thần cố kết cộng đồng, cùng giúp đỡ, hỗ trợ và chia sẻ của các hộ gia đình là điều rất quan trọng. Đây là sức mạnh nội lực để người dân trong thôn vượt qua thiên tai.