Các ngân hàng "chật vật" phát triển dư nợ

(Baohatinh.vn) - Theo phản ánh, việc nhiều doanh nghiệp Hà Tĩnh quan tâm không phải là lãi suất cho vay mà là các khó khăn chưa được tháo gỡ khiến họ ngại tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Quý I/2024, các ngân hàng trên địa bàn gặp khó khăn trong tăng trưởng dư nợ mặc dù đã chú trọng giảm lãi suất cho vay. Nguyên nhân chủ yếu được xác định do cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đối mặt nhiều thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, kéo theo sức hấp thụ vốn hạn chế.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thiếu vốn hoạt động song lại không thể tiếp cận vốn tín dụng do không đủ điều kiện.

Theo Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đang hoạt động, trong đó có tới 98% doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Năm 2023, chỉ có khoảng 41% doanh nghiệp phát sinh thuế, còn khoảng 59% doanh nghiệp không phát sinh thuế. Ngoài ra, trong số hơn 1.000 HTX, hiện chỉ có trên 12% HTX hoạt động khá tốt, trên 25% HTX hoạt động khá, còn lại hoạt động trung bình, yếu hoặc ngừng hoạt động. Nhìn chung “sức khỏe” của doanh nghiệp, HTX Hà Tĩnh yếu tiếp tục là “rào cản” trong tiếp cận tín dụng.

bqbht_br_z5349813253394-65c4645d00126b8c6f0834be359dfeb4-9177.jpg
Từ ngày 15/4/2024, Vietcombank Hà Tĩnh tiếp tục giảm lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục nhiều năm qua.

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ, Vietcombank Hà Tĩnh cho hay: “Với mục tiêu đẩy mạnh nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các cá nhân, hộ kinh doanh, từ ngày 15/4/2024, Vietcombank Hà Tĩnh tiếp tục giảm lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục nhiều năm qua. Cụ thể, khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh kỳ hạn vay dưới 6 tháng lãi suất chỉ từ khoảng 0,34% - 0,37%/tháng; từ 9 - 12 tháng lãi suất chỉ từ 0,42% - 0,45%/tháng và cố định trên từng khế ước nhận nợ. Ngoài ra, Vietcombank Hà Tĩnh tiếp tục giảm lãi suất cho vay ở tất cả kỳ hạn.

Đặc biệt lãi suất cho vay trung, dài hạn phục vụ kinh doanh và phục vụ đời sống (mua đất, xây sửa nhà, mua xe…) cho các khoản giải ngân trong tháng 4/2024 ở mức chỉ từ 0,5%/tháng và mức lãi này được cố định trong suốt 24 tháng kể từ ngày khách hàng vay vốn. Tuy vậy, sức hấp thụ vốn còn hạn chế, tính đến ngày 2/5/2024, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 14.440 tỷ đồng, giảm so với thời điểm cuối năm 2023”.

Tại BIDV Nam Hà Tĩnh, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận đạt thấp. Ông Bùi Đức Hiền – Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, BIDV Nam Hà Tĩnh cho hay: “Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 5.300 tỷ đồng, quy mô dư nợ có giảm so với thời điểm cuối năm 2023”.

Được biết, thời gian tới BIDV Nam Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chủ động các giải pháp, tiếp tục nắm bắt các khó khăn tài chính của khách hàng để có các giải pháp hỗ trợ, giúp khách hàng tiếp cận vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu…

094.jpg
Khách hàng đến giao dịch tại BIDV Nam Hà Tĩnh.

Hiện nay, khối ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cũng đang khá “chật vật” trong phát triển dư nợ. Theo ghi nhận, loạt ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Tĩnh có quy mô dư nợ giảm như: VP Bank giảm 7,11%, Techcombank giảm 6,3%, MB Bank giảm 4,06%... so với thời điểm cuối năm 2023...

Theo phản ánh của các “nhà băng”, việc cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm không phải là lãi suất cho vay mà chính là "nút thắt" của nền kinh tế chưa được tháo gỡ như: chi phí sản xuất “leo thang” trong khi đầu ra sản phẩm khó khăn, doanh nghiệp giảm quy mô hoạt động, vướng mắc về cơ chế - chính sách… khiến họ ngại tiếp cận với tín dụng ngân hàng.

Theo ông Hồ Sỹ Huy Thảo – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh, hiện nay ngành chăn nuôi vẫn tiếp tục đối mặt thách thức khi dịch bệnh trên đàn vật nuôi liên tiếp đe dọa, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức khá cao, giá thành sản phẩm tuy có cải thiện song chưa được như kỳ vọng… Bởi vậy, thời điểm này doanh nghiệp chủ yếu duy trì hoạt động, ổn định chuỗi liên kết với các cơ sở chăn nuôi vệ tinh tại các địa phương trong tỉnh chứ chưa tính đến việc tăng đàn.

Điều này, đồng nghĩa với việc nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp này cũng sẽ hạn chế.

095.jpg
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh còn gặp khó khăn.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 31/3/2024, dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 95.462 tỷ đồng, giảm 0,61% so với cuối năm 2023. Và, đến ngày 30/4/2024, tình hình tín dụng cũng chưa được cải thiện đáng kể với tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt khoảng 96.150 tỷ đồng, tăng khoảng 0,1% so với thời điểm cuối năm 2023.

Nhìn chung, mặc dù ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất khó khăn. Theo đó, ngoài nỗ lực của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, các cấp, ngành cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách và có các giải pháp thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.