Cam, bưởi héo rũ
Nếu không có nước mưa kịp thời 200 gốc cam của gia đình ông Nguyễn Viết Mão sẽ chết khô.
Trong hơn 1 tháng qua, 2.400 ha cam, bưởi 50 ha chè ở Hương Khê đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Trong đó có 40 ha bưởi Phúc Trạch, 60 ha cây cam, 5 ha cây chè đã chuyển sang úa vàng, khô ngọn rồi cháy sém.
Trong khi thời tiết diễn biến phức tạp, mặc dù một số vùng đã xuất hiện mưa, nhưng lượng nước không đáng kể và dự báo tiếp tục nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày tới nên diện tích thiệt hại cây trồng của Hương Khê có thể tăng lên trong thời gian tới.
Nguồn nước tưới từ các khe suối nhỏ, nước ngầm ở Hương Khê đã cạn kiệt.
Dẫn chúng tôi ra vườn bưởi, ông Nguyễn Viết Mão ở thôn 1, xã Hương Đô chỉ xuống ao nước phía sau nhà, xót xa: Chưa bao giờ người trồng cam chúng tôi phải đối mặt với hạn hán kéo dài như hiện tại. Nguồn nước tưới từ các khe suối nhỏ, nước ngầm đã cạn kiệt. Thậm chí, nước sinh hoạt đang bắt đầu khan hiếm dần thì lấy đâu nước để tưới cho cây được. Bởi vậy, nếu không có nước mưa kịp thời thì toàn bộ 200 gốc cam của gia đình sẽ khó cứu.
Hàng trăm ha cam, bưởi đang hấp hối.
Theo ghi nhận, một số hộ dân ở xã Hương Đô (nơi vựa cam Khe Mây lớn nhất huyện) đã có tâm lý “buông bỏ”. Nguyên do là họ ở xa các nguồn nước như ao hồ, sông lớn nên “hết cách”. Theo họ, không chỉ chịu thất thu trong mùa vụ năm nay mà thậm chí khó giữ được cây cam.
Anh Thái Văn Tuấn lo lắng khi không thể bơm nước tưới cho cây cam, bưởi.
Anh Thái Văn Tuấn (thôn 9, xã Phúc Trạch) lo lắng nói: Ngày nào cũng phải chứng kiến cam, bưởi héo rũ người trồng đau lòng lắm. Đáng nói nhất là nguồn điện ở đây quá yếu, không đủ tải để chạy máy bơm, trong khi nguồn nước thì xa nên nếu cứu được cây thì chi phí cũng là quá lớn so với khả năng của người dân. Không biết vườn bưởi nhà tôi sẽ còn sống cầm cự được bao nhiêu ngày nữa.
Ngô, đậu chết khô
Gần như toàn bộ diện tích ngô Hè thu ở Hương Khê đã chết trắng vì nắng hạn.
Vụ hè thu, toàn huyện Hương Khê sản xuất hơn 2.000 ha lúa, nhưng nắng hạn kéo dài khiến khoảng 25% diện tích nói trên bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 30 ha lúa đã chết, không có khả năng hồi phục. Bên cạnh đó, có khoảng 600/700 ha cây đậu bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, dự báo sản lượng thu hoạch sẽ rất thấp.
Đặc biệt nhất, gần như toàn bộ diện tích cây ngô (750 ha) bị thiệt hại, có hơn 600 ha ngô đã chết. Bà Ngô Thị Cúc, thôn 4 xã Điền Mỹ than thở: “Ngô chết nhanh đến nỗi chúng tôi còn không cắt kịp cho trâu, bò ăn nữa. Vụ này gia đình tôi trồng hơn 3 sào ngô nhưng cây không phát triển được, đến bây giờ thì cây khô, teo tóp từ gốc đến ngọn, cháy cả lá, cả bông. Cây ngô ở đây chủ yếu dựa vào nguồn nước tự nhiên (nước mưa), trong thời gian cả tháng không có mưa mà nhiệt độ cao thì cây không thể sống nổi. Như vụ xuân thì gia đình thu về gần 5 triệu đồng trên diện tích này thì vụ hè thu chắc chắn là mất trắng”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết: “Mặc dù hệ thống thủy lợi gồm hồ, đập chứa nước, kênh mương trên địa bàn đã được đầu tư khá nhiều. Song với điều kiện quá khắc nghiệt, hạn hán kéo dài nên sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn. Để có thể duy trì sự sống cho cây trồng, huyện đã và đang chỉ đạo các địa phương, đơn vị vận hành thủy lợi điều tiết, phân phối nước về các vùng sản xuất.”
Hạn hán dài ngày, nhiều ao hồ trên địa bàn Hương Khê đã khô cạn
"Với diện tích cây ăn quả, huyện tích cực tuyên tuyền, hướng dẫn người dân tủ gốc cây giữ ẩm, mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống máy bơm, ống dẫn nước để phục vụ tưới cây trồng.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi cũng đang gấp rút triển khai nạo vét một số ao hồ, đập thủy lợi để tích nước. Đồng thời, kiến nghị lên cấp trên quan tâm, hỗ trợ các trạm điện tại những vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như Khe Mây (xã Hương Đô), Trạng Nẹo (xã Phúc Trạch)" - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết thêm.