Do địa bàn rộng, đang tồn tại ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, TP Hà Tĩnh đã sớm chỉ đạo các địa phương thống kê số lượng đàn vật nuôi nằm trong diện tiêm phòng; thành lập tổ tiêm phòng theo cụm, xã, tiêm theo hình thức cuốn chiếu từng xã.
Đến nay, thành phố đã tiến hành tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò cho 1.210/4.255 con; tiêm phòng bệnh dịch tả lợn cho 1.930/21.840 con; tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng lợn cho 1.930/21.840 con và tiêm phòng bệnh dại chó 1.922/5.706 con.

Chị Trần Thị Thu (thôn Trung Văn, xã Thạch Văn, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Gia đình đang chăn nuôi 3 con bò. Thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường làm vật nuôi giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh hơn nên tôi đã chủ động báo cáo đầy đủ số lượng, thường xuyên cập nhật thông tin trên hệ thống phát thanh của xã để được tiêm phòng đúng quy định”.
Theo ông Trần Viết Phương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh, nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác tiêm phòng, TP Hà Tĩnh đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn dụng cụ bảo quản, vận chuyển, kỹ thuật tiêm phòng, thời điểm tiêm phòng từng loại vắc-xin trên gia súc, gia cầm; cử cán bộ trực tiếp bám nắm địa bàn để giám sát tiến độ, hỗ trợ chuyên môn trong những trường hợp cần thiết. Địa phương tập trung nhân, vật lực, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc-xin tại thời điểm tiêm phòng, hoàn thành trước ngày 30/5 theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đức Thọ cũng đang tập trung hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 1 năm 2025. Theo rà soát, toàn huyện tiến hành tiêm phòng vắc-xin đối với hơn 6.900 con trâu, bò; hơn 8.800 con lợn; hơn 9.300 con chó; hơn 83.100 con gia cầm;…
Ông Phan Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã An Dũng (Đức Thọ) cho biết: “Là địa phương có hoạt động chăn nuôi phát triển, người dân đang có xu hướng tái đàn, tăng đàn nhiều sau Tết Nguyên đán. Hiện nay, xã An Dũng đã tổ chức tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho hơn 320 con trâu, bò, tiêm phòng dại cho hơn 550 con chó và sẽ đẩy nhanh tiến độ trong những ngày tới. Chính quyền đã tăng cường tuyên truyền về đối tượng bắt buộc phải tiêm, thời gian và các quy định về công tác tiêm phòng để người chăn nuôi biết, chấp hành nghiêm túc. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, bố trí thêm nhân lực phục vụ công tác tiêm phòng”.
Hiện nay, các địa phương còn lại trong tỉnh cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm theo quy định nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây nên. Các địa phương có số lượng tổng đàn chăn nuôi lớn là: huyện Vũ Quang, huyện Hương Sơn, huyện Hương Khê,…
Hiện đang là giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột làm sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Vì thế, ngành chuyên môn khuyến cáo, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin là giải pháp quan trọng hàng đầu để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi Hà Tĩnh, toàn tỉnh có gần 2,2 triệu con gia cầm, hơn 97.000 con trâu bò, hơn 184.000 con lợn, trên 88.700 con chó thuộc diện phải tiêm phòng đợt 1 năm 2025.
Thời gian tiêm phòng vắc-xin đợt 1 năm 2025 sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 30/5. Các địa phương cần tập trung huy động nhân, vật lực đảm bảo quá trình tiêm phòng đạt kết quả cao, hỗ trợ tốt cho quá trình phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi (đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc-xin tại thời điểm tiêm phòng); thường xuyên thông tin để người chăn nuôi nêu cao ý thức, tuân thủ tiêm phòng đúng quy định, bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm.
Bên cạnh việc đẩy nhanh công tác tiêm phòng, các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt tại những khu vực từng có dịch hoặc có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi có dấu hiệu dịch bệnh.

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận nhiều ổ dịch nguy hiểm. Trong đó, có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 tỉnh, 68 ổ dịch tả heo châu Phi tại 20 tỉnh, cùng 19 ca tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh.
Tại Hà Tĩnh, DTLCP đang xảy ra trên địa bàn 8 xã (Yên Hòa, Cẩm Dương, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Duệ, Tượng Sơn, Thạch Trị và Hòa Hải) thuộc 2 huyện (Cẩm Xuyên, Hương Khê) và TP Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày. Lũy kế từ đầu năm lại nay, các địa phương đã tiến hành tiêu hủy trên 600 con lợn.