Đã qua 2 năm nhưng chắc hẳn khi nhắc đến vụ cháy không may xảy ra vào sáng ngày 12/2/2021 (mồng 1 tết Âm lịch) tại nhà anh N.H.T. (xã Hòa Hải, Hương Khê) khiến người con 10 tuổi của gia đình tử vong vẫn khiến nhiều người đau xót. Nguyên nhân của vụ cháy sau đó được xác định là do chập điện.
Vụ cháy xảy ra vào ngày mồng 1 tết Âm lịch năm 2021 tại Hương Khê khiến 1 người tử vong.
Cũng vào thời điểm cận tết, ngày 1/2/2022, tại nhà anh L.V.B. (xã Hương Xuân, Hương Khê), xảy ra vụ cháy do gia đình bất cẩn khi thắp hương. Vụ cháy may mắn không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi ngôi nhà và các tài sản với tổng giá trị khoảng 100 triệu đồng.
Ngày 15/1/2023, tại xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn) xảy ra một vụ cháy chuồng nuôi gia súc của gia đình bà L.T.N. gây thiệt hại tài sản khoảng 3 triệu đồng. Nguyên nhân do gia đình sơ suất khi dùng lửa sưởi ấm cho gia súc.
Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ các vụ cháy xảy ra vào thời điểm trước, trong và sau tết Dương lịch, tết Nguyên đán khá cao. Số liệu vụ cháy xảy ra từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau của năm 2021 là 31 vụ; năm 2022 là 26 vụ và từ tháng 10/2023 đến nay là 14 vụ. Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy phần lớn do chập điện; sơ suất trong dùng lửa, dùng nhiệt... Các vụ cháy không chỉ xảy ra ở các hộ gia đình mà còn ở các cơ sở kinh doanh, gây thiệt hại rất lớn.
Những bất cẩn trong thắp hương, đốt vàng mã, sử dụng quá tải các thiết bị điện sinh nhiệt... cũng là những nguyên nhân khiến nguy cơ cháy, nổ cao. (Ảnh Internet)
Dịp này, người dân thường tập trung nguồn vốn để dự trữ hàng hóa phục vụ tết; lượng hàng hóa nhiều, việc sắp xếp nếu không đảm bảo lối thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC với nguồn lửa, nguồn nhiệt, khoảng cách giữa các lô hàng với nhau, khoảng cách với trần sẽ rất dễ phát sinh gây ra cháy, nổ; bên cạnh đó, bất cẩn trong thắp hương, đốt vàng mã, sử dụng quá tải các thiết bị điện sinh nhiệt... cũng là những nguyên nhân khiến nguy cơ cháy, nổ cao.
Lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn tiểu thương thực hiện tốt công tác PCCC.
Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra trong thời điểm trước, trong và sau Tết, Thượng tá Võ Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh Hà Tĩnh) khuyến cáo: “Các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy và biết cách sử dựng những phương tiện này; mở lối thoát nạn thứ 2, chuẩn bị dụng cụ phá dỡ, các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện các thiết bị sưởi ấm, không xạc pin xe máy, xe đạp điện qua đêm...
Tuyệt đối không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết; không sử dụng than, củi để sưởi ấm trong không gian kín; có phương án tích trữ hàng hóa, chất dễ cháy, nổ phù hợp; sắp xếp vật tư, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, các thiết bị điện”.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Hà Tĩnh phối hợp với Ban Quản lý chung cư Vinhomes New Center Hà Tĩnh tổ chức diễn tập PCCC&CNCH.
Cũng theo Thượng tá Võ Đăng Khoa, các ngành, các đơn vị, cơ sở cần tổ chức tốt hoạt động PCCC&CNCH tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng; thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để kịp thời phát hiện và dập tắt đám cháy.