Chống hạn sớm cho cây chè

(Baohatinh.vn) - Nông dân Hà Tĩnh đã tập trung áp dụng nhiều giải pháp chống hạn cho hơn 1.200 ha cây chè nguyên liệu nhằm duy trì sản lượng, chất lượng ổn định trong mùa nắng nóng.

Tại xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) - nơi có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu tác động của gió phơn Tây Nam, nhiều hộ dân đã chủ động đầu tư các giải pháp chống hạn cho cây chè ngay từ đầu vụ.

Bà Dương Thị Hương (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng, Kỳ Anh) cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào chè, là nguồn kinh tế chính. Sau mỗi đợt thu hoạch, tôi luôn tranh thủ thời điểm đất còn ẩm để tiến hành bón phân, làm cỏ, ủ gốc. Đặc biệt, tôi tiến hành lắp đặt lại hệ thống ống nước, thường xuyên tưới vào sáng sớm và chiều muộn nhằm giữ độ ẩm cho đất, hạn chế cây bị sốc nhiệt trong những ngày nắng gắt".

Bà Dương Thị Hương (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng, Kỳ Anh) tấp ủ gốc để giữ ẩm cho cây chè.

Không chỉ bà Hương, hộ ông Dương Thanh Niên (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng, Kỳ Anh) cũng đã đầu tư hệ thống dẫn nước từ suối Rào Trổ về vườn chè của gia đình. Ông Niên cho biết: “Từ nguồn nước trữ này, tôi có thể chủ động tưới liên tục từ 8 - 10 tiếng/ngày vào những đợt nắng cao điểm. Tôi còn đào rãnh giữa các luống chè để giữ nước khi có mưa, giúp đất ẩm lâu hơn, tránh hiện tượng nứt nẻ và hạn chế rửa trôi dinh dưỡng”.

Những năm gần đây, nhận thấy phương pháp tưới tràn bằng vòi bơm truyền thống không chỉ tốn nước mà còn làm đất bị nén chặt, nhiều hộ dân ở Kỳ Thượng đã chuyển sang lắp đặt hệ thống tưới bằng béc tự động. Phương pháp này không những giúp tiết kiệm nước mà còn cải thiện kết cấu đất, tăng độ thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho rễ cây phát triển. Đến nay, toàn xã Kỳ Thượng đã có hơn 15/80 ha chè được lắp đặt hệ thống tưới hiện đại, giúp người dân giảm áp lực lao động trong mùa khô, nâng cao năng suất cây trồng.

Người dân chủ động sửa chữa lại hệ thống ống dẫn nước để chuẩn bị cho những đợt tưới dài ngày trong mùa hè năm nay.

Tại “thủ phủ” chè xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh), thời gian qua, vùng nguyên liệu này cũng chịu tác động không nhỏ bởi sự khắc nghiệt của thời tiết nên người dân càng chú trọng hơn đến công tác chống hạn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hường (thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung, Kỳ Anh) cho biết: “Gia đình tôi có gần 1,5 ha chè công nghiệp, đều được lắp đặt hệ thống tưới tự động gần 2 năm nay. Cách tưới này có thể điều chỉnh lượng nước phù hợp, nước thấm đều, từ đó góp phần đảm bảo năng suất, sản lượng, nhất là trong thời kỳ cao điểm nắng nóng. Ngoài ra, tôi cũng đã chủ động chặt cây bụi, tận dụng rơm rạ để tấp gốc, giữ ẩm cho chè”.

Hệ thống béc tưới tự động xoay 360 độ ngày càng được nhiều người trồng chè quan tâm đầu tư, đưa vào sử dụng.

Theo số liệu thống kê, huyện Kỳ Anh có hơn 400 ha chè nguyên liệu, tập trung tại các xã Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Tây. Để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển cây chè, thời gian qua, người trồng chè đã nỗ lực trong việc phát triển diện tích và chống hạn cho cây. Tuy nhiên, nhiều người dân mong muốn tiếp tục nhận được các chính sách hỗ trợ, đồng hành, đặc biệt là trong triển khai những giải pháp bền vững để chống hạn cho cây chè vào thời gian tới.

Hà Tĩnh có hơn 1.200 ha chè tập trung tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê...

Tuy mới chớm hè nhưng “chảo lửa” Hương Khê cũng đã trải qua một số đợt nắng nóng, việc chăm sóc cho cây chè càng được người dân thực hiện thường xuyên.

Chị Phan Thị Hanh (thôn Tiền Phong, xã Hương Trà, Hương Khê) chia sẻ: “Chè là cây rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao, nếu không chăm sóc tốt sẽ bị khô, lá cháy. Gia đình tôi đã khoan thêm giếng và thường xuyên kiểm tra độ ẩm đất để chủ động tưới. Quan trọng nhất là không tận thu chè non, giữ sức cây trong giai đoạn nắng hạn”.

Người trồng chè Hương Sơn hạn chế thu hái trong các đợt nắng nóng gay gắt để "dưỡng" cây. (Ảnh Hoài Nhơn)

Hiện nay, chuỗi liên kết trồng chè xuất khẩu của huyện Hương Khê với Xí nghiệp Chè 20/4 (Công ty CP Chè Hà Tĩnh) tiếp tục duy trì với diện tích 185 ha, sản lượng 2.031 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 14,2 tỷ đồng/năm. Nhờ mô hình liên kết này, người dân thường xuyên được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái và bảo quản chè theo quy trình chuẩn.

Ông Trần Công Quang - Giám đốc Xí nghiệp Chè 20/4 cho hay: “Để đảm bảo cây chè phát triển ổn định, chúng tôi đã xây dựng kịch bản chống hạn từ đầu năm. Theo đó, căn cứ tình hình cụ thể, xí nghiệp hỗ trợ một phần chi phí nếu nông dân thực hiện khoan giếng, giảm 50% tiền điện bơm tưới trong các đợt cao điểm và phối hợp với chính quyền tích nước tại các hồ đập lớn. Đồng thời, khuyến khích người dân lắp đặt thêm các hệ thống tưới hiện đại để tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Hà Tĩnh hiện có hơn 1.200 ha chè, sản lượng gần 14.000 tấn/năm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Khuyến cáo từ Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh, trong mùa nắng hạn, người dân cần đặc biệt chú ý tưới nước, tấp ủ gốc để giữ ẩm cho cây, nhất là tại những nương chè chưa có cây che bóng mát. Sau đợt nắng nóng cần cắt, dọn hết những búp non và lá bị cháy táp trên mặt tán, thực hiện bón phân cân đối, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh để tăng sức đề kháng cho cây.

Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, chủ động nguồn nước lâu dài, chăm sóc theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp (IPHM) là giải pháp then chốt để đảm bảo năng suất, chất lượng cây chè bền vững.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói