Chủ thầu xây dựng ở Hà Tĩnh “mỏi mắt” tìm thợ!

(Baohatinh.vn) - Đang vào mùa cao điểm xây dựng, nhiều thợ xây, thợ phụ hồ lại “dính F0” nên nhiều nhà thầu ở Hà Tĩnh gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm thợ nề, dẫn đến công trình bị chậm tiến độ so với dự kiến.

Thời điểm này, ông Nguyễn Văn Nam - chủ thầu xây dựng ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) đang nhận thi công 3 công trình nhà ở. Tuy nhiên, do thiếu thợ nên hiện nay ông Nam phải thương lượng tạm ngưng thi công 1 công trình trong vài tuần để tập trung nhân lực hoàn thiện 2 công trình còn lại.

Ông Nguyễn Văn Nam đã phải tạm ngưng thi công 1 công trình trong vài tuần để tập trung nhân lực hoàn thiện 2 công trình còn lại.

Ông Nguyễn Văn Nam cho hay: “Đáng lẽ mỗi công trình phải có 4 thợ chính, 2 thợ phụ làm nhưng anh em cứ lần lượt “dính” COVID-19, buộc phải nghỉ ở nhà nên có nhiều thời điểm chỉ có 2 thợ làm 1 công trình. Dù đã phải tạm ngưng 1 công trình nhưng 2 công trình còn lại vẫn bị chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu. Chúng tôi cũng muốn tìm kiếm thêm thợ nhưng “đỏ mắt” vẫn không ra. Rất may, thời điểm này, một số chủ nhà cũng hiểu tình hình chứ không thì chưa biết xoay xở như thế nào cho hợp lý".

Cũng như ông Nam, nhiều chủ thầu xây dựng đang rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu thợ. Theo các chủ thầu, từ nhiều năm nay, cứ vào dịp cao điểm xây dựng (thường vào những tháng đầu năm - PV) là xảy ra tình trạng thiếu thợ xây, phụ hồ. Năm nay, nhiều lao động bị nhiễm COVID-19 phải tạm nghỉ nên thợ đã thiếu nay còn thiếu hơn”.

Vì có 3 thợ bị nhiễm COVID-19 nên công trình của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và vận chuyển Chí Trung đang bị chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và vận chuyển Chí Trung (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Công ty tôi đang thi công công trình trường học tại huyện Thạch Hà, đợt này tập trung dựng cốp pha để đổ mái tầng 1 nhưng cùng lúc có 3 thợ đều bị nhiễm COVID-19 gần 1 tuần nay chưa đi làm trở lại. Số lượng người làm không đủ, công trình bị “tụt” lại khá nhiều. Tôi muốn tìm 5 - 7 thợ mới để đẩy nhanh tiến độ hơn nhưng hỏi nhiều nơi vẫn không thuê được. Trong lúc giá các vật liệu tăng cao, tình trạng thiếu nhân lực kéo dài khiến hoạt động xây dựng càng khó khăn hơn”.

Các chủ thầu xây dựng cho hay, khi đã nhận công trình thì phải thi công theo kế hoạch. Do đó, để giữ khách và giữ chữ tín trong nghề, dù ít thợ thì chủ thầu cũng phải chia nhân công ra để đảm bảo công trình nào cũng có người làm.

Anh Sáng thường xuyên luân chuyển đội thợ thi công công trình, sắp xếp các phần việc “ăn khớp” nhau để đảm bảo tiến độ.

Anh Quang Sáng - chủ thầu xây dựng ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân) cho biết: “Đầu năm tới nay, tôi đã nhận xây dựng 7 ngôi nhà, hiện đang thi công 3 công trình, cần từ 15 - 18 thợ. Để đảm bảo tiến độ cho các công trình, tôi thường xuyên luân chuyển các đội thợ và sắp xếp tiến độ các công trình phải thật “ăn khớp”, chẳng hạn như trong thời gian nghỉ quãng sau khi đổ bê tông sàn công trình này thì phải tranh thủ xây dựng ở công trình khác. Còn giai đoạn này, công nhân nghỉ do mắc COVID-19 thì đành bất khả kháng vì kiếm thợ thay thế cũng không hề dễ”.

Một công trình ở Can Lộc tạm thời phải ngưng thi công vì thiếu thợ.

Theo anh Sáng, đầu năm là mùa khởi công các công trình xây dựng nên nhu cầu cần thợ xây, thợ hồ khá nhiều. Trong khi đó, nghề xây dựng có nhiều vất vả nên ngày nay, nhiều người không chọn làm nghề này nữa, chưa nói đến còn do ảnh hưởng dịch bệnh. Vì thế, các chủ thầu rất khó để tuyển dụng đủ người.

Ngoài ra, việc nhiều nhà thầu thiếu nhân công còn do thợ “nhảy việc”. Thợ xây, phụ hồ là lao động tự do, nếu có chỗ khác chế độ tốt hơn thì dĩ nhiên là họ sẽ tìm đến chủ thầu mới. Vào thời điểm này, để thợ làm việc lâu dài, ổn định thì chủ thầu phải đảm bảo các chế độ và trả lương đúng hạn.

Thợ xây là nghề vất vả, đòi hỏi phải đủ sức khỏe và chịu khó.

Theo tìm hiểu, tiền công lao động của thợ xây chính trung bình khoảng 350 - 400.000 đồng/ngày, thợ phụ 300 - 320.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, thợ xây là nghề vất vả, phải làm việc ngoài trời thường xuyên nên nếu không đủ sức khỏe, không chịu khó, chịu khổ được thì khó bám trụ.

Anh Phạm Văn Hùng - thợ xây ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) bày tỏ: “Tôi làm nghề này đã được hơn 5 năm, công việc tuy cực nhọc vì phải làm ngoài nắng và tiếp xúc với vôi vữa, bê tông nhưng cũng tích cóp được số tiền nuôi con đi học. Tôi cũng chỉ tính làm thêm ít năm, con cái học hành xong rồi cũng nghỉ thôi vì vất vả, hao sức khỏe lắm".

Theo anh Hùng, để “giữ chân” lao động, các chủ thầu cần có các chế độ đãi ngộ tốt hơn, cũng như nâng cấp, đầu tư máy móc để giảm bớt sức lao động cho công nhân.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói