Tình hình sâu bệnh đang diễn biến phức tạp trên các trà lúa Xuân ở Hà Tĩnh
Theo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, hiện nay, bệnh đốm nâu nhiễm 2.012 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Lộc Hà, Thạch Hà, cẩm Xuyên...; rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại cục bộ, dạng ổ nơi cao 1.500 - 2.000 con/m2 rầy tuổi 5, trưởng thành và có sự xen gối lứa; nguồn nấm bệnh đạo ôn trên đồng ruộng đang có nguy cơ gây hại cổ bông trên diện rộng.
Từ ngày 14 đến 18/4, do ảnh hưởng không khí lạnh gây mưa, gió Đông Bắc cấp 2, cấp 3, nhiệt độ trung bình 20-26°C, ẩm độ 90-95% và theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, khả năng từ ngày 24-27/4 trên địa bàn tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng của không khí lạnh yếu gây mưa ẩm. Kết quả giám định bào tử nấm bệnh đạo ôn trong thời gian từ ngày 5 đến 13/4, mật độ bào tử trên vết bệnh rất cao (mẫu bệnh lấy tại huyện cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Lộc Hà), đủ điều kiện gây hại trên cổ bông giai đoạn lúa trổ - phơi màu.
Để chủ động phòng trừ dịch hại trên lúa vụ Xuân 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng NN&PTNT/Phòng Kinh tế, Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng - vật nuôi, các phòng, ban liên quan và UBND các xã/phường/thị trấn đốn đốc, chỉ đạo bà con nông dân tập trung chăm sóc lúa vụ Xuân, điều tiết chế độ nước hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng - trổ bông.
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông, xác định chính xác thời gian trổ của từng trà lúa, trước mắt xử lý triệt để số diện tích bị nhiễm trên lá thời gian qua và số diện tích bắt đầu xuất hiện đòng già đến trổ vè (3-5%), những ruộng màu xanh đậm (biểu hiện thừa đạm); đồng thời tiếp tục theo dõi thời tiết, căn cứ vào sinh trưởng của lúa ở từng cánh đồng, từng vùng, từng giống để quyết định mở rộng diện tích phải xử lý thuốc, trên cơ sở đó tiến hành khoanh vùng, cắm vè và tổ chức hướng dẫn nhân dân triển khai phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông đúng quy trình kỹ thuật.
Các địa phương cũng cần tăng cường theo dõi diễn biến của rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đốm nâu... để có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Giám đốc Sở NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng từ nay đến cuối vụ sản xuất; chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo chính xác diễn biến các đối tượng dịch hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông; bố trí cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương bám sát cơ sở, hướng dẫn, tổ chức thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuốc BVTV; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...
Các Công ty TNHH MTV Thủy lợi: Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương vận hành tốt các hệ thống tưới, đảm bảo cung cấp đủ nước cho lúa làm đòng, trổ bông.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị UBMTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, Sở TT&TT, Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh cùng các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT các địa phương, tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng đúng quy trình kỹ thuật...