Chúng tôi tự hào khi nhường đất, dời nhà phục vụ dự án trọng điểm quốc gia

(Baohatinh.vn) - “Di dời chỗ ở trong thời gian ngắn là một sự xáo trộn lớn, ảnh hưởng đời sống gia đình, song vì lợi ích quốc gia, dân tộc, chúng tôi sẵn sàng nhường đất cho dự án trọng điểm đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối”, đó là tâm sự của rất nhiều người dân Hà Tĩnh nơi dự án đi qua.

“Di dời chỗ ở trong thời gian ngắn là một sự xáo trộn lớn, ảnh hưởng đời sống gia đình, song vì lợi ích quốc gia, dân tộc, chúng tôi sẵn sàng nhường đất cho dự án trọng điểm đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối”, đó là tâm sự của rất nhiều người dân nơi dự án đi qua ở Hà Tĩnh.

Trong cái nắng thu còn nhiều gay gắt, hình ảnh người đàn ông 60 tuổi ngày ngày qua lại hỗ trợ các gia đình trong thôn di dời tài sản về nơi ở mới, sẻ phát cây cối trong hành lang lưới điện 500kV mạch 3, rồi lại tất bật trở về nhà mình để giám sát thi công ngôi nhà mới đã quen thuộc với nhiều người dân thôn Quốc Tuấn, xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên). Ông Võ Tá Long (SN 1964) là một trong những hộ dân đầu tiên giải tỏa tài sản, nhường đất cho dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên).

Ngôi nhà cũ của gia đình ông Võ Tá Long (ở giữa) đã được giải tỏa phục vụ thi công dự án đường dây 500kV mạch 3.

Trong dự án trọng điểm quốc gia đường dây 500kV mạch 3, gia đình ông Võ Tá Long và anh Võ Tá Sông (SN 1993) – con trai ông Long đều thuộc diện phải di dời đến nơi ở mới. Với đại gia đình ông Long, mảnh đất cha ông để lại không chỉ là tài sản mà còn là kỷ niệm gắn bó cả cuộc đời. Trên mảnh đất ấy, họ gầy dựng nhà cửa, con cháu lớn lên, trưởng thành; rồi hoa màu, cây trái đã nuôi sống, gắn bó với biết bao thế hệ nên việc chuyển đến nơi ở mới thật không phải dễ.

Ông Võ Tá Long chia sẻ về quyết định tiên phong di dời chỗ ở.

“Thay đổi chỗ ở một cách đột ngột là một sự xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên trong gia đình, chúng tôi không lo lắng, suy tư sao được. Tuy nhiên, nước có “thịnh” thì nhà mới “hưng”, khi Nhà nước cần đất để triển khai công trình, dự án phục vụ sự nghiệp phát triển của quốc gia thì mình không thể làm thinh. Bởi vậy, tôi đã quyết định và thuyết phục gia đình con trai tiên phong chuyển về nơi ở mới. Với những người nông dân chân chất như chúng tôi, tuân thủ chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng là việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ” – ông Long trải lòng.



Nhiều tháng liền đại gia đình ông Võ Tá Long sinh hoạt trong lán tạm chật hẹp, chờ ngôi nhà mới hoàn thành song họ đều phấn khởi vì đã có đóng góp cho dự án trọng điểm quốc gia.

Ngôi nhà cũ của gia đình ông Võ Tá Long và con trai Võ Tá Sông có diện tích 3.500 m2 với cơ ngơi khang, vườn tược được quy hoạch bài bản. Nguồn sống cả gia đình phụ thuộc vào mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, song khi Nhà nước cần, họ sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu chung. Hiện nay, bố con ông Long đang xây nhà mới, cả đại gia đình đang sống tạm trong lán chật chội, nóng nảy. Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, họ chấp nhận và phấn khởi với lựa chọn của mình. Với họ, hạnh phúc là việc được góp sức vào xây dựng dòng điện quốc gia.

Các ngôi nhà mới của ông Võ Tá Long và con trai đang được xây dựng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tý (SN 1972) cùng trú tại thôn Quốc Tuấn (xã Cẩm Mỹ) cũng thuộc diện phải di dời nhà ở do ảnh hưởng dự án đường dây 500kV mạch 3. Ngay khi chính quyền phổ biến chủ trương, ông đã đồng thuận ngay. Khi chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), ông đã chủ động mua đất để làm nhà mới, sớm nhường mặt bằng cho dự án.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tý (xã Cẩm Mỹ) cũng là một trong những hộ tiên phong di dời chỗ ở.

Ông Nguyễn Văn Tý chia sẻ: “Quá trình xây nhà mới, cả gia đình 3 thế hệ phải thuê nhà ở tạm trong không gian chật hẹp; rồi nhà cửa, chuồng trại nơi ở cũ bị giải tỏa, phải bán hết trâu bò, lợn gà… Song, chúng tôi đều đồng thuận bởi đã góp một phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng dự án trọng điểm. Việc xác lập cuộc sống trong môi trường mới sẽ có không ít bất lợi nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực tổ chức sản xuất và sớm ổn định kinh tế”.

Những người tiên phong tái định cư như ông Long, ông Tý đã tạo sức lan tỏa để những hộ trong diện di dời tại địa phương cùng nhau thực hiện chủ trương lớn. Bởi vậy, trong thời gian ngắn, xã Cẩm Mỹ đã hoàn thành khối lượng lớn trong GPMB, tạo thuận lợi cho quá trình thi công dự án.

Cấp ủy, chính quyền xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) và chủ đầu tư luôn lắng nghe ý kiến của người dân trong vùng bị ảnh hưởng để tạo sự đồng thuận.

Ông Nguyễn Văn Dương – Quyền Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) cho biết: “Triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3, xã có 63 hộ bị ảnh hưởng tài sản, đất đai, cây cối, hoa màu, trong đó 13 hộ phải di dời nơi ở. Với khối lượng GPMB lớn, áp lực về thời gian đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương một nhiệm vụ khá nặng nề. Tuy vậy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến tận hộ dân về chủ trương thực hiện dự án quốc gia và may mắn là sự ủng hộ của người dân rất cao nên sớm tạo sự đồng thuận, kịp thời di dời chỗ ở phục vụ thi công. Thời gian qua, xã đã phối hợp cơ quan GPMB huyện Cẩm Xuyên và chủ đầu tư tổ chức kiểm đếm tài sản, xác định nguồn gốc đất đai, chi trả hỗ trợ đền bù GPMB dự án đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và kịp thời để Nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Xã cũng huy động hàng trăm ngày công hỗ trợ các gia đình di dời tài sản, hỗ trợ chủ đầu tư và các đơn vị thi công phát quang hành lang lưới điện, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án”.

Cẩm Xuyên là địa phương có khối lượng thi công dự án lớn nhất tỉnh với 30,6 km đường dây, 62 vị trí móng cột thuộc địa phận 9 xã.

Triển khai dự án 500 kV mạch 3, huyện Cẩm Xuyên có 16 hộ dân phải di dời nơi ở.

Theo ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, dự án đường dây 500kV mạch 3 qua địa bàn ảnh hưởng tới nhà cửa và cây cối của gần 230 hộ dân, 32 công trình chuồng trại phải giải tỏa, 16 hộ dân phải di dời nơi ở. Mặc dù GPMB là nhiệm vụ khó khăn, khối lượng công việc lớn, phải giải quyết trong thời gian cấp bách, song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB, đảm bảo điều kiện để chuẩn bị đóng điện dự án.

Những ngày này, gia đình ông Thái Hữu Tuấn (SN 1977, trú thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, Can Lộc) đang tập trung hoàn thành các hạng mục nhà ở, sân vườn tại vị trí mới để nhường đất cho dự án đường dây 500kV mạch 3. Đã nhiều thế hệ gắn bó ở ngôi nhà cũ nên khi phải chuyển về nơi ở mới, các thành viên trong gia đình ông Tuấn không tránh khỏi sự hụt hẫng, tiếc nuối.

Gia đình ông Thái Hữu Tuấn (xã Sơn Lộc, Can Lộc) tiên phong giải tỏa nhà cửa, trang trại chăn nuôi, cây ăn quả phục vụ dự án đường dây 500kV mạch 3.

Ông Thái Hữu Tuấn chia sẻ: “Năm 1989, ông nội tôi theo chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới đã vào vùng Khe Lang khai khẩn đất hoang, gầy dựng mô hình trang trại. Lớp cha trước lớp con sau, gia đình đã sở hữu nhà cửa khang trang cùng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô hơn 100 con/lứa và trang trại cây ăn quả trù phú. Khi di dời chỗ ở, toàn bộ tài sản gầy dựng phải giải tỏa, hoạt động chăn nuôi tạm ngừng, cây ăn quả bị phá bỏ, khó tính được thiệt hơn về kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rằng, nếu mình không đồng thuận thì dự án sẽ bị gián đoạn. Do đó, vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, chúng tôi tiên phong di dời và quyết tâm xây dựng kinh tế ở vị trí mới”.

Gia đình ông Thái Hữu Tuấn đồng thuận với chủ trương của Nhà nước, chung tay vì lợi ích quốc gia dân tộc.

Ông Thân Văn Vỵ - Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc (Can Lộc) thông tin: “Dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua địa bàn ảnh hưởng đất đai, nhà cửa, cây cối của 9 hộ dân, trong đó 2 hộ phải giải tỏa nhà cửa, di dời nơi ở. Đây đều là những hộ đất rộng, có trang trại chăn nuôi, cây ăn quả cho thu nhập khá nên công tác vận động di dời, chuyển đổi nơi ở mới ban đầu đặt ra những thách thức cho chính quyền địa phương. Tuy vậy, qua quá trình tuyên truyền, vận động, khi người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án nên họ sẵn sàng nhường đất. Tinh thần đoàn kết, vì mục tiêu chung của người dân đã góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Ông Thân Văn Vỵ - Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc chia sẻ về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi thường GPMB, tái định cư dự án đường dây 500 kv mạch 3 đoạn qua địa bàn.

Cùng "lấy đại cục làm trọng", 5 hộ dân thôn Tân Hồ, xã Tân Mỹ Hà (Hương Sơn) cũng đi đầu trong việc nhường đất phục vụ xây dựng dòng điện quốc gia. Di dời lên vùng tái định cư, làm quen với môi trường sống mới thật không dễ dàng, song các gia đình đều phấn khởi và vinh dự vì được góp một phần vào việc thực hiện dự án trọng điểm quốc gia.

“Đời người không mấy ai mong muốn phải thay đổi chỗ ở đột ngột, nhất là với người nông dân - khi từng tấc đất, góc nhà đã gắn bó với họ tự bao đời. Hiểu được tâm lý đó, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện bố trí tái định cư gần chỗ ở cũ để bà con quen với phong tục tập quán sản xuất cũng như xây dựng hạ tầng tái định cư đảm bảo các điều kiện, sớm ổn định cuộc sống mới”, ông Trần Kim Chi – Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Hà trao đổi.

Xã Tân Mỹ Hà (Hương Sơn) huy động lực lượng hỗ trợ xây dựng nhà mới cho các hộ tái định cư.

Gia đình bà Phạm Thị Hiểu (65 tuổi, ở thôn Tân Hồ, xã Tân Mỹ Hà) là hộ nghèo. Một mình nuôi con trai khôn lớn, bà phải chịu nhiều nỗi vất vả. Khi dự án đi qua địa bàn, ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình, không một lời phàn nàn, ca thán, bà nhanh chóng chuyển đến chỗ ở tạm, nhường đất phục vụ thi công đường điện.

Bà Hiểu tâm sự: "Khi đất nước cần, công dân sẵn sàng đồng hành thực hiện nhiệm vụ chung. Con trai làm ăn xa nhưng quá trình di dời, tái định cư đã có chính quyền địa phương hỗ trợ, lo giúp tôi chỗ ở trong mấy tháng chờ nhà mới hoàn thành. Tôi phấn khởi vì hiện đã dần ổn định tại nơi ở mới với ngôi nhà khang trang và càng mừng hơn khi công trình đường điện quốc gia sắp hoàn thành. Qua đó, để thấy rằng, sự hy sinh của chúng tôi thật xứng đáng".

Xã Đức Liên (Vũ Quang) cũng là địa phương được đánh giá cao trong công tác GPMB dự án đường dây 500kV mạch 3. Dự án qua địa bàn có 8 vị trí móng cột với chiều dài tuyến 4,1 km, ảnh hưởng 29 hộ với tổng diện tích 59.400m2, trong đó có 1 hộ phải di dời tái định cư. Đó là gia đình thương binh Phạm Hồng Lương (thôn Liên Châu).

Gia đình ông Phạm Hồng Lương là hộ duy nhất phải di dời do ảnh hưởng dự án tại xã Đức Liên (Vũ Quang)

Ông Lương chia sẻ: "Bản thân đã từng đi qua chiến tranh, phải chứng kiến bao đau thương, mất mát nên mong muốn xuyên suốt của tôi là đất nước phát triển, phồn vinh. "Hạ tầng đường điện phải đi trước một bước, làm đòn bẩy để thúc đẩy nền kinh tế phát triển" - thấm nhuần quan điểm đó, mặc dù là hộ dân duy nhất trong xã phải thực hiện di dời chỗ ở, song chúng tôi đã tiên phong thực hiện. Thời trai trẻ được cầm súng bảo vệ Tổ quốc, khi về già được đóng góp vào dự án trọng điểm quốc gia, góp phần xây dựng đất nước, với tôi thật không vinh dự nào bằng".

Chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ các gia đình trong vùng bị ảnh hưởng giải tỏa công trình, di dời tài sản.

Theo ông Dương Thanh Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, với chiều dài 518,14 km, dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch – Phố Nối đi qua 9 tỉnh (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên). Trong đó, đoạn qua Hà Tĩnh có quy mô lớn nhất trong các tỉnh (dài 141,52 km với 285 vị trí cột và 284 khoảng cột/113 khoảng néo thuộc 9 huyện, thị xã). Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của Hà Tĩnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sớm bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư phục vụ thi công. Quá trình triển khai thi công, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trên hiện trường, đảm bảo tiến độ cấp bách của dự án.

Chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã tạo điều kiện để các hộ dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống ở nơi ở mới.

Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (chủ đầu tư) cho biết, thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3 qua Hà Tĩnh, Nhà nước thu hồi đất khoảng 581.108m2 tại vị trí móng và khoảng 3.993.519m2 trong hành lang an toàn của 1.276 hộ dân; có 74 hộ phải di dời chỗ ở (trong đó 34 hộ tái định cư tại chỗ, 30 hộ tái định cư phân tán và 10 hộ tái định cư theo hình thức tái định cư tập trung). Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 290,28 tỷ đồng. Đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ triển khai dự án trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành.

Thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 trên địa bàn Hà Tĩnh. Ảnh: Điện lực Hà Tĩnh.

Xin khép lại câu chuyện về những người tiên phong nhường đất cho dự án trọng điểm quốc gia bằng tâm sự của ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng phòng Đền bù (Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung): “Công tác GPMB luôn là vấn đề khó, đặc biệt là dự án yêu cầu cấp bách về tiến độ như đường dây 500kV mạch 3. Tuy nhiên, khi triển khai dự án tại Hà Tĩnh, chủ đầu tư và các đơn vị thi công luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động về chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nên dự án đã nhận được sự đồng thuận của người dân, hàng chục gia đình sẵn sàng di dời nhà cửa về nơi ở mới vì lợi ích cộng đồng. Đó là một trong những yếu tố quan trọng, hàng đầu giúp dự án trọng điểm quốc gia đảm bảo tiến độ, góp phần nâng cao năng lực truyền tải điện, đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

NỘI DUNG: THU PHƯƠNG

ẢNH, VIDEO: THU PHƯƠNG

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói