Hà Tĩnh hợp sức đưa dự án trọng điểm quốc gia đường dây 500kV về đích đúng hẹn

(Baohatinh.vn) - Thực hiện tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tỉnh Hà Tĩnh đã và đang tích cực đồng hành triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 qua địa bàn, góp phần đưa dự án "về đích" đúng tiến độ.

Đường dây 500 kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Dự án nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

dji_fly_20240620_100154_0_1718852514793_photo_low_quality.jpg
Thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn qua Hà Tĩnh.

Với chiều dài 518,14 km, dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch – Phố Nối đi qua 9 tỉnh (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên), trong đó, đoạn qua Hà Tĩnh có quy mô lớn nhất trong các tỉnh (dài 141,52 km với 285 vị trí cột và 284 khoảng cột/113 khoảng néo thuộc 9 huyện, thị xã).

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của Hà Tĩnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sớm bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư phục vụ thi công. Các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ đã chủ động phối hợp, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trên hiện trường, đảm bảo tiến độ cấp bách của dự án.

Do đoạn thuộc địa bàn Hà Tĩnh có 178/285 vị trí cột đi qua khu vực rừng núi thuộc 9 huyện, thị nên thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã tập trung hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật.

12.JPG
Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh tập trung cao cho công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án theo đúng quy định.

Ông Trần Văn Thông – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT, đơn vị đã tập trung cao cho công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Điều đáng nói, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng yêu cầu trình tự, thủ tục chặt chẽ, chính xác và phải trình qua nhiều cấp, nhiều ngành, trong khi tiến độ dự án yêu cầu khẩn trương nên đơn vị đã nỗ lực làm ngày, làm đêm để sớm hoàn thành khối lượng công việc được giao.

Quá trình Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thực hiện kiểm tra hiện trạng rừng, đo đếm diện tích, đánh giá các chỉ tiêu lâm học tại từng lô, từng khoảnh theo từng móng trụ gặp rất nhiều khó khăn. Do địa hình đồi núi phức tạp, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ phải đi bộ nhiều giờ liền mới tiếp cận được hiện trường.

Sau khi hoàn thành việc kiểm đếm, Sở NN&PTNT đã tham mưu cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên diện tích 39 ha để phục vụ triển khai thi công dự án. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng đối với hạng mục đường thi công với tổng diện tích 4,1633 ha rừng tự nhiên thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh và Công ty Cao su Hà Tĩnh. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng chủ động hỗ trợ các sở, ngành, địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng dự án khi có yêu cầu.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn qua Hà Tĩnh đi qua TX Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê, Vũ Quang và Hương Sơn. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương đã khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

14.JPG
Chính quyền các cấp đã nỗ lực, sớm bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Cẩm Xuyên là địa phương có khối lượng lớn nhất với chiều dài đường dây đi qua 30,6 km, gồm 62 vị trí móng trụ và 19 khoảng néo nằm trên địa phận 9 xã.

Ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin: Công tác GPMB được địa phương hết sức quan tâm. Theo đó, về phần móng cột, đã bồi thường, chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng với tổng kinh phí 4,546 tỷ đồng và bàn giao mặt bằng thi công hoàn thành 62/62 vị trí. Về phần hành lang tuyến, đã phê duyệt phương án bồi thường, chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng với tổng kinh phí 74,435 tỷ đồng và bàn giao toàn bộ mặt bằng phạm vi hành lang tuyến đường dây 500kV đảm bảo thi công kéo rải dây. Về giải phóng hành lang cây cối, nhà cửa vật kiến trúc, địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu chặt hạ toàn bộ cây cối trong phạm vi hành lang tuyến đường dây; tháo dỡ 30/32 công trình nhà cửa, chuồng trại, vật kiến trúc và đang tiếp tục tháo dỡ 2 công trình nhà ở còn lại tại xã Cẩm Lạc và Cẩm Mỹ theo quy định.

IMG_3217.JPG
Người dân xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) tiên phong di dời nhà cửa, xây dựng nhà mới, nhường đất cho dự án.

Tại huyện Hương Khê, dự án qua địa bàn có chiều dài 20,22 km với 35 vị trí cột. Ngoài nỗ lực trong công tác GPMB, địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ chủ đầu tư và các đơn vị thi công di dời nhà cửa, vật kiến trúc, giải phóng hành lang đảm bảo điều kiện thi công và đóng điện công trình.

Đồng hành cùng dự án, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trực tiếp đến tận từng hộ dân chưa nhận tiền bồi thường hoặc đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa di dời để kịp thời nắm bắt tâm tư, hỗ trợ ngày công giúp di dời nhà cửa, tài sản nhằm sớm giải tỏa hành lang tuyến theo tiến độ.

Anh Nguyễn Hoài Nam – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết: Tỉnh đoàn đã phối hợp huy động 2.700 lượt ngày công hỗ trợ 53 hộ gia đình di dời nhà cửa; di dời 32 chuồng trại, vật kiến trúc nằm trong hành lang tuyến; hỗ trợ phát quang hơn 140 ha cây trên 113 khoảng cột tại các địa bàn đã hoàn thành bồi thường GPMB. Ngoài ra, lực lượng đoàn viên kịp thời trao tặng hơn 1.000 két nước và 400 thùng sữa động viên các tổ thi công dự án; làm đầu mối hỗ trợ đơn vị thi công thuê máy móc cũng như hỗ trợ công tác hậu cần, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.

z5752510068488_d3ef9583a52158febf0b7c3219d26014.jpg
Tỉnh đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ chủ đầu tư và các đơn vị thi công nhiều phần việc ý nghĩa.

Dự án đang bước vào chặng “nước rút”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn nữa, nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng nhiều hơn nữa”, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, góp phần đưa dự án về đích trước dịp lễ Quốc khánh 2/9.

Vừa đây, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc huy động các nguồn lực địa phương hỗ trợ thi công công trình đường dây 500 kV mạch 3 đoạn qua địa bàn, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh huy động hơn 500 lượt cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 841 và lực lượng dân quân huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ các đơn vị thi công tại thôn Lạc Thọ, xã Cẩm Lạc. Trong điều kiện thời tiết bất lợi, song lực lượng vũ trang tỉnh nhà đã nỗ lực vượt khó, vận chuyển trang thiết bị, phát cây thông tuyến, tổ chức lực lượng kéo dây, tạo điều kiện thuận lợi cho kỹ sư, công nhân kỹ thuật thi công tại hiện trường.

a4-5972.jpg
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Hà Tĩnh phối hợp các lực lượng kéo đường dây tại thôn Lạc Thọ, xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên).

Đến nay, dự án đã hoàn thành đúc móng 285/285 vị trí, hoàn thành dựng cột 285/285 vị trí, đã hoàn thành kéo dây khoảng 60% khối lượng. Chủ đầu tư đang tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực, phương tiện, sớm hoàn thành kéo dây khoảng 40% khối lượng còn lại, phấn đấu ngày 25/8/2024 đủ điều kiện đóng điện công trình.

Theo ông Bùi Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (chủ đầu tư): Với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã và đang đồng hành hiệu quả với chủ đầu tư và các đơn vị thi công trong tất cả các phần việc một cách kịp thời, thiết thực và ý nghĩa. Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi trên công trường, góp phần đưa dự án trọng điểm quốc gia về đích đúng tiến độ, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ phát triển nền kinh tế đất nước.

Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (chủ đầu tư), dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Quỳnh Lưu đoạn qua Hà Tĩnh có diện tích đất thu hồi tại vị trí móng khoảng 581.107m2; diện tích đất bị ảnh hưởng trong hành lang an toàn khoảng 3.993.519 m2.

Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất và hành lang an toàn là 1.276 hộ (trong đó, tại vị trí móng có 386 hộ và hành lang an toàn có 890 hộ).

Cũng liên quan đến dự án, có 74 hộ dân ở 9 huyện, thị phải tái định cư, trong đó có 34 hộ tái định cư tại chỗ, 30 hộ tái định cư phân tán và 10 hộ tái định cư theo hình thức tái định cư tập trung.

Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 290,28 tỷ đồng. Đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ triển khai dự án trên địa bàn Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.