Sáng 9/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tổ chức diễn đàn sản xuất cam gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững tại vùng Bắc Trung bộ. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo ngành nông nghiêp cùng các nhà vườn, chủ trang trại sản xuất cam tiêu biểu của 5 tỉnh Bắc Trung bộ. |
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học chia sẻ, giải đáp nhiều câu hỏi của người trồng cam.
Theo thống kê sơ bộ, tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, có hơn 27.940 ha cây có múi, trong đó hơn 10.500 ha cam. Riêng đối với cây cam tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có chiếm phần lớn diện tích sản xuất của các tỉnh Bắc Trung bộ.
Đại biểu tham dự diễn đàn.
Nhiều thương hiệu cam được người tiêu dùng ghi nhận và có thương hiệu trên thị trường như: Cam Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hay cam Quỳ hợp, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Yên Thành và Con Cuông (Nghệ An).
Trước đó, vào chiều 8/12, các đại biểu tham dự diễn đàn đã đi tham quan mô hình thâm canh cam an toàn tại xã Mỹ Lộc (Can Lộc).
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Hiện nay, các tỉnh Bắc Trung bộ tập trung tái cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây có múi, đem lại hiệu quả cao. Diễn đàn lần này chia sẻ với các tỉnh về việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong liên kết tiêu thụ sản phẩm cam, xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn quả, từng vùng, miền. Điều quan trọng là, làm thế nào để giảm chi phí sản xuất, sản xuất sản phẩm chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn và thị trường tiêu thụ bền vững hơn?
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến sản xuất cam gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững tại vùng Bắc Trung bộ.
Tại diễn đàn, các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, HTX, chủ mô hình sản xuất cam đã có trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp để phát triển diện tích, nâng cao chất lượng, đảm bảo độ an toàn; các giải pháp về liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, tránh tình trạng được mùa, “rớt” giá...