Chuyên gia hiến kế phát triển du lịch cộng đồng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ông Dương Minh Bình - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel, người được mệnh danh là “phù thủy” trong tư vấn xây dựng nhiều mô hình du lịch cộng đồng nổi tiếng cả nước, chia sẻ về những triển vọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Hà Tĩnh.

Nhân dịp ông Dương Minh Bình vừa có chuyến khảo sát tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), phóng viên (P.V) Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện với ông về những triển vọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

a1.jpg
Ông Dương Minh Bình.

P.V: Xin ông chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với chuyến khảo sát này?

Ông Dương Minh Bình: Tôi có nhiều tình cảm với quê hương Hà Tĩnh sau khi xem bộ phim “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Tuy nhiên, về lĩnh vực du lịch thì biết rất ít, cho đến năm 2019, thông qua lời mời từ cán bộ phụ trách du lịch Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, tôi mới có dịp đến đây.

Chuyến đi đó, tôi cùng đoàn có khảo sát một số điểm đến theo định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tiếc là do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên kế hoạch phải hoãn lại.

a2.jpg
Đoàn khảo sát phát triển mô hình du lịch cộng đồng do ông Dương Minh Bình dẫn đầu tham quan tại cánh đồng thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà).

Dịp tháng 3/2024 vừa qua, trong chuyến đi Tây Bắc, tôi có quen một bạn trẻ ở Hà Tĩnh có đam mê và đầy quyết tâm phát triển mô hình du lịch cộng đồng nên đã về quê bạn ở Lộc Hà chơi vài ngày. Đây cũng là thời gian tôi quan sát kỹ hơn về cuộc sống của người dân ven biển Hà Tĩnh. Lần này, với lời mời nhiệt tình từ Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh), tôi trở lại để khảo sát kỹ hơn điểm đến ở khu vực xã Thịnh Lộc (Lộc Hà). Qua đó, hướng tới triển khai dự án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây.

P.V: Ông thấy tiềm năng về phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Lộc Hà cũng như Hà Tĩnh như thế nào?

Ông Dương Minh Bình: Tuyệt vời! Rất nhiều triển vọng để xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng ở Lộc Hà, cụ thể là ở xã Thịnh Lộc. Đó là những gì tôi có thể thấy được sau khi đi khảo sát các thôn Nam Sơn, Yên Điềm (xã Thịnh Lộc) và một số điểm đến vệ tinh xung quanh. Chúng tôi đã đi một vòng trên tuyến đường ven biển phía sau Resort Melia Vinpearl Cửa Sót, vòng qua trảng cát Truông Vùn đến cánh đồng gần hồ Khe Hao (xã Tân Lộc). Sau đó, đi đường núi qua chùa Chân Tiên trở về thôn Yên Điềm… Cảnh quan, thiên nhiên rất tươi đẹp và trong lành, văn hóa làng chài độc đáo.

a4.jpg
Ông Dương Minh Bình cùng cộng sự là Tiến sỹ Trần Thị Thủy - Giảng viên khoa Du lịch (Đại học Vinh, Nghệ An) xem lại những bức hình về cảnh quan xã Thịnh Lộc (Lộc Hà).

Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt vời nếu du khách được trải nghiệm ở một không gian nông thôn có biển, đồng bằng, núi rừng, nhất là giao thông rất tiện lợi. Bên cạnh đó, khu vực này cũng có nhiều cơ sở du lịch khá tốt như: Resort Melia Vinpearl Cửa Sót, tương lai còn có dự án sân gofl phía dưới chùa Chân Tiên… Rất nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng thành công tại đây.

Hà Tĩnh là vùng đất có nhiều làng quê đẹp, văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, tôi thấy rất nhiều nơi có thể xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Điều quan trọng là quyết tâm của người dân và các cấp chính quyền trong xây dựng loại hình du lịch này.

P.V: Vậy, theo ông, Hà Tĩnh cần làm gì để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả?

Ông Dương Minh Bình: Như tôi vừa nói, điều đầu tiên phải là sự quyết tâm của người dân, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Trong đó, đối với xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, homestay, yếu tố quyết định phải là người dân địa phương. Khi người dân thấy được lợi ích của phát triển du lịch, biến khuôn viên nhà mình là nơi đón khách đến lưu trú, trải nghiệm với cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, mang lại nguồn thu nhập lớn… thì họ sẽ có động lực để đầu tư tiền bạc, công sức vào du lịch. Về phía chính quyền, cần có chủ trương, chính sách như: mời chuyên gia tập huấn, hướng dẫn cách làm, có những ưu đãi trong vay vốn đầu tư… tạo điều kiện hỗ trợ người dân xây dựng mô hình.

a6.jpg
Một số hình ảnh của đoàn khảo sát phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Lộc Hà do ông Dương Minh Bình dẫn đầu.

Sở dĩ nói du lịch nông nghiệp, nông thôn là hướng đi bền vững, là vì xây dựng mô hình này không phải đập đi xây mới, loại bỏ cái cũ bằng cơ sở hiện đại, thay vào đó, biến những ngôi nhà theo kiến trúc bản địa thành cơ sở lưu trú có dịch vụ đạt chuẩn 5 sao ở bên trong; biến một con đường làng thôn quê mộc mạc thành nơi trải nghiệm của du khách; công việc đồng áng, chài lưới hằng ngày của người dân lao động là sản phẩm để du khách khám phá.

Hàng chục mô hình du lịch cộng đồng mà tôi đã tư vấn, thiết kế, xây dựng thành công như: Mai Hịch, Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình), Hua Tạt (Mai Hồ, Sơn La), Pù Luông, Bá Thước (Thanh Hóa)…, đều đạt tiêu chuẩn 5 sao đối với các dịch vụ: ăn, ngủ, giải trí trong những ngôi nhà của người dân bản địa.

a7.jpg
Ông Dương Minh Bình trao đổi với bà Võ Thị Thu Hiền (Trưởng phòng Quản lý du lịch - Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) về những hướng đi trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh phải xác định xây dựng mô hình du lịch cộng đồng là cả một quá trình dài, không phải làm liền là thu hút được khách ngay. Trên thực tế, hiện nay, Hà Tĩnh chưa phải là điểm đến thu hút du khách, do đó, việc triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phải tập trung vào 1 điểm trước. Phải tập trung làm cho tốt 1 điểm, thu hút được khách trong nước, quốc tế thì mới có cơ sở để phát triển loại hình du lịch này rộng hơn và hiệu quả hơn.

P.V: Hà Tĩnh đã manh nha một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Để khai thác hiệu quả, theo ông, cần phải làm gì?

Ông Dương Minh Bình: Tôi chưa khảo sát hết nhưng theo tôi, một mô hình thành công trước tiên phải làm cho du khách cảm thấy thỏa mãn nhiều yếu tố khi lưu trú tại đây.

a9.jpg
Du khách nước ngoài trải nghiệm tại xã Mai Hịch (Mai Châu, Sơn La) và dịch vụ bên trong một nhà dân ở xã Mai Hịch - mô hình du lịch cộng đồng nổi tiếng do ông Dương Minh Bình tư vấn thiết kế xây dựng. Ảnh: internet.

Trong đó, phải đặt ra câu hỏi: Du khách có hài lòng với việc ăn uống, ngủ, nghỉ, trải nghiệm, khám phá ở đó chưa? Khi người ta tổ chức một chuyến đi cho cả gia đình hay bạn bè, điểm đến của bạn đã đảm bảo không gian thư giãn phù hợp với các lứa tuổi chưa? Người ta lựa chọn điểm đến của bạn hay không? Trả lời được câu hỏi đó thì bạn sẽ đánh giá được mô hình có thành công hay không?

Ngoài ra, muốn xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng, yếu tố quan trọng không kém là cơ sở du lịch phải kết nối được với các đơn vị lữ hành.

a8.jpg
Phóng viên Báo Hà Tĩnh trò chuyện với ông Dương Minh Bình.

Trước khi trở thành chuyên gia tư vấn xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, tôi từng là người đầu tiên ở Việt Nam tổ chức thiết kế các tour du lịch châu Âu và các nước trên thế giới; giám đốc kinh doanh của đơn vị lữ hành lớn nhất Việt Nam…, do đó, tôi rất hiểu tầm quan trọng của các đơn vị lữ hành. Và, khi đã xây dựng mô hình đạt các tiêu chuẩn đề ra, được sự “hậu thuẫn” của các đơn vị kinh doanh lữ hành nữa thì việc thu hút du khách là điều không khó. Đó cũng là mức độ đánh giá hiệu quả của một mô hình du lịch cộng đồng.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.