Chuyên gia khí tượng Hà Tĩnh: Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt do mưa bão!

(Baohatinh.vn) - Dù không nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền nhưng do ảnh hưởng rìa phía Bắc của bão kết hợp với không khí lạnh nên từ chiều tối 27 – 30/9, Hà Tĩnh sẽ có mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.

Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh về ảnh hưởng của cơn bão số 4 tới Hà Tĩnh và tình hình mưa lũ những ngày tới trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá.

- Xin ông cho biết hướng di chuyển, cường độ và những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền?

Ông Trần Đức Bá: Sáng sớm 26/9, bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Lu – Dông (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022.

Hồi 7 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 210km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Hướng di chuyển của bão số 4 vào sáng 26/9/2022.

Hôm nay (26/9), bão chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20 – 25 km/h, đến 4h ngày mai cách quần đảo Hoàng Sa 250 km, duy trì cấp 13, giật tăng ba cấp. Sau đó bão giữ nguyên tốc độ theo hướng tây và có xu hướng mạnh thêm. Đến 4h ngày 28/9, bão cách đất liền Đà Nẵng – Bình Định khoảng 170 km, sức gió mạnh nhất 166 km/h, cấp 13 – 14, giật cấp 17.

Trong 48 – 72 giờ tiếp theo, bão giữ nguyên hướng và tốc độ, đi vào các tỉnh Trung Trung Bộ rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 29/9, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên Nam Lào.

Trọng tâm ảnh hưởng của bão số 4 là các tỉnh từ Đà Nẵng tới Bình Định. Cường độ bão duy trì cấp 14, tức 166 km/h.

Do ảnh hưởng của bão số 4, các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Ngư dân đưa tàu thuyền vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà).

- Bão số 4 ảnh hưởng như thế nào tới thời tiết Hà Tĩnh sắp tới, thưa ông?

Ông Trần Đức Bá: Với dự báo hướng di chuyển như hiện tại thì Hà Tĩnh ít có khả năng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng rìa phía Bắc của bão kết hợp với không khí lạnh nên Hà Tĩnh sẽ có mưa lớn diện rộng từ chiều tối 27 – 30/9 với tổng lượng mưa từ 150 – 300mm. Đặc biệt, mưa lớn tập trung vào ngày và đêm 28/9, nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở trung du và vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp và khu đô thị.

Trước ảnh hưởng của mưa lớn, trên các sông suối khu vực Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức báo động 1 tới báo động 2.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều 27/9, trên vùng biển Hà Tĩnh sẽ có gió mạnh, gây nguy hiểm cho ngư dân, tàu thuyền nếu còn hoạt động trên biển vào thời gian này. Các vùng ven biển, nhất là khu vực phía Nam của tỉnh cũng có gió mạnh, cấp 6, cấp 7.

- Ông có lưu ý gì về cơn bão số 4 không, thưa ông?

Hướng di chuyển, cường độ, vùng ảnh hưởng của bão Noru (bão số 4) năm nay có nhiều điểm khá tương đồng với cơn bão Molave (bão số 9) vào cuối tháng 10/2020.

Do hoàn lưu của cơn bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 28 – 30/10/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh cũng có mưa lớn từ 300 – 500mm kèm gió giật mạnh khiến nhiều vùng trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, nhà cửa bị tốc mái và chính quyền địa phương phải sơ tán nhiều hộ dân để đảm bảo an toàn. Thiệt hại do đợt mưa lớn cũng không hề nhỏ.

Vậy nên, để tránh thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ trong đợt này, các đơn vị, địa phương và người dân cần chủ động kế hoạch ứng phó, không nên chủ quan, lơ là.

Người dân nuôi cá lồng bè ở xã Thạch Sơn, huyện Thạch Sơn gia cố lại lồng nuôi trước dự báo ảnh hưởng mưa lớn.

Bên cạnh đó, từ đầu năm tới nay, Hà Tĩnh đã có lượng mưa khá lớn. Theo lượng mua đo được tại trạm thủy văn ở các địa phương như Kỳ Anh, Hương Sơn, TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên... có tổng lượng mưa 9 tháng năm 2022 cao hơn so với tổng lượng mưa 9 tháng trung bình nhiều năm.

Lượng mưa lớn thời gian qua cũng khiến các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, nhất là hồ chứa có dung tích nhỏ, cơ bản đã tích đầy nước. Với lượng mưa dự báo đợt này từ 150 - 300mm, các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm vận hành hồ đập cần bám sát diễn biến thời tiết, có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

- Ông có khuyến cáo gì với các đơn vị, địa phương và người dân Hà Tĩnh trước ảnh hưởng bão số 4?

Ông Trần Đức Bá: Hiện nay, bão đang cách đất liền khá xa, khi di chuyển càng gần bờ, trường khí áp (sự phân bố khí áp trong không gian) sẽ có thay đổi nên tình hình thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp, các đơn vị, địa phương, người dân trên địa bàn cần cập nhật kịp thời các bản tin dự báo thời tiết mới nhất để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Chủ đề Dự báo thời tiết Hà Tĩnh

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói