Lọn tóc thề và chiếc lược là 2 kỷ vật được ông Nguyễn Đức Hồng cất giữ suốt nhiều năm trước khi trao lại cho Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc.
Trong số những kỷ vật lưu giữ tại Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc có một lọn tóc và chiếc lược. Đó là những kỷ vật gắn liền với câu chuyện tình đặc biệt của nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) Võ Thị Tần (1944 - 1968) - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 và thương binh Nguyễn Đức Hồng (1943 - 2018).
Dẫu thời gian có làm mờ đi nhiều ký ức nhưng câu chuyện tình yêu trong khói lửa chiến tranh của liệt sĩ Võ Thị Tần và thương binh Nguyễn Đức Hồng vẫn luôn được nhắc tới. Tình yêu của họ dù dang dở bởi bom đạn kẻ thù nhưng đã trở thành minh chứng cho tinh thần của lớp lớp thanh niên lúc bấy giờ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.
Chân dung liệt sĩ Võ Thị Tần (Ảnh tư liệu).
Thương binh Nguyễn Đức Hồng và liệt sĩ Võ Thị Tần quen thân nhau từ nhỏ. Trải qua những năm tháng thơ ấu bên nhau, tình yêu của họ đã nảy nở.
Năm 1963 - 1964, khi ấy liệt sĩ Võ Thị Tần là Phó Bí thư Chi đoàn xã Thiên Lộc, Can Lộc. Chị Tần vừa nết na, xinh đẹp, tính tình hiền dịu lại năng động nên có rất nhiều người để ý, trong đó có anh thanh niên Nguyễn Đức Hồng, người cùng làng. Mến người đã lâu nhưng đến đầu năm 1964, anh Hồng mới bạo dạn ngỏ lời và được chị Tần cùng gia đình chấp thuận.
Thế nhưng, giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt, trai gái đua nhau ra trận, chàng thanh niên Nguyễn Đức Hồng đành tạm biệt gia đình, tạm biệt người yêu để lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Đức Hồng (lúc còn sống) bên phần mộ liệt sĩ Võ Thị Tần. (Ảnh: Internet).
Trước khi lên đường nhập ngũ, tháng 10/1964, anh Hồng và chị Tần được 2 gia đình tổ chức lễ dạm ngõ. Không có nhẫn cưới trao duyên, chị Tần và anh Hồng trao nhau chiếc lược cùng lọn tóc thề thay lời hẹn ước. Họ hẹn nhau ngày toàn thắng sẽ nên duyên vợ chồng. Kỷ vật ấy là một phần thân thể của chị Tần theo anh Hồng suốt những tháng năm dài chinh chiến.
Ra chiến trường, người lính Nguyễn Đức Hồng được phân về Trung đoàn 270, Quân khu 4, chiến đấu ở chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ít lâu sau khi anh Hồng nhập ngũ, chị Tần gửi thư báo đã tham gia lực lượng TNXP, giữ mạch máu giao thông trên tuyên đường huyết mạch Trường Sơn.
Thời gian ấy, anh Hồng cùng chị Tần gửi nỗi nhớ nhung vào từng con chữ, qua những bức thư nồng nàn yêu thương. Một thời gian sau, anh Hồng được điều ra đảo Cồn Cỏ chiến đấu nên hoàn toàn mất liên lạc với người yêu.
Giữa năm 1968, anh Hồng bị trọng thương trong một trận chiến đấu giữ đảo. Sau thời gian điều trị vết thương, cuối năm 1968, anh Hồng được điều ra Bắc học tập. Tranh thủ thời gian này, anh xin phép thủ trưởng về quê cưới vợ.
Thế nhưng, bom đạn của kẻ thù đã cướp đi người vợ sắp cưới của anh nơi hậu phương. Khi anh Hồng về đến nhà mới hay tin dữ: chị Võ Thị Tần đã hi sinh trong một lần tham gia san lấp hố bom cùng tiểu đội tại tuyến lửa Ngã ba Đồng Lộc vào năm 1968. Cũng năm đó, mẹ chị Tần cũng mất do bom Mỹ.
Suốt nhiều năm kể từ ngày chị Tần mất, chàng trai Nguyễn Đức Hồng vẫn lặng lẽ một mình, ngày ngày qua lại chăm sóc cụ Cung (cha liệt sĩ Võ Thị Tần) và gia đình. Cảm động tấm chân tình đó, cụ Cung nhiều lần bàn anh Hồng lấy vợ nhưng lần lữa mãi anh vẫn không chịu.
Bà Võ Thị Minh luôn xem liệt sĩ Võ Thị Tần là một thành viên trong gia đình.
Sau hơn 2 năm mãn tang con gái, cụ Cung đã làm mối anh Hồng cho chị Võ Thị Minh (SN 1949, hiện trú tại thôn Hồng Tân, xã Thiên Lộc, Can Lộc). Hai người nên duyên vợ chồng và có với nhau 4 người con.
Sau khi ông Hồng mất, bà Minh thay chồng hương khói cho tổ tiên và liệt sĩ Võ Thị Tần.
Năm nay đã 74 tuổi song bà Minh vẫn nhớ như in những ngày tháng mới quen ông Hồng qua lời mai mối của cụ Cung. Bà Minh kể: “Hồi ấy, tôi là hàng xóm của chị Tần và anh Hồng. Tôi cũng biết đến mối tình của anh chị và cảm động trước tấm chân tình của anh Hồng. Khi chồng muốn đưa di ảnh của chị Tần về thờ trong nhà, tôi rất ủng hộ. Từ lâu chị Tần đã là một thành viên trong gia đình chúng tôi”.
Năm 2018, ông Hồng rời xa trần thế. Từ khi chồng mất, bà Minh thay chồng hương khói cho tổ tiên và liệt sĩ Võ Thị Tần. Bà Minh chia sẻ: “Tôi cũng đã lớn tuổi, chẳng biết sẽ hương khói được cho chị Tần bao lâu nữa. Thế nên, tôi đã dặn con cháu sau này thay cha mẹ thắp hương, làm giỗ cho chị Tần như bao năm qua”.
Ông Tửu và bà Minh vẫn thường lui tới nhà nhau để hỏi thăm sức khỏe.
Chuyện tình đẹp nhưng dang dở của liệt sĩ Võ Thị Tần và thương binh Nguyễn Đức Hồng vẫn được những người ở lại nhắc mãi như một bài học về tình yêu, lòng thủy chung cũng như tinh thần hy sinh vì đất nước, dân tộc của thế hệ trước.
Ông Võ Xuân Tửu (SN 1948, trú tại thôn Hòa Thịnh, xã Thiên Lộc, Can Lộc) - em trai liệt sĩ Võ Thị Tần bồi hồi chia sẻ: “Hồi trước, khi anh Hồng, chị Tần yêu nhau, tôi vẫn còn là một cậu thiếu niên. Tôi và anh Hồng cũng rất thân thiết nên khi biết anh Hồng sẽ là anh rể, là một thành viên trong gia đình, tôi rất vui mừng. Ấy vậy mà, sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến anh chị phải cách biệt âm dương”.
Chuyện tình của liệt sĩ Võ Thị Tần và thương binh Nguyễn Đức Hồng vẫn được những người ở lại kể cho nhau nghe.
Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng mối tình đẹp của liệt sĩ Võ Thị Tần và thương binh Nguyễn Đức Hồng vẫn được ông Tửu cùng họ hàng, làng xóm nhớ về. Và câu chuyện thờ người yêu của chồng của bà Võ Thị Minh đã viết thêm những trang đời đẹp đẽ, thấm đẫm sự cảm phục, yêu thương.